Bộ Nội vụ Ukraine thông tin, Bộ này đã liệt 5.800 binh lính tham gia vào việc chiếm đóng bán đảo Crimea hồi năm 2014 vào danh sách truy nã.
Sputnik của Nga dẫn thông báo trên trang web của Bộ Nội vụ Ukraine khẳng định, lệnh truy nã gồm 5.800 người từng là binh sĩ Ukraine nhưng đã ở lại bán đảo Crimea dù có lệnh rút quân khỏi đây.
Những người lính Ukraine đã ở lại bán đảo Crimea sẽ bị truy nã.
Ngoài ra, Lực lượng Cảnh binh quốc gia Ukraine còn tạo lập hồ sơ riêng của từng thành viên Đội Tự vệ ở Crimea.
Đại diện lực lượng này cho biết: "Chúng tôi đã liệt vào danh sách truy nã 5.800 binh sĩ Ukraine đã phục vụ và ở lại bán đảo sau khi có lệnh rút quân về lục địa [Ukraine].
Lần đầu tiên sau 4 năm bán đảo này bị chiếm đóng, danh sách những binh sĩ Ukraine tham gia trái phép vào một lực lượng vũ trang mang tên là "Đội Tự vệ Crimea" đã được hoàn thành. Danh sách này cũng bao gồm dữ liệu đầy đủ về 860 người, những người đưa ra quyết định và tham gia vào việc chiếm đóng các đồn quân sự ở Crimea".
Dẫu vậy, mệnh lệnh của phía Ukraine không hề có hiệu lực thực tế. Dù tuyên bố truy nã những binh sĩ này nhưng điều đó lại khó có khả năng đạt được.
Kiev trước nay vẫn coi Crimea là "lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng" do bị Nga "xâm lược". Trong khi đó, Moscow nhiều lần tuyên bố rằng việc bán đảo sáp nhập vào thành phần Liên bang Nga không hề trái với các chuẩn mực pháp lý quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Tháng 3.2014, hơn 5.500 binh sĩ đóng quân ở bán đảo Crimea quyết định ra khỏi lực lượng vũ trang thuộc chính quyền Ukraine và tuân theo mệnh lệnh của lãnh đạo khu tự trị Crimea.
"Trong số 34 đơn vị quân sự của Ukraine, binh sĩ của 23 đơn vị đã đào tẩu" - một quan chức địa phương nói với Ria Novosti vào thời điểm đó.
Thủ tướng Crimea, ông Aksenov, tuyên bố chính quyền tự trị sẵn sàng đón nhận binh lính Ukraine bởi họ sẽ thành lập Bộ Quốc phòng độc lập với chính phủ ở Kiev.
Việc chấp thuận phục vụ lực lượng an ninh tự vệ tại Crimea không chỉ do thiếu sự nhất quán về quan điểm chủ quyền của những binh lính Ukraine mà còn bởi quyết định thiếu sáng suốt của Chính quyền Kiev.
Chuyên gia Dmitry Tymchuk - Người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu chính trị - quân sự của Ukraine đã từng phải tỏ ra bức xúc về cách cư xử của chính quyền với những người lính của mình: “Sự kiệt quệ của binh lính ở Crimea đã đạt tới điểm giới hạn. Trong suy nghĩ của họ, cảm giác bất định và cay đắng đã hoàn toàn đến đỉnh điểm. Họ nhận ra rằng mình bị phản bội. Phản ứng của Kiev vẫn bị giới hạn trong câu chuyện về "công cụ chính trị" và "sự cần thiết phải tiếp tục đứng vững"...".
Hơn nữa, chính sự chia rẽ về quan điểm của binh lính Ukraine đã khiến tình trạng "tan đàn xẻ nghé". Rất nhiều lính Ukraine đã bỏ súng rời khỏi căn cứ của mình hoặc đầu hàng phía lực lượng tự vệ Crimea.
Ngay tại Kiev, tân Tư lệnh Hải quân Ukraine cũng đã thề trung thành bảo vệ Crimea và ủng hộ nước Nga.
Một người lính Ukraine trong căn cứ ở Crimea bị lực lượng tự vệ Crimea bao vây.
Xu hướng rời bỏ lực lượng quân đội Ukraine để đầu quân cho Nga không chỉ xảy ra ở Crimea mà còn ở các khu vực khác tại Ukraine như khu vực miền Đông.
Ukraine liên tục bị "mất" số lượng binh sĩ khá lớn trong quá trình sau đảo chính Ukraine.
Tháng 2.2017, ông Dmitry Zavtonov, sĩ quan phụ trách báo chí của Nhóm chiến thuật "Mariupol" cho biết, một nhóm binh sĩ của Các lực lượng vũ trang Ukraine đã không quay trở lại căn cứ sau khi thực hiện nhiệm vụ tiền tuyến tại tỉnh Lugansk.
"Một nhóm binh sĩ thực hiện nhiệm vụ quan sát một số vị trí ở tiền tuyến, tuy nhiên chúng tôi vẫn không liên lạc được với nhóm này", ông Zavtonov tuyên bố.
Giới phân tích cho rằng, nhóm binh sĩ Ukraine không hề mất tích mà đang tìm cách trốn sang Nga hoặc khu vực miền Đông Ukraine để tránh những chiến sự căng thẳng leo thang.
Hồi tháng 10.2015, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình 112 của Ukraine, Trưởng Công tố viên quân sự Anatoly Matios có tới 16.000 lính Ukraine mang theo vũ khí đào ngũ trong khu vực miền Đông Ukraine, nơi mà chính quyền nước này đang thực hiện "hoạt động chống khủng bố".
Ông Matios cũng đổ lỗi cho Bộ nội vụ nước này khi cho rằng trong số hàng nghìn binh lính đào ngũ mang theo cả vũ khí, cơ quan này chỉ bắt và đưa ra xét xử hình sự 1.000 người.
"Trong suốt cả năm, các cơ quan của Bộ nội vụ đã tìm ra hơn 1.000 người đào ngũ. Họ đã đi đâu? Họ đâu có thể bay? Họ trở về nhà. Điều đó có nghĩa là các cảnh sát địa phương không hề làm việc, công việc mà họ được trả hàng tháng tới 2.000 grivna (khoảng 95 USD). Điều đó có nghĩa là toàn bộ hệ thống bị tê liệt", ông Matios gay gắt.
Hãng truyền thông Nga Rossiyskaya Gazeta tiết lộ, một số binh sĩ Ukraine đào ngũ đã mang súng chạy sang hàng ngũ lực lượng Cực hữu Ukraine. Những người này ngay lập tức biến thành tội phạm có vũ trang, sử dụng vũ khí của mình gây ra các tội ác trên khắp lãnh thổ nước mình.
Với quyết định mới nhất mang tính chất trừng phạt của Bộ Nội vụ Ukraine khi truy nã tất cả số binh lính Ukraine đã đào ngũ, khả năng Ukraine tìm lại được số binh lính này trở nên khó thành hiện thực.
Huy Vũ (Báo Đất Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.