Đổi đời nhờ trồng dưa, nuôi lợn khép kín
Mô hình trồng cây dưa lưới tại xã Hợp Đồng là 1 trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Mô hình này có 8 thành viên tham gia đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, trong đó Hội ND huyện Chương Mỹ hỗ trợ nguồn vốn vay 150 triệu đồng.
Anh Trương Viết Huấn - hội viên Hội ND xã Hợp Đồng cho biết: “Chúng tôi triển khai mô hình trồng cây dưa lưới Kim Thiên Hoàng theo quy trình sản xuất VietGAP trên diện tích 2.500m2, quy mô 5.000 cây. Ngay từ lứa đầu, sản phẩm đã được các hệ thống siêu thị như: Coopmart, Big C... thu mua. Hiện, mỗi năm chúng tôi sản xuất được 3 lứa dưa với khối lượng khoảng 7 tấn, cho thu nhập gần 700 triệu đồng. Thành công này khiến các thành viên tham gia rất phấn khởi”.
Anh Nguyễn Trọng Long - Giám đốc HTX Hoàng Long (thứ 2 bên trái) giới thiệu thịt lợn sinh học A - Z với đoàn công tác Hội NDVN và Hội ND Đức. Ảnh: Thu Hà
Ông Lê Trọng Khuê - Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội cho rằng: Để khuyến khích nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thành phố cần có chính sách hỗ trợ nông hộ tiếp cận vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện tích lũy đất đai, mở rộng quy mô sản xuất. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao với vai trò là “đầu tàu” liên kết, đồng hành cùng nông dân khởi nghiệp. |
Hội ND TP.Hà Nội đang quản lý nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 554 tỷ đồng, được giải ngân thực hiện 389 dự án với hơn 8.000 hộ nông dân hưởng lợi, trong đó có nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp Hội ND TP.Hà Nội cũng phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ủy thác cho 62.945 hộ nghèo và đối tượng chính sách vay với tổng dư nợ đạt hơn 1.700 tỷ đồng; phối hợp Ngân hàng NNPTNT thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn cho 23.814 hội viên vay với tổng dư nợ đạt gần 1.400 tỷ đồng.
Để thúc đẩy nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, ngoài tập huấn, cho vay vốn, Hội ND TP.Hà Nội còn có nhiều chương trình đưa nông dân đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều tỉnh, thành trong và nước ngoài. Giám đốc HTX Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai) - ông Nguyễn Hoàng Long cho biết: Khi mới khởi nghiệp, HTX gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, nhất là mùa đông lợn ốm cả đàn. Những kinh nghiệm học được từ các chủ trang trại ở trong nước chưa đủ, anh Long được Hội ND tạo điều kiện cho đi Đức năm 2015 và năm 2016 lại sang Hà Lan để học hỏi, tìm kiếm những phương pháp, kỹ thuật mới của nước bạn.
Trong 10 ngày đi Đức năm 2015, anh Long học được cách quản lý cũng như kỹ thuật, xây dựng trang trại chăn nuôi lợn hiệu quả. Mặc dù điều kiện Việt Nam không thể làm được như bên Đức, song anh Long đã vận dụng sáng tạo vào trang trại của mình. Theo đó, có 2 điểm mới cơ bản là: Anh Long đã đầu tư 2 hộp thông gió ở mỗi dãy chuồng tạo độ thông thoáng cho chuồng nuôi về mùa đông và mát về mùa hè. Đồng thời, anh Long nâng cấp trần chống nóng từ bằng bạt tráng nhôm 2 mặt sang trần bằng inox; trên mặt trần và dưới mái tôn đều có xốp chống nóng, kết hợp dàn mát. Nhờ vậy nhiệt độ mùa hè giảm được 7 - 9 độ C so với ngoài trời. Qua đó, trang trại đã tiết kiệm được 60% chi phí tiền điện và đàn lợn lớn nhanh, không ốm yếu, giảm 45% lượng thuốc thú y.
Còn chuyến đi Hà Lan vào tháng 8.2016, anh Long học hỏi được rất nhiều về kỹ thuật giết mổ, chế biến và nhất là kỹ thuật cấp đông bảo quản thịt lợn. Sau khi đi tham quan học hỏi ở châu Âu trở về, anh Long đã xây dựng trang trại lợn khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến tạo dựng thương hiệu thịt lợn sinh học A - Z được nhiều người biết đến.
Hiện HTX đang nuôi 450 con lợn nái, khoảng 1.500 con lợn thương phẩm với sản lượng trung bình từ 800 - 1.000 tấn lợn hơi/năm. Ngoài ra, HTX còn cung ứng các sản phẩm thịt, giò, chả, nem cho người tiêu dùng Thủ đô thông qua hệ thống cửa hàng tiện ích.
Cần thêm cơ chế hỗ trợ
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội có tới hơn 80% mô hình do nông dân làm chủ, với mức đầu tư khoảng 1 - 5 tỷ đồng/mô hình.
Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội Lê Trọng Khuê khẳng định, để các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh ở tất cả các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chế biến, Hội đã đa dạng các phương thức hỗ trợ nông dân, từ vay vốn, tập huấn khoa học - kỹ thuật đến xây dựng thương hiệu.
Đến nay, Hội đã hỗ trợ xây dựng thành công nhiều nhãn hiệu tập thể tại các huyện và đang phát triển rất hiệu quả như rau hữu cơ Thanh Xuân, gà đồi Ba Vì, phật thủ Hoài Đức… góp phần nâng tỷ trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của toàn thành phố đạt khoảng 30%. Mặc dù quy mô còn nhỏ, nhưng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho năng suất cao hơn 10 - 12%, giá trị kinh tế gia tăng 25 - 30% so với phương thức sản xuất truyền thống.
Theo đánh giá của Hội ND TP.Hà Nội hiện nay, nhiều hội viên đã nhận thấy lợi ích trong việc đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp, HTX việc đầu tư công nghệ cao khá bài bản, riêng nông hộ nhỏ lẻ vẫn còn thực hiện hạn chế, không đồng bộ do thiếu vốn. Đây là một trong những khó khăn ảnh hưởng đến khâu tiêu thụ, vì với sự đầu tư không đồng bộ thì chất lượng sản phẩm chưa thật sự tốt và giá thành còn khá cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.