“Nhìn chung, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (về tam nông) và triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, bộ mặt nông thôn đã có những khởi sắc rất phấn khởi. Đời sống nông dân được tăng cao, như năm 2017 tăng gần 27 triệu đồng so với 2008; bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng sản xuất ƯDCNC…”- ông Nguyễn Chí Thiện – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An nhận định.
Hiệu ứng từ ứng dụng công nghệ cao
Cũng theo ông Thiện, ở Long An, cây lúa vẫn chiếm ưu thế cả về năng suất và chất lượng, nhờ những năm qua tỉnh đẩy nhanh việc chuyển giao KHCN và ƯDCNC vào lĩnh vực sản xuất cây trồng này.
Thu hoạch rau sạch tại HTX rau Mười Hai. Ảnh: Cửu Long
Theo Sở NNPTNT Long An, hiện tỉnh đã hình thành vùng sản xuất lúa ƯDCNC tại khu vực Đồng Tháp Mười với diện tích 20.000ha. Đồng thời tỉnh còn hình thành các vùng cây trồng ƯDCNC, như 2.000ha thanh long, 2.000ha rau… |
Anh Trương Hữu Trí - Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Tân Hưng, kiêm Giám đốc HTX Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, Tân Hưng) cho biết, hiện HTX đang triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng cánh đồng lớn, ƯDCNC. Thực hiện mô hình sản xuất này, HTX được Sở NNPTNT tỉnh Long An đầu tư cho kho bãi, lò sấy, máy san đất bằng tia lazer, máy gặt đập liên hợp. Theo anh Trí, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian qua, HTX Gò Gòn không chỉ bảo đảm về chất lượng mà còn cả về số lượng khi cung cấp cho thị trường tiêu thụ. Vụ đông - xuân 2017 - 2018, Liên hiệp HTX Tân Hưng xuống giống khoảng 2.000ha ƯDCNC, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Toàn bộ sản phẩm được bao tiêu với giá cao hơn thị trường 100 đồng/kg. Nông dân trong liên hiệp HTX được cung cấp phân, thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn 3 triệu đồng/ha so với bên ngoài.
Trước đó, vụ đông - xuân 2016 - 2017, HTX Gò Gòn thành công lớn khi đưa hơn 2.200 tấn lúa vào thị trường Mỹ. “Để vào thị trường tiềm năng này, tất cả xã viên phấn đấu rất nhiều. Chúng tôi tạo được uy tín, sản xuất bảo đảm chất lượng, số lượng, liên kết với đơn vị có tâm, có tầm và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền”- anh Trí cho biết. Hiện, tỉnh Long An có hơn 13.000ha rau, năng suất 164,1 tạ/ha, sản lượng 221.609 tấn/năm; có 22 HTX, 20 THT liên kết doanh nghiệp sản xuất rau.
Giữa vùng nông thôn xã Long Khê (Cần Giuộc) giờ mọc lên cánh đồng rau ăn lá được trang bị công nghệ cao “đẹp như mơ” của HTX Rau Mười Hai. Ông Lê Văn Giấy – Chủ tịch HĐQT HTX Rau Mười Hai thổ lộ, hiện HTX có 25 thành viên. HTX đã đầu tư hàng tỷ đồng để trang bị nhà lưới, hệ thống tưới tự động cho hơn 8ha cánh đồng rau này. Trong canh tác, sẽ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, thuốc trừ sâu sinh học, nhằm tăng năng suất, giảm tỷ lệ sâu bệnh, giảm chi phí và nhân công lao động.
Theo ông Giấy , dù vốn đầu tư ban đầu cao nhưng hiệu quả rất rõ rệt. Mỗi năm với 1.000m2, người trồng rau ƯDCNC giảm được trên 20 triệu đồng tiền nhân công tưới nước theo kiểu cũ, giảm chi phí phải đổi đất nhờ sử dụng phân vi sinh đất tơi xốp, góp phần giảm giá thành sản phẩm.
“Hiện, mỗi ngày HTX thu hoạch hơn 6 tấn rau sạch. Từ ngày thành lập HTX đến nay đã có hàng chục doanh nghiệp đến tìm hiểu việc sản xuất rau và bao tiêu sản phẩm. Ngành chức năng, chính quyền địa phương ủng hộ lắm. Họ hứa hẹn sẽ hỗ trợ HTX vay vốn để đầu tư thêm”- ông Giấy thổ lộ.
Hình thành vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao
Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, bước đầu sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trên địa bàn tỉnh Long An đã có những tính hiệu rất khả quan. Thời gian tới, để sản xuất rau ƯDCNC đạt hiệu quả hơn, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường tuyên truyền nông dân, các THT, HTX, doanh nghiệp về ý thức, mục tiêu và giải pháp triển khai chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC trên cây trồng.
Ngoài yêu cầu về giống chất lượng, nông dân phải ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, hệ thống cảm biến điều khiển ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ tự động, công nghệ tưới phun mưa, phun sương, nhỏ giọt kết hợp bón phân tự động theo nhu cầu dinh dưỡng của cây,...
“Tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ƯDCNC. Mục tiêu trong thời gian tới là xây dựng hệ thống cánh đồng lớn để từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, sản xuất theo quy trình GAP, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả nông nghiệp, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường ”- ông Thiện nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.