Ứng dụng số kết nối giúp đỡ những người phụ hồ, lao động tự do "mắc kẹt" giữa Thủ đô
Ứng dụng số kết nối giúp đỡ những người phụ hồ, lao động tự do "mắc kẹt" giữa Thủ đô
Nguyễn Thịnh
Thứ tư, ngày 25/08/2021 12:11 PM (GMT+7)
Zalo Connect hay SOS map, SimUniCon đang giúp những người gặp hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của cộng đồng về lương thực, thực phẩm, thuốc men…
Đúng như tên gọi, Zalo Connect là tính năng kết nối cộng đồng người dùng Zalo, trong đó sẽ có những hoàn cảnh khó khăn cần sự trợ giúp, tương trợ giữa mọi người trong cộng đồng với nhau. Có thể nói sự ra đời của Zalo Connect giống như "chiếc phao cứu sinh" dành cho những người đang rơi vào hoàn cảnh túng thiếu cùng cực do dịch bệnh.
Ở thời điểm hiện tại, Zalo Connect đã có thể sử dụng ở hơn 20 tỉnh/thành đang thực hiện giãn cách như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai … Thông qua ứng dụng này, người dùng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ khẩn cấp từ cộng đồng về lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm cũng như sự giúp đỡ của bác sĩ tư vấn y khoa.
Tính năng nổi bật nhất của Zalo Connect là cho phép các cá nhân, tổ chức thiện nguyện dễ dàng tiếp cận được những trường hợp thực sự gặp khó khăn đang ở gần khu vực sinh sống của mình và thực hiện các hoạt động tương trợ một cách kịp thời. Tại thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn rất phức tạp và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống nhân dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, việc kết nối cộng đồng như vậy là vô cùng cần thiết và hữu ích.
Để sử dụng, người dùng truy cập ứng dụng Zalo, gõ "Zalo Connect" trên thanh tìm kiếm. Ngoài ra khi mở Nhật ký, banner của tính năng này được hiển thị lớn ở đầu bảng tin. Nếu cần hỗ trợ, người dùng vào mục "Tôi cần giúp đỡ", sau đó chọn Tiếp tế hoặc Tư vấn y khoa và ghi những thứ mình cần. Tiếp đến, cần điền đầy đủ thông tin liên hệ như họ tên, số điện thoại và địa chỉ, hoặc để ứng dụng tự động điền dựa trên thông tin tài khoản và dữ liệu định vị.
Nếu muốn hỗ trợ người khác, mục "Tôi muốn giúp đỡ" cũng hiện vị trí của những người đang cần hỗ trợ ở gần địa điểm của người dùng. Người chưa được hỗ trợ được hiển thị màu cam, người đã được hỗ trợ hiển thị màu xanh, cùng số lượt hỗ trợ. Người dùng có thể bấm vào các chấm này để xem chi tiết nhu cầu của người nhận.
Khi mở vào danh sách những người cần giúp trên ứng dụng, có thể thấy có rất nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn cần được trợ giúp.
Một chủ tài khoản zalo ghi: "Gia đình tôi hiện đang khó khăn về tài chính nên không thể mua lương thực, thực phẩm, nhà có con nhỏ nên rất cần được hỗ trợ, một số hộ trong khu vực tôi sinh sống cũng có hoàn cảnh như tôi, vì phần lớn các gia đình ở đây đều là lao động tự do và đã thất nghiệp hơn 1 tháng nay nhưng vẫn không nhận được hỗ trợ".
Theo ông Đoàn Quốc Anh, Trưởng dự án Zalo Connect, có đến 93% yêu cầu hỗ trợ của người dân thời gian qua liên quan đến vấn đề lương thực. Ngoài ra, 24% số yêu cầu đề cập tới nhu yếu phẩm, 8% cần thuốc men và 7% cần bác sĩ tư vấn về sức khỏe.
"Giúp người khó khăn quanh bạn"
Mặc dù mới chỉ chính thức hoạt động tại Hà Nội từ đầu tháng 8/2021 nhưng tới thời điểm hiện tại việc sử dụng Zalo Connect để tương trợ những hoàn cảnh khó khăn đang trở thành phòng trào với sự tham gia đông đảo và tích cực của người dân Thủ đô.
Trên mạng xã hội Facebook tại địa chỉ của nhiều hội nhóm như "Hà Nội - Giúp đỡ nhau mùa dịch", "Giúp nhau mua dịch" … với hàng chục nghìn người tham gia hay trên các hội nhóm có quy mô địa phương. Hình ảnh trao lương thực, thực phẩm, thuốc men tới những hoàn cảnh khó khăn cũng được thường xuyên cập nhật nhằm lan toả năng lượng tích cực tới cộng đồng.
Ở Hà Nội, hiện còn không ít những người lao động tự do mắc kẹt và khả năng tài chính của họ gần như kiệt quệ. Trong chia sẻ mới đây của nhà báo T.T.A, có trường hợp nhóm thợ xây, phụ hồ quê Sơn La bị kẹt lại ở Võ Chí Công (Tây Hồ). Một hoàn cảnh tên Khoa kể: "Chúng em bị kẹt lại đây hơn tháng rưỡi nay. Trước thuê 2 phòng trọ, giờ khó khăn quá phải dồn lại một, có 9 người cả nam và nữ ở chung, chỉ sống nhờ thực phẩm xin được, giúp đỡ thôi".
Ngay sau đó, nhà báo T.T.A đã kết nối và chia sẻ với nhóm công nhân những phần nhu yếu phẩm kịp thời như gạo, mì, nước mắm…
Ngoài ra, còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn trong những ngày dịch được kết nối từ Zalo Connect như trường hợp của một cặp vợ chồng 64 tuổi, ông làm bảo vệ, bà nhặt ve chai. Cả hai thất nghiệp vài tháng nay, đang sống nhờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng. Hay là những nhóm công nhân, những nhóm sinh viên nghèo xa quê…
Chị Thu Hằng (Mỹ Đình), người tích cực tham hoạt động cộng đồng mùa dịch đánh giá Zalo Connect là ứng dụng rất tiện lợi cho việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Việc sử dụng ứng dụng cũng rất dễ dàng, chỉ với vài thao tác đã có thể kết nối trực tiếp tới người cần giúp đỡ, hạn chế việc phải tự tìm thông tin cũng như di chuyển nhiều để tiếp cận tới các hoàn cảnh khó khăn.
Chia sẻ về sự hữu ích của ứng dụng Zalo Connect nói, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh nói: "Việc hỗ trợ người nghèo, người yếu thế bị ảnh hưởng vì Covid-19 đang được toàn xã hội quan tâm. Các phương pháp hỗ trợ truyền thống còn vướng nhiều bất cập, do tình hình đặc thù, số lượng người cần hỗ trợ rất lớn, và rải trên một địa bàn phức tạp, nhất là ở các thành phố lớn.
Rất cần các giải pháp công nghệ để giải quyết bài toán này. Việc ra đời các app hỗ trợ, kết nối người khó khăn với các mạnh thường quân, những người còn có điều kiện, có thể hỗ trợ trực tiếp là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm này.
Zalo Connect là ứng dụng rất hay. Cái tiện là lượng người sử dụng Zalo đông, hầu như ai cũng có tài khoản. Cho nên việc ứng dụng giải pháp này có thể thu hút được nhiều người, nhiều đối tượng. Nhất là những người khó khăn thì cũng có thể dễ dàng được quan tâm, chú ý".
Tuy nhiên ông Vinh cũng lưu ý thêm những nhà hảo tâm: "Chúng ta phải chấp nhận một thực tế là không thể kỳ vọng vào một giải pháp công nghệ hoàn hảo trong tình hình khẩn trương như thế này. Ví dụ nhiều người đang quan ngại về tính chính danh của người cần giúp đỡ, hoặc có những cá nhân trục lợi từ hoạt động cứu trợ trực tiếp. Nên ủng hộ các giải pháp công nghệ như vậy. Thà giúp nhầm còn hơn bỏ sót người nghèo khó khăn…"
Các ứng dụng cũng sẽ còn một số điểm chưa hoàn chỉnh, như là xác định người khó khăn thật sự, hay là chưa thể đáp ứng nhu cầu riêng rất khác nhau của mỗi cá nhân sẽ. Nhưng, như nói ở trên, chúng ta không nên quá cầu toàn.
Việc một số người lợi dụng kẽ hở hoặc những điểm chưa hoàn thiện của các giải pháp công nghệ để trục lợi cũng khó tránh khỏi. Trong hàng triệu người tốt vẫn có những kẻ xấu len lỏi. Để hạn chế, chúng ta phải dành thêm thời gian kiểm tra, thẩm định, có thể phải gọi điện, thậm chí video call, hoặc kiểm tra qua mạng lưới để xác định người liên hệ là ai, có thật sự cần hỗ trợ, hoặc là có phải người cứu trợ đàng hoàng hay không".
Qua một quá trình vận hành, chắc là công nghệ sẽ hoàn thiện dần, sẽ có thể "đánh dấu" những tài khoản bất lương. Nhưng hiện nay, chúng ta buộc phải chấp nhận một số rủi ro nhất định, để có thể giúp được nhiều người nhất có thể".
Ứng dụng số chung tay mùa dịch
Một ngày, khi đang đi trên phố, vô tình chị Tình thấy đội cứu trợ phát thực phẩm cho dân nghèo, liền tới hỏi chuyện. Họ đưa cho chị tờ hướng dẫn vào bản đồ SOS map để đăng ký nhận cứu trợ.
Về nhà, làm theo hướng dẫn, chị đăng ký luôn cho cả bà con quanh vùng. "Được ít bữa, có chị ngoài Hà Nội nhắn tin hỏi xác nhận, sau đó đã chuyển cho ít tiền để mua sữa cho bọn trẻ trong khu trọ", chị Tình chia sẻ.
Bản đồ số SOS map.net do Công ty TNHH công nghệ XTEK với sự hỗ trợ của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Viện Khoa Học Nông Nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam đã sáng tạo ra ứng dụng này từ chương trình "Yêu thương mùa dịch 2021".
Theo Phạm Thanh Vi, CEO công ty Xtek - đơn vị xây dựng SOSmap, bản đồ này góp phần giải quyết vấn đề phân phối nguồn lực thiện nguyện: "Chúng tôi từng hỗ trợ người dân ở vùng lũ và nhận thấy tình trạng 'giẫm chân nhau' của các nhóm thiện nguyện, dẫn đến nhiều nơi nhận được quá nhiều, trong khi nơi khác lại không có".
Trong mùa dịch, đã có rất nhiều ứng dụng ra đời. Ứng dụng SimUniCon cũng là cầu nối thiện nguyện đặc biệt. Anh Hữu Duyên, CoFounder của SimUniCon nói, từ sự kết nối giữa cung và cầu, SimUniCon ra đời sẽ là một giải pháp hữu ích hỗ trợ người dân trong khó khăn, bão lũ và dịch bệnh.
Mới đây, 150 chuyên gia công nghệ thông tin người Việt trong và ngoài nước cũng đã dốc sức tạo ra ứng dụng "Giúp tôi!". Đây là nền tảng kết nối cộng đồng hoàn toàn miễn phí với mục đích chung tay hỗ trợ người dân Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.