Mong ước, ước vọng vượt khả năng có thể tạo động lực để phấn đấu. Nhưng nếu vượt quá xa có thể là không bình thường và đôi khi gây tai họa. Có những người đã mơ xây dựng "thiên đường" trên hạ giới. Ý tưởng thật cao đẹp.
Nhưng sự viển vông đã tạo ra địa ngục thay cho thiên đường. Đời phức tạp chứ không đơn giản và những hệ quả không lường được của bất cứ ý định hay chính sách nào, dù có vẻ cao đẹp đến đâu, luôn xuất hiện.
Người dân biết rõ khả năng của mình và số người viển vông không nhiều. Họ bị nguồn lực của mình ràng buộc và viển vông sẽ mang lại hệ quả đau đớn ngay tức thì. Thực tiễn dạy họ rất nhanh. Nhưng chính quyền thì luôn mắc căn bệnh này.
Mà không chỉ ở ta, ở khắp mọi nơi. Có cách, có thủ tục tốt (thảo luận, tranh luận trước khi) ra quyết định có thể làm giảm các hệ quả không lường nhưng không loại trừ được chúng nên phải thường xuyên theo dõi, tranh luận và lắng nghe các ý kiến phản bác dẫu có chối tai.
Mới đây trong cuộc họp giao ban về thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm giai đoạn 2011-2015, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết tổng nhu cầu của các dự án của Hà Nội là 164 ngàn tỷ đồng, nhưng chính quyền chỉ bố trí được 2 ngàn tỷ trong năm 2012, chưa đầy 1,22%. Không rõ trong 3 năm còn lại Hà Nội có thể huy động được 162 ngàn tỷ không?
Kế hoạch thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội năm 2012 là khoảng 130 ngàn tỷ. Ba năm còn lại chắc cũng cỡ đó mỗi năm. Hơn nửa thu ngân sách để chi thường xuyên và còn hàng trăm nhu cầu chi khác. Có thể thấy khó có thể bố trí được 162 ngàn tỷ còn lại cho các dự án trong 3 năm tới nếu không vay được tiền. Ước vọng quá cao, khả năng có hạn.
Các doanh nghiệp có động cơ để chạy thực hiện dự án: Có dự án là có công ăn việc làm, là có "phần trăm" cho cả nhiều bên. Được dự án họ vay tiền để khởi động, vốn kiếm được đến đâu làm đến đó. Đấy là cách vì sao các dự án "vung tay quá trán" làm tăng tín dụng, gây ra sự chậm trễ trong thực hiện.
Do chính quyền không bố trí được vốn, doanh nghiệp bị vạ lây. Rồi doanh nghiệp không trả được nợ, ngân hàng vạ lây theo và buộc phải siết kỷ luật cho vay khiến doanh nghiệp lao đao thêm nên càng không trả được nợ. Đấy cũng là cơ chế gây ra và lây lan nợ xấu có thể làm tê liệt hệ thống và nền kinh tế.
Đâu chỉ có Hà Nội, các tỉnh và thành phố khác và cả trung ương đều nhiễm nặng căn bệnh này. 6 tổng công ty thuộc Bộ Giao thông -Vận tải đều bị nợ đọng các dự án từ 500 - 800 tỷ đồng. Các tổng công ty xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, các tỉnh và thành phố khác chắc cũng tương tự và biết bao doanh nghiệp tư nhân cũng bị dính gây ra tình trạng nợ xấu quá cao trong hệ thống ngân hàng.
Ước vọng là một chuyện, khả năng là chuyện khác. Và sự vung tay quá trán trong các dự án đầu tư là một nguyên nhân gây tai họa cho nền kinh tế. Giá mà các tổ chức nhà nước trung ương và địa phương biết được ràng buộc, hạn chế của mình như người dân thường và kìm bớt ước vọng, biết lắng nghe thì đỡ bao nhiêu cho đất nước.
Nguyễn Quang A
Vui lòng nhập nội dung bình luận.