Ưu đãi để hút chất xám

Thứ tư, ngày 27/10/2010 00:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng 26-10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Viên chức. Làm rõ khái niệm chức danh nghề nghiệp để định nghĩa về viên chức là một trong các vấn đề thu hút nhiều quan tâm của các đại biểu.
Bình luận 0

Đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) thắc mắc: "Trong các đơn vị sự nghiệp công lập, viên chức được hiểu là viên chức quản lý, tức là viên chức nhưng tham gia làm cán bộ lãnh đạo. Nhưng tại các đơn vị sự nghiệp công như trường đại học hay các bệnh viện lớn, có nhiều cán bộ làm việc ở những vị trí khác nhau. Vậy thì họ sẽ được xếp vào loại gì?".

img
Các nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Hà Nội. Ảnh minh họa.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) "chỉnh" lại ý kiến của ông Học: "Nếu chỉ nêu một vài ví dụ về ngành y thôi thì không chính xác. Ví dụ giám đốc bệnh viện thì làm sao có thể gọi là viên chức mà phải gọi là cán bộ. Theo tôi vấn đề này phải tính toán lại và nên tránh việc chưa nghiên cứu đã đưa ra quy định vào luật, rồi lại phải chờ nghị định, nghị định phải chờ thông tư, kiểu vừa chạy vừa xếp hàng như thế này rất nguy hiểm".

Chiều 26-10, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Các đại biểu đã thảo luận nội dung như trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm, quy định về hình thức doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới…

Việc tuyển dụng viên chức làm sao để khách quan và công bằng cũng là chủ đề được nhiều đại biểu góp ý. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nêu vấn đề: "Khoản 4, điều 21 về nguyên tắc tuyển dụng chỉ ưu tiên người tài năng. Nếu dự thảo quy định như vậy thì con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo không thể tham gia được".

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) lại cho rằng, dự thảo luật chưa quy định rõ việc tuyển dụng viên chức có năng lực bình thường và những viên chức có năng lực hay tài năng đặc biệt, như vậy chưa tạo sức hút và ràng buộc trách nhiệm của những người có tài năng gắn bó với các hợp đồng lao động giữa hai bên ký kết.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng vấn đề tuyển dụng gắn bó mật thiết với các chế độ, chính sách ưu đãi để duy trì nguồn "chất xám". Bà Tuyết cho biết, đội ngũ viên chức sắp tới sẽ tăng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, song lại xảy ra tình trạng chất xám chảy từ các khu vực dịch vụ công sang khu vực tư thu nhập cao hơn vì chế độ đãi ngộ giữa khu vực công và tư hiện nay có chênh lệch rất cao.

"Luật Viên chức cần quy định cụ thể hơn chế độ đãi ngộ và chế độ đãi ngộ này không chỉ về mức thu nhập mà phải quan tâm đến môi trường để phát huy năng lực của viên chức" - bà Tuyết nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem