Theo thống kê của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, hiện nay các chương trình hợp tác kinh tế giữa vùng với TP.HCM đang được triển khai trên tất cả các mặt, trong đó, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ.
|
Cầu Cần Thơ đi vào hoạt động đã góp phần đắc lực phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. |
Tiêu biểu trong số đó có TP.Cần Thơ – được xem là trung tâm kinh tế của cả vùng ĐBSCL. Đến nay đã có 27 dự án của các doanh nghiệp TP.HCM đăng ký thuê đất đầu tư trong các khu công nghiệp ở Cần Thơ với tổng vốn đăng ký đầu tư 113,7 triệu USD, vốn thực hiện là 54,3 triệu USD, chiếm tỷ lệ 47,75% vốn đăng ký. Trong tổng số 27 dự án, có 19 dự án đang hoạt động, 5 dự án đang xây dựng và 3 dự án chưa xây dựng.
Bên cạnh đó, phải kể đến các tỉnh có sức thu hút đầu tư trong các ngành công nghiệp và dịch vụ lớn, như Kiên Giang và Long An triển khai hàng trăm dự án công nghiệp, dịch vụ, thủy - hải sản với số vốn trên 60.000 tỷ đồng. Một số tỉnh còn lại có số vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế không dưới 1.000 tỷ đồng...
Ông Phạm Thành Tươi – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Trưởng ban Tổ chức MDEC 2011, cho rằng, ngoài những thành tựu trong hợp tác kinh tế giữa TP.HCM với ĐBSCL trong những năm qua, chương trình hợp tác và liên kết kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do kết cấu hạ tầng kém và chất lượng nhân công thấp.
Trong chương trình phát triển và hợp tác kinh tế vùng với TP.HCM trong 5 năm tới (2011 - 2015), mục tiêu đặt ra là đẩy mạnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là phát triển các dự án giao thông kết nối giữa các tỉnh trong vùng; giữa vùng với TP.HCM và với cả nước. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển ngành giáo dục đào tạo (mở các học viện, trường ĐH, CĐ, các trung tâm đào tạo nghề…) để đưa đội ngũ trí thức về góp sức phát triển kinh tế dần chuyển hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
ĐBSCL là 1 trong 7 vùng kinh tế trọng điểm của nước ta, với thế mạnh sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, giá trị sản xuất nông nghiệp dẫn đầu cả nước, chiếm 33,2% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp quốc gia. Có thể kể đến các ngành mũi nhọn như: Lương thực - thực phẩm, thủy - hải sản, chăn nuôi, cây ăn quả…
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, đào tạo đội ngũ trí thức là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để đưa vùng ĐBSCL phát triển. Thực tế, hiện nay có 1/3 số sinh viên đang theo học tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM là con em vùng ĐBSCL và trong tương lai đội ngũ trí thức trẻ này là nguồn nhân lực chủ chốt để phát triển ĐBSCL. Do vậy, các tỉnh ĐBSCL cần có những chính sách hợp lý để đưa họ về tham gia phát triển kinh tế quê nhà.
Ông Lê Hoàng Quân cho biết, TP.HCM đã ký kết hợp tác với 13 tỉnh thuộc khu vực ĐBCSL và TP.HCM rất coi trọng việc phát triển các dự án thuộc cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, kỹ thuật và các ngành du lịch, dịch vụ, để sớm đưa vùng phát triển toàn diện và đồng bộ hơn. “TP.HCM đã ký kết với các tỉnh ĐBSCL hơn 782 dự án với tổng số tiền 200.000 tỷ đồng, đây là minh chứng cho sự hợp tác và phát triển giữa vùng với thành phố” - ông Quân nêu rõ.
Hà Phạm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.