Ủy ban Kinh tế Quốc hội: "Tiền hỗ trợ ứng phó dịch Covid – 19 chậm, chưa đến nhiều nhóm dễ bị tổn thương"

Thanh Phong Thứ ba, ngày 20/07/2021 06:57 AM (GMT+7)
Theo nhận định từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc triển khai các gói hỗ trợ ứng phó dịch Covid – 19 còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Bình luận 0

Báo cáo mới đây của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã được ứng dụng hiệu quả nhiều giải pháp công nghệ. Điển hình, thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money, cơ bản hoàn thành việc thu thập Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, theo báo cáo từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn.

Cần làm rõ việc tiền hỗ trợ ứng phó dịch Covid – 19 chậm đến tay người dân - Ảnh 1.

Tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ ứng phó dịch Covid – 19 vẫn đang ở mức thấp. (Ảnh: VGP)

Cụ thể, tính đến ngày 27/5, gói hỗ trợ tiền mặt thực hiện được khoảng 13.100 tỷ đồng/35.880 tỷ đồng, tương ứng với 36,5% quy mô gói hỗ trợ. Gói Hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc thông qua chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với quy mô 16.000 tỷ đồng đã giải ngân cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động với số tiền 41,8 tỷ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ.

Gói Hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng đã nhận và giải quyết cho cho 192.503 lao động của 1.846 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền là trên 786 tỷ đồng, tương ứng với 12,1% quy mô gói hỗ trợ.

"Đặc biệt, với đối tượng là người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Một số quy định hướng dẫn thực hiện chưa sát với thực tế, một số quy định rất khó thực hiện, thậm chí làm các địa phương tốn kém thời gian, nguồn lực để triển khai thực hiện; do vậy cần được đánh giá kỹ hơn trong Báo cáo", trích báo cáo số: 2654/BC-UBKT14.

Bên cạnh đó, chiến lược vaccine của nước ta cũng đang gặp nhiều thách thức. Theo đó, mục tiêu 150 triệu liều vaccine để tiêm phòng cho 70% dân số, đến nay đã có cam kết và ký hợp đồng khoảng 105 triệu liều.

"Tỷ lệ dân số được tiêm chủng vắc-xin còn thấp; nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine", trích báo cáo số: 2654/BC-UBKT14

Cụ thể, theo số liệu thống kê, tính đến ngày 13/7, Việt Nam đã nhận được khoảng 8 triệu liều vaccine. Thực hiện tiêm 4.079.066 liều vaccine phòng Covid - 19.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem