Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn Dự án Luật Tiếp công dân

Thứ ba, ngày 20/08/2013 06:28 AM (GMT+7)
Sáng 19.8, thảo luận về Dự án Luật Tiếp công dân, nhiều thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn gây nhiều tranh cãi của dự luật như về trách nhiệm, quy trình, trụ sở tiếp công dân…
Bình luận 0
Có quy định tiếp dân ngoài trụ sở hành chính?

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày, về nội dung “trụ sở tiếp công dân”, có ý kiến đại biểu tán thành việc tổ chức trụ sở tiếp công dân là nơi tiếp công dân chung của cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không nên thành lập như vậy mà các cơ quan, tổ chức phải tổ chức việc tiếp công dân theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình. Một số ý kiến băn khoăn về việc xác định tư cách, địa vị pháp lý của trụ sở tiếp công dân các cấp như cơ quan độc lập, có tư cách pháp nhân, có nhiệm vụ, quyền hạn…

img

Lãnh đạo UBND thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) tiếp công dân tại trụ sở UBND.

Thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: “Tiếp công dân thì phải có địa điểm, nhưng trên thực tế công dân khiếu kiện đông người vẫn tập trung ở ngoài địa điểm đó thì trong luật không thấy có quy định thế nào! Hay cụ thể hơn khi giải quyết khiếu kiện đông người thì sẽ tiếp bao nhiêu người đại diện?”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận xét: “Đây toàn là những câu hỏi khó”.

Cũng liên quan tới trụ sở tiếp công dân, dẫn chứng từ việc Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã xuống tận làng cổ Đường Lâm để giải quyết vấn đề bức xúc của người dân và trên thực tế, những bức xúc đã được giải tỏa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu hỏi: “Vậy luật quy định tiếp công dân ở trụ sở cơ quan hành chính hay ngoài trụ sở?”.

Ông Giàu cũng nhấn mạnh rằng tiếp dân phải có “hơi thở cuộc sống”, tức là phải giải quyết được vấn đề dân khiếu nại chứ không chỉ tiếp xong rồi để đấy...

Tiếp lời, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc góp ý: Tiếp dân xong phải trả lời cho dân kết quả giải quyết thế nào, chứ nếu chỉ giải thích không thì sau đó người ta lại tiếp tục đi khiếu nại. Quan trọng nhất là tiếp xúc ngay tại cơ sở, giải quyết được ngay vấn đề. Để khi dân kéo lên T.Ư là vừa cực khổ cho dân, cơ quan tiếp dân cũng vất vả.

Tiếp xúc cử tri cũng là tiếp công dân

Về quy trình tiếp công dân, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, tiếp công dân phải làm sao để có lợi cho người dân, còn thiết lập quy trình mang tính chất hành chính là “cứng nhắc”. Cũng theo bà Mai, việc đưa tiếp xúc cử tri ra khỏi nội dung tiếp công dân phải cân nhắc lại. “Chúng ta phải nhìn từ thực tế cuộc sống. Tiếp xúc cử tri chính là nơi đại biểu được gần dân nhất. Người ta phải đi nhiều cây số để đến gặp trực tiếp người dân, chứ không phải tiếp ở trụ sở hành chính. Vấn đề quan trọng là việc của dân được giải quyết”- bà Mai phân tích.

Bà cũng cho rằng, Điều 5 về trách nhiệm tiếp công dân của cơ quan nhà nước, phải quy định thêm trách nhiệm của “người đứng đầu” và “người trực tiếp được phân công tiếp công dân”; trong khi Điều 8 lại yêu cầu công dân khi đến trụ sở tiếp công dân rất chặt chẽ như giấy tờ tùy thân và giấy tờ khác... “Giấy tờ khác là cái gì? Như vậy chúng ta đang cản trở người dân. Cơ quan hành chính cũng là cơ quan của dân, vì người đứng đầu cơ quan hành chính do dân bầu ra, vì vậy phải phục vụ dân chứ” - bà Mai nêu vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban An ninh-Quốc phòng Nguyễn Kim Khoa bày tỏ băn khoăn: “Đơn của dân cứ vòng vo. Tiếp dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Đó là quyền của công dân, dân có quyền hỏi thì Nhà nước phải trả lời”.

Chốt lại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: Quy định phải rõ, phân ra “loại phải giải quyết” và “loại phải chuyển”. Ví dụ như nếu đơn thư gửi tới trụ sở tiếp dân của T.Ư thì phải chuyển. Còn gửi trực tiếp cho các bộ trưởng hay các chủ tịch tỉnh thì phải giải quyết. Ngoài ra, phải có quy định buộc người giải quyết, người nhận phiếu chuyển phải có thời hạn trả lời, giải quyết cụ thể chứ không nói suông được.

Bảo hiểm thất nghiệp:Hợp đồng lao động 3 tháng được tham gia

Chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Việc làm. Dự thảo luật đã được chỉnh lý, mở rộng thêm đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Về vấn đề viên chức với bảo hiểm thất nghiệp, theo quy định hiện hành, viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập là đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Tính đến cuối năm 2012, viên chức thuộc khu vực sự nghiệp công có khoảng 1,792 triệu người, chiếm hơn 21% số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, giai đoạn 2010 – 2013 có 17.328 người thuộc khu vực sự nghiệp công được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Do đó việc tiếp tục quy định viên chức thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại dự thảo luật là phù hợp.
Lương Kết

Hải Phong (Hải Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem