Một tháng thí điểm cho thuê vỉa hè ở quận 1 (Bài 2): Phần lớn là do ý thức của người dân
Một tháng thí điểm cho thuê vỉa hè ở quận 1 (Bài 2): Phần lớn là do ý thức của người dân
Chinh Hoàng - Mạnh Tiến
Thứ tư, ngày 12/06/2024 06:30 AM (GMT+7)
Hiện tại, đã có 11 tuyến đường ở quận 1, TP.HCM đã kẻ vạch trắng để cho người dân thuê vỉa hè. Ghi nhận của phóng viên cho thấy nhiều tuyến đường đã thông thoáng, ngăn nắp. Tuy nhiên một số tuyến đường vẫn đang bị lấn chiếm gây mất mỹ quan đô thị.
Vừa bận rộn pha cà phê cho khách, anh P.V.A - chủ quán cà phê nhỏ trên đường Hải Triều, phường Bến Nghé, quận 1 (TP.HCM) phấn khích nói, tiệm cà phê này có từ thời bà ngoại của anh khoảng tầm 40 năm.
"Việc cho thuê sẽ rõ ràng hơn, phân định diện tích được sử dụng cụ thể hơn để còn dành phần đường cho người đi bộ. Các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ chỉ cần vài mét vuông là đủ kinh doanh rồi nên tiền hằng tháng của quán tôi chỉ có 400.000 đồng là khá hợp lý", anh A nói.
Còn bà N.T.N - chủ quán nước trên đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé cho rằng: "khi có quy định thì tôi đăng ký chấp hành như bao người. Ai kêu sao cứ làm như vậy cho đúng quy định. Bán mang đi nên diện tích cũng nhỏ không có tốn nhiều tiền phí mỗi tháng…".
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (phường Cô Giang, quận 1), UBND quận 1 đã kẻ vạch màu vàng để quy định nơi trông, giữ xe máy miễn phí. Một phần vỉa hè còn lại được kẻ vạch màu trắng để các hộ kinh doanh sử dụng và phải đóng phí. Không gian ở giữa được dành riêng cho người đi bộ.
Theo UBND Quận 1, việc thu phí sử dụng tạm vỉa hè để kinh doanh, mua bán tại 11 tuyến đường ở quận 1 tiếp nhận ngày càng nhiều hộ đăng ký. Trong đó, phường Bến Thành nhiều nhất với 129 trường hợp; phường Cầu Ông Lãnh 12 trường hợp; phường Đa Kao 15 trường hợp...
Tổng diện tích hè phố dự kiến đăng ký sử dụng tạm thời là 1.459m². Một số tuyến được đăng ký sử dụng vỉa hè nhiều nhất là đường Lê Thánh Tôn (71 trường hợp); đường Phan Bội Châu (34 trường hợp); đường Phan Chu Trinh (23 trường hợp)...
Đa số các hộ kinh doanh có sử dụng vỉa hè tại các tuyến đường này ủng hộ chủ trương của thành phố và chấp hành đúng quy định. Không khí mua bán rất tấp nập nhưng vỉa hè vẫn giữ được vẻ ngăn nắp, gọn gàng. Mọi hoạt động mua bán của người dân đều gói gọn trong vạch trắng và vạch vàng đã được lực lượng chức năng vẽ theo quy định.
Cũng theo ghi nhận của phóng viên, tuyến đường Phan Bội Châu đã có vạch kẻ đường cho thuê vỉa hè phân cách giữa khu vực buôn bán với phần còn lại dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, một số cửa hàng đã cho khách hàng ngồi lấn sang cả phần dành cho người đi bộ.
Môt số nơi người dân vẫn bày hàng rong bán trên phần đường dành cho người đi bộ. Thậm chí nhiều người thiếu ý thức còn chạy xe 2 bánh lên cả khoảng trống giữa hai vạch kẻ.
Trao đổi với phóng viên sáng 9/6 tại đường Lê Thánh Tôn (gần chợ Bến Thành), ông Đức - một Việt kiều Pháp cho biết, ông khá ngạc nhiên với hình ảnh trật tự của đường sá khu vực trung tâm Sài Gòn so với cách đây vài năm.
"Tôi cho rằng, việc chính quyền cho phép sử dụng một phần vỉa hè để buôn bán và thu phí không có gì lạ so với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn (có ngăn nắp hay không) vẫn phụ thuộc vào ý thức của người dân", ông Đức nói thêm.
Danh sách 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa, cho thuê giữ xe trên địa bàn quận 1 gồm: Đường Hoàng Sa (phường Tân Định), đường Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao); đường Hải Triều và đường Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé); đường Lê Thánh Tôn, đường Phan Bội Châu và đường Phan Chu Trinh (phường Bến Thành), đường Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình), đường Trần Hưng Đạo (các phường: Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho), đường Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh), đường Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.