Lớn nhặt, bé bỏ
Lý Thị H nhanh tay bắt những con giun to bỏ vào xô rồi khi xô đã nặng lại đổ vào chiếc thùng xốp buộc đằng sau yên xe máy. Trong đó đã cho thêm một ít đất vụn giúp cho lũ giun được tươi hơn để tiện việc vận chuyển đến đại lý thu mua. Những con giun nhỏ hơn chiếc bút bi hay những con giun rút lên chẳng may bị đứt ngang thân hoặc chết liền bị loại, vứt bỏ tại chỗ hoặc gom về cho gà vịt. Đó là cảnh kích giun thường thấy mấy tháng nay ở xã Minh Dân, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
Bộ đồ nghề kích giun khá đơn giản gồm máy kích có 2 cục kèm hệ thống ắc quy, sạc bên trong cùng dây điện nối với hai đầu cực bằng cọc kim loại có phần tay cầm bọc bằng nhựa để cách điện, chống giật cho người sử dụng. Chỉ sau vài chục giây “tít tè” là lũ giun dần ngoi lên, quằn quại trên mặt đất, giãy giụa trong tay người nhặt. Điều rất lạ là không một loại động vật nào khác ở dưới đất chui lên trừ họ hàng nhà giun. Dường như chiếc máy kích đã phát ra những luồng điện một cách có chọn lọc, có chủ ý với loài động vật không xương sống này.
Cục kích điện
Sau khi đã nhặt hết giun, người kích lại di chuyển sang vạt đất bên cạnh với những thao tác tương tự. Thỉnh thoảng chiếc que sắt cắm xuống, chạm phải đá lại tóe lên những tia lửa nhỏ kèm một làn khói mỏng manh bốc lưng chừng một lúc rồi biến mất. Sau chừng hơn 1 tiếng kích ở một vạt đồi giáp mấy bụi tre to, chiếc thùng xốp cỡ lớn đằng sau xe máy của H đã được khoảng 1/3. Bên trong lũ giun cuống quýt tìm cách bò lên miệng nhưng hầu hết đều bị rơi xuống.
H cười bảo: “Hôm nay không may rồi! Đã đi muộn lại gặp chỗ mới có người đi kích và đất khô quá nên ít giun, chỉ được khoảng 5kg. Thường thì, buổi tối giun sẽ bò lên sát mặt đất, kích sẽ được nhiều hơn. Mấy hôm nay trời lạnh, giun chui xuống sâu nên rất khó kích. Với giá bán mỗi kg là 20.000đ thì buổi sáng hôm nay em chỉ được cái phong bì mừng đám cưới 100.000đ thôi anh ạ!”.
Cắm cực kích điện xuống đất
Cũng theo H, nghề kích giun mới thâm nhập vào địa phương chừng hơn nửa năm nay, riêng thôn Ngòi Khang của cô từng có khoảng 10 người theo, giờ một số đã bán máy còn lại 6 người gồm Hoàng Văn N, Lý Văn N, Lý Văn Th, Lý Tiến Đ, Tô Văn Q và H. Do chưa được khai thác bao giờ nên những người đầu tiên đi kích được rất nhiều giun.
“Hồi đầu, em còn mời người ta vào kích giun trong vườn rau nhà mình bởi ghét cái cứ mỗi trận mưa giun lại bò vào đầy nhà, bởi sợ nó đùn đất làm ảnh hưởng đến cây mới trồng. Chỉ hơn 1 tiếng mà người ta kích được 11kg, thu 220.000đ, hơn nhiều so với đi gánh cam trên núi mà cả ngày chỉ được trả công có 150.000 - 200.000đ nên em mới muốn học theo. Người đầu tiên kích giun trong xóm đã sắm được tivi mới rồi đấy!”.
Xô đựng giun
Hễ trời nắng thì đi, trời mưa thì nghỉ vì sợ cháy máy kích nhưng mưa xong là thời điểm thuận lợi nhất để kích giun vì lúc đó chúng lên sát đến mặt đất. Thu nhập của thợ kích mỗi tháng được khoảng 6 - 7 triệu, không nhiều nhưng độ tàn sát về môi trường lại rất lớn.
H hăm hở đặt mua chiếc máy cũ trên mạng của một người ở tỉnh Thái Bình với giá 4,5 triệu đồng, rẻ hơn được 1 triệu đồng so với máy mới.
Rốt cuộc sau 3 ngày hồi hộp đợi chờ nó cũng về tới Ngòi Khang để vợ chồng cô thay phiên nhau vác đi kích khắp các triền đồi, vườn cây hay dọc đường đi, lối lại: “Bình thường mỗi ngày kích 4 tiếng là hết điện, phải sạc qua đêm mới dùng được tiếp. Trung bình mỗi lần thu được 10 - 12kg nhưng có lần em kích ở ven đường chỗ gần nhà văn hóa thôn Thượng Lâm, gặp đất ẩm lại chưa có ai kích nên nhặt tới 25kg, bán được 500.000đ. Sau khoảng hai chục buổi giờ đây cái máy này đã thu hồi được vốn, còn lại là lãi. Nếu không muốn làm tiếp nữa thì bán lại, chỉ lỗ 500.000đ - 1 triệu đ thôi”.
Một đại lý thu mua giun
Cũng theo H ở trong vùng có 2 nhà thu mua giun là Độ ở thôn Đồng Mới và Kiên ở thôn Trung tâm. Toàn bộ giun của các thợ kích trong vùng đều được gom về đây để bán. Tôi theo chân H đi đến nhà của đại lý Lê Văn Kiên để bán giun và tận mắt chứng kiến quy trình chế biến chúng từ A - Z.
Đi nhặt giun
Đầu tiên, giun được đổ vào chậu, xả đầy nước rồi khoắng nhanh tay để giũ sạch mọi đất cát, rều rác. Sau đó thả từng con vào miệng cái máy mổ, ròng dây ti ô chứa nước vào để bôi trơn bên trong đường dẫn cho khỏi tắc rồi bật điện. Chiếc máy kêu xèn xèn một lúc là mổ theo chiều dọc hết lượt 5kg giun vừa mua của H tựa như làm lòng gà vậy.
Lại một lần nữa, nước được xả vào chậu để giũ sạch mọi thức ăn bên trong lòng giun rồi vợ chồng anh Kiên mới tỉ mẩn bày từng con, từng con lên cái giàn sấy bằng thép để đưa vào lò. Sau 4 tiếng thì thành phẩm ra là những con giun khô màu nâu, cong lên như những chiếc vỏ cây, cầm sạo sạo trong tay là đủ chuẩn còn giòn quá thì lại hao. Trung bình cứ 13 - 14kg giun tươi chế biến được 1kg giun khô.
Lò sấy giun
Làm sạch giun
Mổ giun
Anh Kiên gốc ở Thái Bình lên Minh Dân hành nghề thợ mộc đã lâu, mới gần đây “du nhập” được nghề kích giun từ quê mình lên đây cho biết: Giun trước đây dùng để chữa bệnh sài giật hay sốt rét. Ở quê tôi, Hưng Hà, Thái Bình mấy năm nay đã xuất hiện nghề kích giun đem bán, nghe nói là cho người Trung Quốc chế thuốc. Mỗi lần về quê, thấy người ta kích giun ở chân đê hay ngoài bãi được rất nhiều, thu nhập rất khá nên mấy tháng trước tôi thử mua một bộ lên trên này để làm. Loại giun bán được là giun hoắc, màu đen, to, hơi giống giun khoang nhưng không rõ đốt như giun khoang, mình lại có nhiều thịt hơn.
"Tháng 6, 7 mưa nhiều, giun lắm, có ngày kích được 50 - 60kg, có lần riêng quanh một cái chuồng trâu của một nhà tôi đã kích được tới 21kg. Lúc đầu tôi chỉ đi kích rồi học cách phơi khô thô sau đó mới mua máy mổ, làm lò sấy để thu mua giun của những người khác nữa. Ở xã này có 2 người làm đại lý thu mua đều gốc gác Thái Bình là ông Độ ở khu Đồng Mới và tôi. Trước đây ông Độ cũng đi kích giun bán cho tôi, về sau thấy được nhiều nên mới mua máy, tự làm đại lý", anh Kiên cho hay.
Giun đã mổ xong, đặt lên giàn sấy
Đầu tư để làm đại lý thu mua, chế biến giun hoắc khá đơn giản và ít tốn kém. Chỉ là một lò sấy bằng than hoa (sấy bằng củi sẽ bị ám khói - PV), ít giàn phơi tự chế bằng loại lưới thép vẫn dùng để lọc cát sỏi và một máy mổ ruột giun của Trung Quốc có giá khoảng 2 triệu đồng. Trung bình mỗi tháng anh Kiên thu mua được 600 - 700kg giun tươi, đủ để chế biến ra hơn 40kg giun khô, đóng từng bao tải gửi về Thái Bình bán với giá khoảng 600.000đ/kg. Những khi mua được quá nhiều giun mà chưa kịp sấy anh đều phải mổ rồi cho vào hộp xốp, ướp đá bởi giun chỉ mổ được khi còn sống, khi đã chết ươn mổ hay bị đứt đoạn.
Kích giun hiện chưa có trong văn bản quy phạm pháp luật nào như kích cá nên việc xử lý gần như bị bỏ ngỏ, chưa có trường hợp nào bị phạt cả. Tuy nhiên đây lại là hành vi phá hoại môi trường cả theo chiều rộng lẫn chiều sâu bởi giun đóng vai trò rất lớn trong việc tăng độ phì cũng như độ tơi xốp, thông thoáng của đất. Bởi vậy, rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc để ngăn chặn kịp thời hiện tượng này.
Giun khô thành phẩm
Trên không, dưới nước, trên mặt đất hay dưới lòng đất hễ có con gì, từ không chân, hai chân, bốn chân đến nhiều chân đều bị bắt hết, bán hết thì chẳng mấy chốc nhiều giống loài sẽ bị tuyệt diệt.
Dương Đình Tường (Nông nghiệp Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.