Vẫn chưa giảm giờ làm cho người lao động

Nguyệt Tạ Thứ tư, ngày 18/09/2019 06:30 AM (GMT+7)
Trước những ý kiến trái chiều về đề xuất giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần, mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã khẳng định: Không đưa đề xuất này vào dự thảo Luật Lao động sửa đổi và chờ... thời điểm thích hợp. Như vậy, giờ làm việc của người lao động Việt Nam hiện vẫn được giữ nguyên 48 giờ/ tuần.
Bình luận 0

Chưa phải thời điểm thích hợp

Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - với tư cách là đơn vị thẩm tra dự thảo Luật lao động sửa đổi cho biết, về cơ bản sẽ không tăng thời gian làm thêm, cũng sẽ không giảm thời gian làm việc trong tuần, vẫn giữ nguyên 48 giờ/tuần.

Lắng nghe ý kiến từ nhiều bên, trong đó có ý kiến của người lao động, doanh nghiệp và cả Bộ LĐTBXH, ông Lợi cho rằng, mỗi người đều có cái lý khi đưa ra kiến nghị, đề xuất. Tuy nhiên, Luật Lao động là luật gốc, liên quan đến nhiều người, lĩnh vực, ngành nghề nên cần thận trọng và đặc biệt, "không thể trái với các quy định, công ước quốc tế mà ta đã tham gia" nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam.

"Chính phủ đang muốn kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ giải quyết vấn đề làm thêm giờ chỉ trong một số ngành nghề, lĩnh vực rất đặc biệt và phải điều chỉnh tiền lương theo lũy tiến. Vấn đề này sẽ do Quốc hội quyết định nhưng quan điểm của ủy ban thẩm tra là không đồng tình với việc tăng thời gian làm thêm” – ông Lợi nói.

Bên cạnh đó cũng không thể giảm thời giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần bởi Chính phủ không trình phương án này trong Luật Lao động sửa đổi. Trong trường hợp Chính phủ muốn trình thì phải đánh giá tác động, vì thế chưa có căn cứ để xem xét.

img

Nhiều lao động muốn được giảm giờ làm giữ nguyên chế độ tiền lương phúc lợi. (Ảnh chụp tại Công ty May 10). (Ảnh: Nguyệt Tạ)

“Mặt khác trong quá trình xem xét tổng kết Luật Lao động cũng không có đánh giá về tình hình thực hiện thời gian làm việc về 48 giờ/tuần theo luật hiện hành nên chưa thể có căn cứ để điều chỉnh tăng hay giảm” – ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, nếu các cơ quan liên quan có kiến nghị, đề xuất thì vấn đề này cần phải được bàn thảo lại. Trước hết phải tổng kết, đánh giá tác động khi đưa ra đề xuất, lấy ý kiến các đơn vị có liên quan mới trình Quốc hội xem xét được.

Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH với Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp chiều 16/9, Bộ trưởng Bộ Đào Ngọc Dung cũng khẳng định sẽ không đưa đề xuất giảm giờ làm việc tiêu chuẩn xuống dưới 44 giờ/tuần vào dự thảo  Luật Lao động (sửa đổi) và giữ nguyên như quy định hiện hành là không quá 48 giờ/tuần.

“Vấn đề giảm giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần như ý kiến một số đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức sẽ được nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, đầy đủ để trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Lao động nghỉ ngơi quá ít

Trước đó, đơn vị có kiến nghị sớm nhất về vấn đề giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần chính là Tổng Liên đoàn Lao động. Trao đổi với PV NTNN về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, cho biết đây là đề xuất chính thức của Tổng LĐLĐ khi góp ý sửa Luật Lao động. Kiến nghị này nhanh chóng nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội.

Dù Luật Lao động sửa đổi có trình phương án nào thì quan điểm khi soạn thảo, sửa đổi Luật Lao động vẫn là tìm ra tiếng nói chung của các bên. Quan điểm ấy dựa trên nguyên tắc phải bảo vệ được quyền lợi của người lao động, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và vì sự phát triển chung của đất nước”.
 Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung 

Theo ông Quảng, đề xuất này của Tổng LĐLĐ dựa trên sự tính toán, cân đối giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi của lao động. Theo nghiên cứu, Việt Nam là quốc gia có số lượng ngày nghỉ ít nhất khu vực tính cả ngày nghỉ lễ tết của chúng ta mới chỉ 10 ngày, trong khi đó, các quốc gia trong khu vực đều có ngày nghỉ cao hơn hẳn.

Thêm vào đó, Việt Nam cũng là quốc gia có số giờ làm việc rất cao. Tuần làm tới 48 tiếng, chưa kể tăng ca. Trong khi đó, trên thế giới hiện chỉ còn 40 quốc gia duy trì làm việc 48 giờ/tuần. Điều này đi ngược lại với Công ước Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về thời giờ làm việc. Theo ILO, các quốc gia chỉ nên duy trì chế độ làm việc 40 giờ, nhưng không được thay đổi chế độ phúc lợi.

Ông Quảng cho rằng, việc giảm giờ làm sẽ là cơ hội tốt để lao động được tái tạo sức lao động, tham gia học hành, nâng cao kỹ năng tay nghề. Thêm vào đó, họ có thời gian chăm sóc gia đình, con cái...

Một nghiên cứu về thời giờ làm việc tại Mỹ cũng cho thấy, cứ tăng một giờ làm thêm, năng suất lao động lại giảm đi 10%. Điều này có vẻ phù hợp bởi khi tăng giờ làm thêm lao động ngay lập tức đối diện với tình trạng mệt mỏi, nguy cơ tai nạn lao động cũng vì thế luôn hiện hữu.

“Từ năm 1999, Việt Nam đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần, nhưng đến nay chế độ này cũng chỉ còn thực hiện đối với công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Quy định này đã tạo ra khoảng cách, sự phân biệt lớn giữa người làm công ăn lương trong khu vực Nhà nước và người lao động khu vực ngoài Nhà nước, tạo ra sự bất bình đẳng trong lực lượng lao động” – ông Quảng nói.

Mặt khác, theo các chuyên gia, việc giảm giờ làm cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến các doanh nghiệp phải cải tiến khoa học công nghệ, cập nhật dây truyền sản xuất hiện đại, tăng năng suất. Về lâu dài điều này có lợi cho sự phát triển của nền kinh tế, có lợi cho lao động.

Nghỉ nhiều… vô bổ

Mặc dù những viện dẫn, phân tích của đại diện người lao động có vẻ hợp lý, nhưng đại bộ phận người sử dụng lao động lại không đồng tình với kiến nghị này.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - đại diện Hiệp hội Da giày và túi xách cho rằng việc giảm giờ làm là con dao hai lưỡi với doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Nếu giảm giờ làm, doanh nghiệp phải có hai phương án là tuyển dụng thêm lao động hoặc thay đổi công nghệ để tăng năng suất lao động. Cụ thể như ngành da giày rất khó tuyển lao động và nếu không tuyển được thì doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ để tăng năng suất lao động. Điều này sẽ tạo một áp lực lớn lên doanh nghiệp” – bà Xuân nói.

“Tất cả phải được xem xét toàn diện, nếu giảm giờ làm cộng với việc không tăng thời gian làm thêm thì sẽ tác động tới lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Các doanh nghiệp đều hoan nghênh cải thiện điều kiện sống của người lao động, tuy nhiên cần phải thực hiện theo lộ trình từng bước”- bà Xuân bày tỏ.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, đề xuất này nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho lao động, tuy nhiên lại gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Điều chỉnh giờ làm ngày thường từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần, thì một năm sẽ giảm tới 220 giờ, điều này không hợp lý.

Nếu giảm giờ làm thì doanh nghiệp lại phải tăng giờ làm thêm và lương tính theo lũy tiến sẽ là gánh nặng thêm cho doanh nghiệp. “Muốn sử dụng lao động làm việc bình thường như cũ thì sẽ phải trả mỗi tuần 4 giờ làm thêm, đây là chi phí rất lớn cho doanh nghiệp Việt khi có tới 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ có năng lực hạn chế, rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực kinh tế mạnh” – ông Lộc phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem