|
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng |
Sau phần đăng đàn của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, chiều nay, 12.11, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng là thành viên Chính phủ tiếp theo trả lời chất vấn Quốc hội.
Sau phần kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng bắt đầu trả lời chất vấn.
Bắt đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, nội dung câu hỏi của các đại biểu dành cho Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng liên quan đến các chủ đề không mới như thị trường bất động sản, chất lượng xây dựng công trình, quản lý đô thị, quy hoạch ở các khu đầu tư, công nghiệp, dân cư, đô thị...
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các đại biểu đặt câu hỏi thẳng vào vấn đề đang được các cử tri quan tâm.
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đặt câu hỏi: Chất lượng công trình xây dựng đang là vấn đề bức xúc. Nhiều công trình chất lượng kém nhưng sự cố xảy ra mới phát hiện được vấn đề. Với tư cách người được giao quản lý nhà nước về công trình xây dựng, xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Xây dựng?
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) hỏi về việc quản lý chất lượng các công trình xây dựng nói chung như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đặt vấn đề: Hạn chế nổi bật các khu đô thị mới hiện nay là xây dựng hạ tầng xã hội quá chậm. Có khu đô thị chưa bảo đảm đất dành cho xây dựng nhà ở và hạ tầng kỹ thuật. Các nhà đầu tư chỉ muốn thu hồi vốn sớm mà ít quan tâm đến xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đây là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu mặn mà của người dân. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong phê duyệt quy hoạch và giám sát, triển khai như thế nào và biện pháp khắc phục ra sao?
Đại biểu Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) nêu: Thị trường bất động sản đang ở ngưỡng nguy hiểm. Bộ có kịch bản gì để sự đổ vỡ không xảy ra? Nếu xảy ra sẽ có phương án đối phó thế nào?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời:
Câu hỏi của các đại biểu xoay quanh 3 nhóm vấn đề là: Lãng phí thất thoát trong đầu tư xây dựng; giải quyết, khắc phục khó khăn thị trường bất động sản và phát triển đô thị.
Bộ trưởng Dũng cho biết:
Lãng phí, thất thoát là vấn đề chung. Trong năm qua, ngành xây dựng đã đạt được những hiệu quả nhất định, góp phần quyết định sự tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, tạo những cơ sở để phục vụ cuộc sống và làm việc của người dân, đi đôi với đó là công tác quản lý được tăng cường để chống thất thoát, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, như đại biểu Lê Thị Nga, Nguyễn Thành Tâm nói, vấn đề lãng phí không phải hôm nay mới có mà đã có từ lâu. Đây là bệnh nan giải và khó khắc phục một cách triệt để.
Nguyên nhân đầu tiên là do thể chế. Chúng ta đang xây dựng một thể chế kinh tế thị trường, xã hội chủ nghĩa nhưng chưa hoàn thiện, như Luật Đất đai đang hoàn thiện, một loạt các luật khác cũng được xây dựng. Công tác kiểm soát chất lượng trong Luật Xây dựng giao cho các chủ đầu tư, nhưng vấn đề quản lý bảo đảm hiệu quả còn khó khăn. Bên cạnh đó, quy hoạch có chất lượng còn thấp, chậm, chưa kịp thời, đó là yếu tố gây lãng phí.
Nguyên nhân thứ hai là do chất lượng công tác quy hoạch, thi công, nghiệm thu, bàn giao thanh quyết toán... đều có yếu tố gây thất thoát, giảm chất lượng công trình. Ví dụ như có tuyến đường dài chỉ khảo sát những đoạn điển hình, có những đoạn không kiểm tra nên gây thất thoát, không bảo đảm chất lượng công trình.
Nguyên nhân thứ ba là do công tác kiểm soát còn chưa hiệu quả.
Nguyên nhân thứ tư là do năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức hoặc những chủ thể tham gia đầu tư xây dựng còn thấp.
Nguyên nhân thứ năm là do thiếu cơ chế để xã hội, người dân tham gia kiểm soát, phát hiện kịp thời, chưa có chế tài mạnh mang tính chất răn đe với những sai phạm.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh:
Có nhiều chủ đầu tư càng nhỏ thì chất lượng càng thấp. Điều đó phụ thuộc vào tư vấn của nhà thầu nên quản lý rất khó. Lần này, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phải tham gia thẩm tra trước khi chủ đầu tư quyết định. Đây là lỗ hổng cần khắc phục.
Bộ trưởng đưa ra các giải pháp khắc phục:
Thứ nhất, cần tăng cường kiểm soát năng lực nhà thầu, chủ đầu tư để loại các nhà thầu kém năng lực, thi công kém chất lượng, cần có thông tin để công bố danh sách các nhà thầu để chủ đầu tư có sự lựa chọn tốt nhất.
Bên cạnh đó, phải nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, chủ thể tham gia quản lý đầu tư xây dựng. Ngoài chuyên môn thì đội ngũ này phải có trách nhiệm, phẩm chất đạo đức tốt để chống thất thoát.
Ngoài ra, cần có cơ chế để cộng đồng, xã hội, người dân tham gia, giám sát, phát hiện sai phạm kịp thời. Ví dụ như sự việc tại đập thủy điện Sông Tranh 2, có nhiều nhà khoa học tham gia phản biện nên công trình này được các cơ quan quản lý nhà nước chú ý.
15h30': Quốc hội nghỉ giải lao
15h50': Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn
Tiếp tục ý cho câu trả lời trước giờ giải lao, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết:
Giải pháp cuối cùng là tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm làm ảnh hưởng đến thất thoát trong xây dựng.
Trả lời về sự cố tháp truyền hình Nam Định bị đổ, thiệt hại sơ bộ khoảng 50 tỉ đồng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thông tin, hiện tại vẫn chưa rõ nguyên nhân cụ thể.
"Tháp này mua nguyên của nước ngoài, hiện Bộ Xây dựng chỉ đạo Sở Xây dựng Nam Định kiểm tra nguyên nhân. Song các nguyên nhân ban đầu được xác định là thiết kế tháp sai, nhà thầu thi công lắp ráp chưa đúng quy định, đặt quá nhiều tải trọng không an toàn", Bộ trưởng nói.
Về trách nhiệm, Bộ Xây dựng hứa tập trung tìm ra nguyên nhân chính và có giải pháp khắc phục.
Về vấn đề tồn kho bất động sản còn rất lớn, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói:
Có những tồn kho là sản phẩm dở dang như có người mua, đóng góp tiền nhưng chưa xong sản phẩm và mới đóng một phần, lại không đủ tiền để tiếp tục thực hiện. Khối lượng tồn kho này rất lớn, chưa kể tồn kho nền đất ở các dự án hạ tầng các khu công nghiệp.
Thị trường bất động sản đóng băng là do các dự án phát triển tự phát, phong trào, thiếu tuân thủ quy hoạch, kế hoạch dẫn đến việc quá nhiều dự án, vượt rất xa so với nhu cầu thực của xã hội.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ:
Cơ cấu bất động sản rất bất hợp lý vì thừa những bất động sản cao cấp hoặc trung bình nhưng thiếu bất động sản phục vụ người dân thu nhập thấp.
Vốn cho bất động sản chủ yếu dựa vào vốn vay tín dụng là chủ yếu và một phần đóng góp người dân còn chủ đầu tư đa phần là doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu thấp nên khi tín dụng cho bất động sản bị thắt chặt, lãi suất tăng cao thì thị trường đóng băng. Nguyên nhân là do chúng ta còn thiếu thiết chế tài chính như quỹ phát triển bất động sản.
Nêu giải pháp về vấn đề này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Cần tìm dự án để phân loại. Những dự án chưa giải phóng mặt bằng thì phải dừng lại. Dự án nào đang đầu tư hạ tầng phải tiếp tục cơ cấu lại theo hướng tập trung để phát triển nhà ở xã hội, thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020.
Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại căn hộ bất động sản theo từng vị trí, đô thị để phù hợp với người dân thu nhập thấp.
Đặc biệt, nên khuyến khích chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà nước sẽ có hỗ trợ về nhiều mặt. Mặt khác, đề nghị ngân hàng tiếp tục cho vay với những người mua nhà, đặc biệt người mua lần đầu, người mua nhà ở xã hội, đồng thời, đề nghị Quốc hội giảm thuế VAT với người mua nhà ở lần đầu.
Về những tồn tại xung quanh vấn đề phát triển đô thị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Cần phát triển có quy hoạch, kế hoạch để quản lý các chủ đầu tư, khắc phục tình trạng chủ đầu tư chỉ chú ý hạ tầng cơ bản để bán nhà hoặc chuyển giao nền đất nhưng không quan tâm đến hạ tầng dẫn đến sự thiếu đồng bộ.
Về chất lượng các công trình, Bộ trưởng nhận định: Cơ bản ta kiểm soát được chất lượng và sự cố chủ yếu với các công trình cấp 3 trở xuống.
Với công trình xây dựng trọng điểm quốc gia, ngân sách nhà nước ít có sự cố. Hiện nay nhiều dự án rất không đồng bộ, gần như dở dang và mang tính phổ biến. Để khắc phục thì phải tiến hành từng bước. Bộ trưởng đề nghị chính quyền địa phương quản lý, đôn đốc chủ công trình thực hiện đúng cam kết.
Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, Đại biểu Châu Thị Thu Nga nhắc lại:
4 trưởng ngành đăng đàn trả lời chất vấn gồm Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.
Chốt lại phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thay mặt Chính phủ giải đáp thêm những câu hỏi liên quan tới việc điều hành kinh tế và các quyết sách của Chính phủ thời gian qua.
Về các giải pháp về thị trường bất động sản, Bộ trưởng có nêu cơ cấu lại thị trường và giảm thuế, nhưng Bộ trưởng cần nêu rõ quan điểm hơn nũa để có câu trả lời thỏa đáng. Bên cạnh đó, quỹ nhà ở xã hội, tái định cư hiện chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Để thu hút các nhà đầu tư, Bộ sẽ có các giải pháp gì.
Bộ trưởng Dũng trả lời: Chủ đầu tư trước khi phê duyệt cần được thẩm định kỹ. Cơ quan quản lý nhà nước cần tham gia trong việc tiền kiểm và phải chịu trách nhiệm. Nếu không, cần chỉ định các đơn vị tư vấn có năng lực để khắc phục tình trạng thông đồng giữa các nhà thầu dẫn đến rút ruột công trình. Đây là vấn đề hoàn toàn mới nếu thực hiện.
Bên cạnh đó, cung vượt quá xa cầu sẽ không khắc phục được. Vì thế, cần cơ cấu lại dự án để có nhà ở cho người nghèo, tập trung vào nhóm nhà ở xã hội được nhà nước hỗ trợ. Đây là biện pháp gián tiếp để kích cầu và hỗ trợ người nghèo có thể mua nhà. Đó cũng là mục tiêu kép.
Ngoài ra, việc làm thế nào phát triển quỹ nhà ở xã hội thì cần phải chú ý tới các nhóm đối tượng.
Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì việc soạn thảo chiến lược quốc gia về nhà ở xã hội, đưa vào nghị quyết về chính sách đất đai để cải thiện nhà ở cho người dân. Bộ Xây dựng đang tập trung thực hiện vấn đề này.
Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Xây dựng xung quanh sai phạm của các tập đoàn xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng.
Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho biết câu trả lời về thị trường bất động sản của Bộ trưởng còn gây băn khoăn. Đại biếu Hùng thống kê, khối lượng căn hộ, biệt thự tồn đọng còn lớn, gây nên tình trạng nợ xấu, dư nợ bất động sản có thể tới 1 triệu tỉ đồng.
Đại biểu Hùng băn khoăn về tính khả thi do số tồn đọng là cung vượt cầu, giá cả đã hạ nhưng vẫn không ai mua, nếu chuyển sang nhà ở xã hội từ giá bán 20-30 triệu/m2 xuống 5-7 triệu/m2 thì ai sẽ bù vào khoản chênh lệch đó? Thiết kế lại cũng phát sinh chi phí, Bộ trưởng đã tính đến tình huống này chưa khi chưa có con số cụ thể về các dự án bất động sản tồn đọng.
Đại biểu Hùng đặt câu hỏi cụ thể về số lượng bất động sản tồn đọng, nhu cầu nhà ở xã hội là bao nhiêu, cần bao nhiêu chi phí? Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu và trong 1-2 năm tới, có dám chắc có giải quyết được không?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi: Có những giải pháp gì để giúp các doanh nghiệp trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng tháo gỡ khó khăn? Làm gì để tránh tình trạng đô thị tập trung như hiện nay?
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) hỏi về quản lý vốn và tài sản của Tập đoàn Sông Đà. Ngành xây dựng có bao nhiêu tổng công ty thua lỗ, thất thoát liên quan đến Tập đoàn Sông Đà. Nguyên nhân và giải pháp khắc phục?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời câu hỏi của Đại biểu Phùng Văn Hùng:
Về tồn kho bất động sản, các số liệu hiện nay có nhiều cơ quan, tổ chức đánh giá nhưng chưa có tiêu chí thống nhất nên số liệu khác nhau. Bộ Xây dựng yêu cầu các sở địa phương báo cáo.
"Thị trường bất động sản Việt Nam còn non trẻ, năng lực quản lý còn hạn chế. Kinh doanh bất động sản liên quan đến nhiều ngành nên việc tháo gỡ khó khăn, yêu cầu phải có giải pháp đồng bộ, tổng thể. Đặc biệt, cần nhấn mạnh vai trò của các địa phương. Bên cạnh đó cần cân đối cung-cầu", Bộ trưởng cho biết.
Về tồn kho vật liệu xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời:
Tồn kho xi măng đến nay là 2,9 triệu tấn trong khi tổng tiêu thụ là 44 triệu tấn. Xi măng đang sản xuất được 85-87% theo công suất thiết kế, gạch nung tồn kho 2 tháng sản xuất, gạch ceramic cũng là 2 tháng, kính xây dựng là 3 tháng sản xuất, sản lượng giảm xuống còn khoảng 70% công suất.
Nêu giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Cần tập trung tháo gỡ khó khăn.
Thứ nhất là phải giải quyết được nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư công. Thứ hai là dỡ bỏ những rào cản về thủ tục hành chính. Thứ ba là tập trung sử dụng vật liệu trong nước như xi măng sẽ giảm nhập siêu nhựa đường.
Về vấn đề nhà ở xã hội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Với các địa phương, trong chiến lược về phát triển nhà ở giai đoạn 2011-2020, có một điểm khác là đề cao chỉ tiêu phát triển nhà ở, trong đó nhà ở xã hội là chỉ tiêu cứng trong phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương.
Bộ Xây dựng đã cùng các địa phương xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn, đặc biệt là các tỉnh có nhiều công nhân, người lao động. Nếu cấp ủy, chính quyền địa phương có hành động quyết liệt thì mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Về vấn đề phát triển thành phố vệ tinh, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Xu hướng của thế giới là phát triển đô thị giãn. Trong quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể đô thị quốc gia, đã quy hoạch mạng lưới đô thị, trong đó có đô thị vệ tinh để giảm áp lực cho đô thị trung tâm. Hiện nay, vấn đề này đã được đề cập và được quan tâm, vấn đề chính là nguồn lực và việc cân đối cần hài hòa.
Xung quanh câu hỏi của hai Đại biểu Trần Minh Diệu và Lê Như Tiến về sai phạm của các tập đoàn, trong đó có Tập đoàn Sông Đà, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định đây là câu hỏi khó.
Bộ trưởng cho biết: Qua kiểm tra, đánh giá sai phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy không đến mức phải kỷ luật Chủ tịch Tập đoàn Sông Đà Dương Khánh Toàn.
Những việc Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng giao Tập đoàn Sông Đà kiểm điểm, xem xét vi phạm, nếu đến mức kỷ luật thì phải kỷ luật theo quy định hiện hành.
Bổ sung thêm ý kiến về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho hay đã có kết luận thanh tra Tập đoàn Sông Đà Năm 2011, kết thúc vào tháng 3.2012. Vi phạm của Tập đoàn Sông Đà là 10.676 tỉ đồng song số tiền này không hẳn mất đi mà do vi phạm nguyên tắc.
Tổng Thanh tra nhấn mạnh 5 vi phạm của Tập đoàn Sông Đà gồm: Sử dụng quỹ sắp xếp doanh nghiệp sai mục đích; không hạch toán vốn và tăng lợi nhuận của công ty nhà nước khi chuyển sang công ty cổ phần; không tính quỹ dự phòng tổng thất các khoản tổn thất tài chính; đầu tư ngoài ngành, ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ; chậm nộp ngân sách.
17h: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng. Các câu hỏi khác sẽ được Bộ trưởng trả lời trong phiên chất vấn sáng mai, 13.11.
Đức Hiếu - P.V
Vui lòng nhập nội dung bình luận.