Vẫn còn nhiều thí sinh nhầm lẫn về đối tượng và khu vực tuyển sinh

A.T Thứ tư, ngày 15/03/2023 18:00 PM (GMT+7)
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều thí sinh nhầm lẫn giữa đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên nên mất cơ hội vào trường tốt.
Bình luận 0

Chia sẻ tại một tọa đàm giao lưu trực tuyến về tuyển sinh sáng 15/3, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho biết, đã có những trường hợp thí sinh không đỗ vào trường đại học mình mong muốn do nhầm lẫn về đối tượng và khu vực tuyển sinh.

"Năm ngoái chúng tôi gặp những trường hợp các em chỉ đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng. Các em còn chắc chắn sẽ đỗ vào trường đó. Tuy nhiên, các em lại nhầm về đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên. Các bạn lầm tưởng mình được mức ưu tiên đó, nghĩa là đăng ký đúng và đỗ rồi. Điều đó rất sai lầm và khiến thí sinh không trúng tuyển", PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ cho hay.

Năm 2023, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ giữ ổn định với quy chế tuyển sinh đã ban hành từ năm 2022, tất cả các khâu trong quá trình tuyển sinh được thực hiện trực tuyến từ khi các em đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và sau đó cung cấp những minh chứng, những tài liệu, thông tin về các đối tượng ưu tiên hay khu vực ưu tiên của các em.

Vẫn còn nhiều thí sinh nhầm lẫn về đối tượng và khu vực tuyển sinh - Ảnh 1.

Nhập học cho các tân sinh viên năm 2022 tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Ảnh: ĐHTĐ

Vậy điểm ưu tiên đối tượng và khu vực khác nhau thế nào?

Theo điều 2, chương I của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng, điểm ưu tiên đại học là số điểm chênh lệch giữa mức điểm trúng tuyển áp dụng cho nhóm thí sinh được ưu tiên so với mức điểm trúng tuyển bình thường, hay cũng chính là số điểm mà nhóm thí sinh được cộng vào điểm xét để áp dụng mức điểm trúng tuyển bình thường. Điểm ưu tiên có thể coi là một sự ưu ái Nhà nước dành cho các học sinh, nhất là những học sinh thuộc diện đặc biệt.

Vẫn còn nhiều thí sinh nhầm lẫn về đối tượng và khu vực tuyển sinh - Ảnh 2.

Phần thông tin cho thí sinh chọn đối tượng tuyển sinh hoặc khu vực tuyển sinh tại giao diện của Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung - Bộ GDĐT năm 2022. Ảnh: CMH

Cụ thể, điểm cộng của thi sinh theo các nhóm, khu vực ưu tiên như sau:

Nhóm ưu tiên 1: được cộng 2 điểm.

Nhóm ưu tiên 2: được cộng 1 điểm.

Khu vực 1: được cộng 0,75 điểm.

Khu vực 2: được cộng 0,25 điểm.

Khu vực 2 – NT: được cộng 0,5 điểm.

Để tránh nhầm lần vào mùa tuyển sinh 2023, thí sinh có thể tham khảo về cách tính điểm ưu tiên xét tuyển đại học TẠI ĐÂY.

Theo quy chế tuyển sinh đại học áp dụng từ năm 2023, mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0).

Công thức được tính như sau: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Tức là, nếu học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực, nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3; nếu đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực.

Tuy nhiên, cách tính này vẫn gây tranh cãi bởi chưa hợp lý và tạo được công bằng giữa các thí sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem