Điểm ưu tiên đại học năm 2023: Công thức tính mới gây ý kiến trái chiều

Tào Nga Thứ hai, ngày 06/03/2023 10:46 AM (GMT+7)
Theo chuyên gia giáo dục, chính sách ưu tiên vẫn phải giữ vì đó là một trong những mục tiêu giáo dục, không chỉ chất lượng mà còn tạo sự công bằng. Tuy nhiên, cũng phải nghĩ cách tính dài hơi...
Bình luận 0

Ủng hộ cách tính cộng điểm ưu tiên năm 2023 của Bộ GDĐT

Bắt đầu từ năm 2023, mức điểm ưu tiên sẽ được điều chỉnh trong việc xét tuyển đại học. Cách áp dụng công thức mới này đang nhận được quan tâm của học sinh, đặc biệt là các em lớp 12. 

Em Lê Quốc Huy, ở huyện Thường Tín, hiện là học sinh lớp 12 Trường THPT Đồng Quan, huyện Phú Xuyên, Hà Nội bày tỏ: "Theo em, cách tính điểm ưu tiên năm nay là hợp lý bởi vì sẽ tạo tính công bằng cho tất cả các bạn ở khu vực khác nhau". Theo cách tính cũ, Huy sẽ được cộng 0,5 điểm vì ở khu vực 2 - nông thôn.

Huy cho biết thêm, năm nay dự định thi vào Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, tùy vào điểm số sau khi thi xong, Huy sẽ cân nhắc việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp hoặc xét học bạ vào các trường thấp điểm hơn.

Điểm ưu tiên đại học năm 2023: “Đây là một công thức rất phức tạp" - Ảnh 1.

Em Lê Quốc Huy, học sinh lớp 12 Trường THPT Đồng Quan. Ảnh: NVCC

Em Nguyễn Thân Khôi, Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai chia sẻ, năm nay dự kiến xét tuyển vào Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Mặc dù Khôi thuộc khu vực 1 và theo cách tính cũ sẽ được cộng 0,75 điểm, tuy nhiên, nói về cách tính điểm ưu tiên theo công thức mới, Khôi bày tỏ: "Em thấy phù hợp và tạo công bằng cho các thí sinh. Điểm ưu tiên của từng khu vực sẽ khác nhau và điểm THPT càng cao thì điểm ưu tiên càng thấp".

Điểm ưu tiên đại học năm 2023: “Đây là một công thức rất phức tạp" - Ảnh 2.

Em Nguyễn Thân Khôi, Trường THPT chuyên Hùng Vương. Ảnh: NVCC

Theo cách tính mới, mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0).

Công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Như vậy, 1 học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3; nếu đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực. Hiện nay, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75; khu vực 2 - nông thôn là 0,5; khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên.

Cần có cách tính dài hơi?

Theo các chuyên gia, việc áp dụng chính sách ưu tiên là cần thiết nhằm tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách ưu tiên cần đảm bảo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh.

Chia sẻ với PV, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho hay: “Theo tôi nên tính toán lại điểm ưu tiên vì hiện nay Nhà nước đầu tư nhiều cho giáo dục, điều kiện kinh tế của các thí sinh vùng sâu, vùng xa đã khác xưa, khoảng cách giữa các vùng miền được thu hẹp”.

Cũng theo Thạc sĩ Sơn, học sinh không được cộng điểm ưu tiên vẫn có nhiều cơ hội học tập ở các bậc học khác ngoài đại học. Ngoài ra, thực tế các trường không để sinh viên vì khó khăn mà phải nghỉ học bởi có rất nhiều học bổng hỗ trợ các em. Ví dụ như tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, hàng năm có Quỹ học bổng gần 45 tỷ đồng dành cho sinh viên, sinh viên nghèo giúp các em có điều kiện học tập. 

TS Phạm Hiệp, Trưởng nhóm nghiên cứu Đổi mới Giáo dục, Trường Đại học Thành Đô nêu quan điểm: “Đây là một công thức rất phức tạp nhưng lại không có gì đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh”.

TS Hiệp cho rằng, 20-30 năm trước, chính sách cộng điểm ưu tiên là hợp lý nhưng hiện nay có lẽ không còn phù hợp. Các trường đại học mở rộng tự chủ và việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ chiếm 1 trọng số. Vẫn còn nhiều phương thức như xét IELTS, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, xét học bạ… thì câu hỏi đặt ra là Bộ GDĐT có công thức tính điểm ưu tiên thế nào cho các phương thức này? 

“Chính sách ưu tiên vẫn phải giữ vì đó là một trong những mục tiêu giáo dục, không chỉ chất lượng mà còn tạo sự công bằng. Cách làm dài hơi chính là… khoán. Các trường đảm bảo tối thiểu tỉ lệ bao nhiêu người học thuộc nhóm đặc biệt, bao gồm dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, vùng sâu, vùng xa, ưu tiên nam/nữ theo ngành… Và những nhà trường được toàn quyền tự chủ trong việc ra chính sách ưu tiên (ví dụ cộng điểm, học bổng…) đối với đối tượng này”, TS Hiệp nói.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, sự thụ hưởng từ phúc lợi xã hội ở nước ta còn chưa đồng đều. Chính sách cộng điểm ưu tiên nhằm khuyến khích, hỗ trợ các thí sinh vùng nông thôn, điều kiện học tập khó khăn hơn thành thị và chỉ nên bỏ điểm ưu tiên khi đã đảm bảo được sự bình đẳng, công bằng giữa các vùng miền, khu vực.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem