“Hô biến” đất bãi thành những cánh đồng hoa tiền tỷ
Dẫn chúng tôi đi thăm vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung ngoài vùng bãi, ông Đỗ Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Phụng Công (huyện Văn Giang) phấn khởi nói: “Trước năm 2012, khu đất bãi này chủ yếu trồng cây ngô các loại. Giá trị canh tác chỉ đạt 45 - 50 triệu đồng/ha/năm. Từ sau năm 2012 đến nay, các nhà nông sở tại đã năng động chuyển đổi toàn bộ diện tích canh tác ngô, sang trồng hoa cây cảnh các loại. Toàn xã Phụng Công có 1.700 hộ dân thì có tới 1.200 hộ tham gia trồng hoa, cây cảnh với diện tích gần 100ha. Từ trồng hoa, cây cảnh hiệu quả kinh tế đã tăng lên rất ấn tượng, bình quân giá trị canh tác đạt 550 triệu đồng/ha/năm. Hiện, thu nhập trung bình đạt trên 60 triệu đồng/người/năm, thậm chí có những hộ trồng hoa công nghệ cao có thu nhập 1,5 – 2 tỷ đồng/năm”.
Ông Đỗ Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Phụng Công chia sẻ về tình hình xây dựng NTM tại xã.
Theo ông Dũng, thị trường tiêu thụ hoa, cây cảnh ở Xuân Quan rất thuận lợi. “Bất cứ thời điểm nào đến vùng bãi xã Phụng Công cũng đông vui như ngày hội. Ô tô thương lái từ khắp các tỉnh trong cả nước, nườm nượp nối đuôi nhau đến mua buôn hoa cây cảnh” – ông Dũng chia sẻ.
Phụng Công đã được công nhận xã NTM. Hiện, xã đang bước vào giai đoạn 2, tập trung phát triển chiều sâu, nâng cao đời sống của người dân trong xã.
Xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị sinh thái
Không chỉ Phụng Công, các xã như Xuân Quan, Cửu Cao, Mễ Sở… cũng có những thay đổi đáng kể trong quá trình xây dựng NTM nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Ông Chu Quốc Hiệu – Chủ tịch UBND huyện Văn Giang cho biết: Văn Giang là huyện có diện tích nhỏ nhất trong các huyện của Hưng Yên, chỉ hơn 71km2, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, giáp với Hà Nội. Năm 2011, huyện bắt đầu triển khai chương trình xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, bình quân đạt 6,8/19 tiêu chí. Đến nay sau 7 năm triển khai thực hiện đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí ở xã. Hiện, huyện đã có 9/10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; hoàn thành 6/9 tiêu chí của huyện NTM.
Một góc NTM tại xã Phụng Công, huyện Văn Giang.
Theo Chủ tịch UBND huyện Văn Giang, có được kết quả tích cực trong thời gian ngắn như vậy là nhờ nỗ lực của nhân dân toàn huyện và “chìa khóa vàng” là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân.
“Mục tiêu cốt lõi của xây dựng NTM phải là cải thiện cuộc sống của người dân. Văn Giang vốn có xuất phát điểm là một huyện thuần nông, quanh năm chủ yếu trồng lúa, ngô nên huyện đã có chủ trương đổi mới bắt đầu từ cuộc “cách mạng” chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân.” Hiện, trên địa bàn xã đã hình thành các vùng sản xuất hoa cây cảnh, vùng trồng cây ăn quả tập trung đem lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, nổi bật nhất là những cánh đồng trăm triệu, cánh đồng tiền tỷ tại các vùng sản xuất hoa cây cảnh ứng dụng công nghệ cao tại các xã Phụng Công, Xuân Quan…
Ông Nguyễn Quốc Chương - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Văn Giang giải thích thêm, kết quả đó là nhờ công nỗ lực lớn của người dân và sự hỗ trợ đắc lực từ nguồn xã hội hóa là chủ đầu tư khu đô thị Ecopark cũng như nhiều doanh nghiệp khác ở địa phương. Để có được ngành sản xuất hoa, cây cảnh sầm uất như ở Phụng Công hay Xuân Quan, chính quyền huyện, xã đã kết hợp với chủ đầu tư Ecopark mở các lớp đào tạo chuyển đổi nghề cho hàng trăm người dân. Cụ thể, toàn bộ chi phí các lớp dạy nghề, mời chuyên gia giỏi, dày dặn kinh nghiệm về đạo tào cho bà con hay tổ chức các chuyến đi tham quan thực tế tới các làng hoa nổi tiếng khác để giúp đỡ nông dân khi chuyển đổi nghề đều do chủ đầu tư Ecopark chi trả. Bây giờ, các vùng trồng hoa, cây cảnh ông nghệ cao ở hai xã trên đã được ví như Đà Lạt thu nhỏ của miền Bắc.
Nghề trồng hoa và cây cảnh đã cải thiện đáng kể cuộc sống người nông dân Văn Giang.
Cũng theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Văn Giang thì từ 2016 đến nay, toàn huyện đã huy động được khoảng 460 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu trên địa bàn nông thôn. Đáng chú ý trong đó, có tới trên 58 tỷ đồng là nguồn vốn xã hội hóa từ đóng góp của các doanh nghiệp và trên 36 tỷ đồng nhân dân đóng góp. “Trước kia vận động nhân dân đóng góp cho các dự án chung rất khó khăn, nhưng từ khi người dân có của ăn của để, họ sẵn sàng cùng chính quyền tham gia các công tác phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng NTM” – ông Chương cho biết.
Bãi trồng ngô tại Văn Giang ngày nào giờ đã thành trung tâm buôn bán hoa, cây cảnh nhộn nhịp.
Năm 2018, Văn Giang phấn đấu toàn huyện 10/10 xã đạt chuẩn NTM; trở thành huyện NTM trong năm 2018. Để Văn Giang vững bước về đích xây dựng NTM, Chủ tịch UBND huyện Văn Giang Chu Quốc Hiệu cho rằng nhiệm vụ quan trọng hiện nay là phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với định hướng phát triển đô thị thương mại du lịch sinh thái. Những bước đi đầu tiên của định hướng này chính là khu đô thị sinh thái Ecopark. Huyện cũng kêu gọi Ecopark hỗ trợ trong việc mời chuyên gia nước ngoài từ những tập đoàn kiến trúc hàng đầu thế giới quy hoạch lại những dự án, hạ tầng sắp được triển khai trên địa bàn.
Nhờ có hướng đi đúng đắn, thu nhập của người dân huyện Văn Giang sau khi xây dựng NTM đã tăng lên đáng kể, từ mức trung bình 23 triệu đồng/người/năm thời điểm 2011 thì đến 2017 thu nhập trung bình đã đạt 43,6 triệu đồng/người/năm. Giá trị canh tác năm 2011 chỉ đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm, nhưng đến 2017 đã tăng lên gấp vài lần, năm 2018 sẽ cố gắng đạt 260 triệu đồng/ha/năm. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.