Lần đầu tiên đặt chân đến Châu Âu, tôi không bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp cổ kính, tráng lệ hay lãng mạn của các thành phố, mà gần như bị mê hoặc bởi những âm thanh đường phố. Và hẳn không phải ngẫu nhiên Châu Âu được mệnh danh là cái nôi của văn minh nhân loại.
Nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn ngẫu hứng với nghệ sỹ đường phố tại phố cổ Rome
Văn hóa Châu Âu phát triển rất sớm và trở thành tâm điểm của nền văn minh nhân loại với gần 15.000 viện bảo tàng, nơi đây được xem như sợi dây liên kết giữa quá khứ với hiện tại, đồng thời bảo tàng cũng là một địa điểm khẳng định danh tiếng, niềm tự hào trong văn hóa mỗi quốc gia.
Đến bất cứ nơi nào ở Châu Âu bạn như lạc bước phiêu bồng trong những không gian đầy ắp âm nhạc. Âm nhạc có mặt ở khắp mọi nơi, trên khắp các đường phố từ các Quảng trường trung tâm thành phố, đến các bến tàu điện ngầm, công viên hoặc trong quán ăn, dọc đường đi…
Thứ trưởng Bộ VHTT và DL Vương Duy Biên: Bản thân tôi, ra nước ngoài, bắt gặp đủ các hình thái biểu diễn nghệ thuật đường phố, nhiều lắm khó có thể kể hết. Họ chơi một cách say sưa như quên đi mọi thứ xung quanh chỉ để tâm hồn phiêu cùng âm nhạc. Gặp các bạn trẻ hăng say biểu diễn như vậy, tôi cũng luôn tán thưởng. Hà Nội đang thiếu các hoạt động nghệ thuật đường phố lành mạnh, văn minh và đáng xem, vì thế nên có những hoạt động âm nhạc đường phố, nhất là phố đi bộ.
Nghệ sĩ đường phố, họ là ai?
Nghệ sĩ đường phố, họ là những tài tử coi âm nhạc là lẽ sống của cuộc đời. Có những người là nghệ sĩ tên tuổi, họ chơi nhạc ngoài đường phố như một cách để họ cộng cảm, trải nghiệm cuộc sống và để nạp thêm năng lượng sáng tạo. Song, chủ yếu các nghệ sĩ đường phố là những người ít được biết tới bởi họ bình dị, khiêm nhường và coi âm nhạc là nguồn sống, lẽ sống không thể thiếu và họ có thể chơi nhạc bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng.
Với những bản nhạc từ êm dịu tới rộn ràng, từ du dương đến sôi động, những dòng thanh âm ấy như muốn níu giữ chân khách bộ hành. Chính âm nhạc đã tạo ra một nét đẹp trong văn hóa không thể thiếu trên mỗi đường phố ở Châu Âu.
Ảnh minh họa: Internet
Bất cứ một con đường, góc phố, trước quảng trường trung tâm hay công viên, bạn dễ đang bắt gặp những nghệ sĩ đường phố thực thụ. Nào là nhạc cổ điển, thính phòng, nào là rock, jazz hay những nghệ sĩ thổi sáo, chơi trống, guitar rồi cả những dàn nhạc nước, nhạc cụ tự chế...Và điều quan trọng là dù cá nhân hay nhóm nhạc thì họ cũng mở âm lượng của bộ tăng âm sao cho vừa đủ để phục vụ du khách yêu quý dòng nhạc của mình ngay chính nơi đó mà không làm ảnh hưởng đến những nhóm nhạc khác ở xung quanh, cũng như sự cảm thụ âm nhạc của người thưởng thức.
Tôi đã lặng người đứng trong trời mưa phùn, dưới cái lạnh âm 20 độ C ngay chân cầu Tình ở Thủ đô Praha trong đêm khuya chỉ vì tiếng đàn Violin của người thiếu phụ quá da diết. Tiếng đàn như hờn giận, ai oán với những cung bậc "hỷ nộ ái ố của cuộc đời. Thanh âm ấy toát lên những khát khao cháy bỏng của tình yêu thương, của khát vọng sống và sau cùng nó lại mang đến cho người nghe một sự "vô thường" giữa chốn phồn hoa. Nó khiến lòng tôi cảm thấy ấm lại sau những giờ khắc bận rộn với công việc, những khắc khoải của nỗi nhớ nhà da diết khi phải sống xa quê hương nơi xứ lạ. Những thanh âm ấy khiến tôi thấy tâm mình tĩnh tại, bình yên và tôi thêm hiểu vì sao những nghệ sĩ đường phố họ có thể quên mình để dâng hiến bởi" nghệ thuật vị nhân sinh".
Nghệ sĩ Đào Minh Pha, giảng viên Nhạc viện âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, người khởi sướng Jazz step. Ảnh TMT
Mang thắc mắc của mình trao đổi với nghệ sĩ Đào Minh Pha - giảng viên Nhạc viện âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh vì sao âm nhạc đường phố của Việt Nam chưa phát triển tương xứng với văn hóa Việt. Anh cho rằng: “Có lẽ các nghệ sĩ Việt Nam quen được ban phát quyền chơi nhạc mà họ không tự ban cho họ cái quyền đó. Một bộ phận chơi vì mục đích kiếm sống, một bộ phận chơi vì bị phân công. Nhiều người đã quá hẹp hòi và họ cho mình cái quyền hơn người nên đôi khi họ chìm trong ánh hào quang giả tạo. Họ sẵn sàng hát trong đám cưới để thu về hàng trăm triệu, nhưng họ không dám hát giữa đường phố để vô tư phục vụ những con người đang tôn vinh họ.
Âm nhạc là sự chia sẻ, chia sẻ cả trong âm nhạc và chia sẻ cả sự yêu thương. Có lẽ nhiều nghệ sĩ chưa đủ yêu thương để chia sẻ vì họ còn mải “lo cho túi tiền” của họ. Người nghệ sĩ khác với người bình thường ở chỗ, họ sinh ra là để làm đẹp cho đời, vượt qua cảnh giới tầm thường”.
Giới trẻ Sài Gòn - điểm hẹn văn hóa. Ảnh minh họa Internet
Làm sao để nhạc đường phố phát triển xứng tầm, góp phần quảng bá văn hóa Việt
Nếu như tôi đã từng bị âm nhạc đường phố và nền văn minh Châu Âu mê hoặc thì tôi cũng tự hào lắm khi khoe với bạn bè quốc tế những nơi mà tôi có dịp đặt chân đến về truyền thống văn hoá của người Việt Nam. Tôi tự hào với về dày lịch sử và cả một kho tàng những giá trị của di sản văn hoá vật thể và phi vật thể mà trong đó có đến 13 di sản của Việt Nam được Unesco vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Âm nhạc đường phố là cách để sinh viên các trường âm nhạc, trải nghiệm, rèn luyện bản lĩnh sân khấu, có điều kiện giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Đó là một “sân khấu” có thể có ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ nơi nào và công chúng sẽ là những vị giám khảo thẩm định đầu tiên. |
Những năm gần đây, âm nhạc đường phố ở nước ta ngày một nở rộ và từng bước hội nhập vào dòng chảy đương đại. Nếu như ngày xưa thủ đô Hà Nội chỉ có Dàn nhạc kèn Hội Nhạc sĩ VIệt Nam thường tổ chức biểu diễn ở Nhà kèn, khu vực Hồ Hoàn Kiếm, thì mấy năm gần đây, chuỗi chương trình hoà nhạc Luala concert mà nghệ sĩ Violin Bùi Công Duy khởi xướng, đã làm nở rộ hoạt động âm nhạc đường phố diễn ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hội An, Thành phố Hồ Chí Minh...
Ngoài những nhóm nhạc nhỏ, từ âm nhạc thính phòng, giao hưởng, nhạc dân gian như: Chèo, tuồng, Xẩm, Chầu văn, Ca trù, Dân ca cũng có những buổi hòa nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia, Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh… không chỉ biểu diễn phục vụ công chúng ở Quảng trường, trước cửa Nhà thờ lớn, các tuyến phố đi bộ với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, thu hút hàng ngàn người tham dự.
2 nghệ sĩ Đào Minh Pha và Quyền Thiện Đắc biểu diễn Jazz tại Trường dân tộc nội trú Tương Dương, Nghệ An
Là những nghệ sĩ tiên phong đưa nhạc Jazz tới gần hơn với công chúng, nghệ sĩ Đào Minh Pha, người khởi xướng chương trình Jazz Step cùng nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc chia sẻ: “Mục tiêu của Jazz Steps là đi đến những nơi ít nghệ sĩ Việt Nam tới. Mang nhạc Jazz tinh khôi nhất để chia sẻ yêu thương chia sẻ Jazz tới tất cả đồng bào để động viên, khích lệ tinh thần cho họ trong cuộc sống... Jazz Steps muốn mọi người hiểu rằng: văn hóa, trong đó có âm nhạc là điều không thể thiếu trong cuộc sống và đặc biết, nhạc giúp sàng lọc tâm hồn con người, để họ sống tốt hơn, yêu thương nhau nhiều hơn. Và vì thế, Jazz Steps sẽ đi hết Việt Nam để chia sẻ điều đó, không vì “tiền” mà là trách nhiệm của người nghệ sĩ với âm nhạc nước nhà. Chúng ta nên chơi nhạc mọi lúc mọi nơi thì tự nhiên xã hội sẽ tốt hơn”.
Để đưa âm nhạc đỉnh cao đến gần hơn với công chúng, qua đó, nâng cao trình độ thưởng lãm nghệ thuật của người dân, thu hút khách du lịch đến với Việt Nam thì âm nhạc đường phố đã và đang cho thấy nét đẹp văn hóa của mỗi góc phố, con đường mang dấu ấn hóa của từng tỉnh, thành phố cần được nhân rộng và nâng tầm giá trị nghệ thuật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.