Bộ VHTTHDL sẽ báo cáo Thủ tướng để nghiên cứu và có quyết định ngay trong quý IV năm 2013.
Con số vi phạm còn xa thực tế
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về cải thiện môi trường du lịch Việt Nam vừa diễn ra đầu tháng 6 tại Hà Nội, ông Hồ Anh Tuấn- Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết: “Chặt chém, chèn ép, đeo bám du khách đã là tình trạng bất cập của du lịch từ nhiều năm nay, nhưng thực tế đó là vấn đề chung của xã hội, không riêng của ngành du lịch. Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương.
Tại sao Đà Nẵng, Hội An vẫn là điểm đến an toàn, trong khi đó một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh... lại thường xảy ra tình trạng này? Điều đó cho thấy phần quan trọng là sự quyết liệt giải quyết của chính quyền địa phương”.
Theo ông Tuấn, thực tế cho thấy ở đâu, địa phương chỉ đạo sát sao, có phương án tổ chức, tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm tra, đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời với đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, cộng đồng trách nhiệm thì sự hài lòng của du khách là rất cao.
|
Hàng rong chèo kéo du khách - hình ảnh nhức nhối của du lịch Việt Nam. |
Hầu hết những vụ tiêu cực trong ngành du lịch thời gian qua đều do du khách, công ty du lịch báo cáo, các cơ quan báo chí nêu và theo yêu cầu của cơ quan ngoại giao. Tuy nhiên, nhiều cơ quan chức năng còn thụ động trong tiếp nhận và giải quyết. Trên thực tế, tỷ lệ khách du lịch bị xâm hại nhiều hơn với số lượng thống kê trình báo do số lượng vụ việc được giải quyết nghiêm, triệt để còn ít. Đặc biệt, du khách người Việt Nam thường có tâm lý ngại trình báo, chấp nhận thiệt thòi, rủi ro...
Ông Lã Quốc Khánh- Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP.HCM cho biết: “Tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách ở địa bàn chúng tôi còn khá nhiều. Trong 2 năm (2011 và 2012) đã giải quyết 1.533 vụ liên quan đến an sinh xã hội, tiếp nhận trình báo 264 vụ cướp, giật tài sản liên quan đến người nước ngoài, tỷ lệ giải quyết là 60% và tiếp nhận 24 vụ trình báo lừa dối ăn chặn tiền khách. Tuy con số là như vậy, nhưng trên thực tế chắc chắn còn cao hơn”.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu: “Hiện nay ở Hà Nội, tại ban quản lý một số khu, điểm di tích lớn đã có lực lượng bảo vệ khách du lịch. Trong thời gian qua, Hà Nội đã xử lý 106 lượt đối tượng hàng rong chèo kéo đeo bám khách. Chúng tôi đã thông báo về địa phương nơi cư trú nhưng một thời gian sau họ lại quay trở lại. Để giải quyết vấn nạn của ngành du lịch, sự tham gia của người dân đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng thực tế là người dân còn thái độ thờ ơ trước những vi phạm về chèo kéo du khách nên trong thời gian tới, cần phải tập trung cho công tác tuyên truyền”.
Mạnh ai nấy làm
Một nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng những tiêu cực làm ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch chưa được xử lý nhiều được Bộ VHTTDL chỉ rõ là do “cha chung không ai khóc” và mạnh ai nấy làm. Có rất nhiều cơ quan quản lý nhưng hoạt động chồng chéo, thiếu đầu mối cụ thể chịu trách nhiệm, công tác phối hợp giữa các sở, ngành chưa thực sự chặt chẽ, lãnh đạo một số đơn vị sở, ngành liên quan chưa thực sự quan tâm đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự du lịch trên địa bàn.
Bộ VHTTDL đã có kế hoạch lấy ý kiến của địa phương để đưa ra Chương trình hành động trước ngày 15.6, tập trung thực hiện nhóm 10 giải pháp cấp thiết để cải thiện môi trường du lịch. Về việc thành lập lực lượng cảnh sát du lịch, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng để nghiên cứu và có quyết định ngay trong quý IV năm 2013.
Trong khi đó, ở tầm vĩ mô, du lịch Việt Nam thiếu sự điều tiết tổng thể có hiệu quả nên cứ mạnh ai, người đó làm. Mỗi ngành dịch vụ phục vụ du lịch chỉ tập trung khai thác, tính lợi ích cho lĩnh vực của mình mà thiếu liên kết, tương hỗ giữa đón tiếp, vận chuyển, thương mại, dịch vụ, lưu trú...
Nhất là các dịp lễ tết, vào mùa du lịch, giá cả dịch vụ du lịch bị đẩy lên cao mà chất lượng dịch vụ cung cấp lại chưa tương xứng, thiếu sức cạnh tranh so với khu vực... Tất cả thực tế đó là hậu quả tất yếu của một sự phát triển du lịch thiếu chiều sâu.
Do tình hình kinh tế khó khăn, nạn thất nghiệp gia tăng, người dân các địa phương khác tập trung về các thành phố lớn, các khu, điểm du lịch để mưu sinh nhiều, kéo theo số lượng người bán hàng rong, bán vé số, đánh giày... cũng gia tăng. Việc ngăn chặn, hạn chế tình trạng chèo kéo, đeo bám khách du lịch rất khó khăn, phức tạp, liên quan đến an sinh xã hội.
Các đối tượng vi phạm chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, không đủ tính răn đe, dễ tái phạm và thường có biểu hiện liều lĩnh hơn trong những lần vi phạm sau. Trong khi đó, lực lượng ngăn chặn chủ yếu là dân quân tự vệ, thanh niên xung phong... không chuyên trách nên không ít trường hợp bị các đối tượng tỏ thái độ coi thường, hành hung, chống lại.
Trước tình hình này, nhiều địa phương đã đề xuất cần phải thành lập ngay lực lượng cảnh sát du lịch. Ông Lê Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói:
“Tôi có cảm giác, nếu mỗi tỉnh tự vận hành thì chưa thể mạnh được, cần có sự chỉ đạo quyết liệt có hệ thống từ Trung ương xuống. Bởi vậy, chúng tôi đề nghị Bộ VHTTDL phải sớm trình Chính phủ cho phép thành lập lực lượng cảnh sát du lịch. Bên cạnh đó, mức xử phạt hành vi vi phạm gian lận thương mại, chèo kéo khách còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe, đề nghị xem xét điều chỉnh phù hợp”. Đề xuất này cũng nhận được sự đồng tình của các đại biểu đến từ TP.HCM, Thanh Hóa, Quảng Ninh...
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Phải quy trách nhiệm chính quyền
Thưa ông, tình trạng mất an toàn với du khách đã tồn tại nhiều năm qua vì sao vẫn không khắc phục được?
- Theo tôi, nguyên nhân thứ nhất là do xã hội ta còn nhiều lộn xộn. Lực lượng bảo vệ tại các điểm du lịch chưa được quy trách nhiệm rõ ràng, nhiều nơi không có bảo vệ khiến kẻ xấu có cơ hội chen vào để thực hiện các hành vi cướp giật, lừa đảo đối với du khách. Có những nơi rất nổi tiếng như chợ Bến Thành ở TP.HCM luôn xảy ra cướp giật, nhưng chính quyền địa phương biết không?
Khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương ở các nơi chưa thấy rõ trách nhiệm phải bảo vệ du khách. Mặt khác, các công ty du lịch cũng chưa thực sự có trách nhiệm khi họ không đưa những lời khuyên, lời cảnh báo du khách trước khi đưa họ đến những điểm đã từng xảy ra những việc không hay đó.
Một nguyên nhân chỉ rõ căn bệnh của ngành du lịch chưa được cải thiện vì tình trạng “cha chung không ai khóc”?
- Chính vì tình trạng đó nên chúng ta cần phải đưa vào luật về trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với an ninh, an toàn của khách như thế nào? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính? Vì thế, chúng tôi cũng kiến nghị thành lập một lực lượng có thể gọi là cảnh sát du lịch, hay bảo vệ du lịch... Đó là lực lượng khi có vấn đề xảy ra, họ sẽ đứng ra dàn xếp, giúp đỡ, bảo vệ du khách.
Nhiều cơ quan quản lý nhà nước nói rằng sẽ lập đường dây nóng nhưng khi tiếp nhận thông tin thì người trực có thể xử lý được những vướng mắc này không?
- Tổng cục Du lịch phải có cơ quan thường trực tiếp thu ý kiến, kiến nghị của du khách. Trong thẩm quyền của mình, cái gì giải quyết được thì làm ngay, không buộc khách phải chờ đợi thực hiện theo đúng thủ tục hành chính. Thời gian lưu trú của khách không nhiều, chẳng mấy ai có đủ thời gian để đợi cơ quan quản lý xử lý.
Vai trò của chính quyền rất quan trọng. Các cơ quan quản lý cũng cần có bộ phận tiếp nhận ý kiến của khách. Lâu nay chúng ta vẫn nói là đã có thanh tra lo, nhưng thanh tra chỉ xử lý các vụ việc chứ làm sao lo được những vướng mắc hàng ngày của khách? Do đó cần phải có một cơ quan phụ trách về khách nằm trong cơ quan quản lý về du lịch, cần phải có địa chỉ rõ ràng để tiện liên hệ.
Mai Anh (thực hiện)
Hà Thu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.