"Vắng bóng lò luyện", sĩ tử ôn thi trực tuyến miễn phí: Hiệu quả ra sao?

Tạ Giang Thứ năm, ngày 13/05/2021 06:00 AM (GMT+7)
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hầu hết các lò luyện thi, lớp học thêm buộc phải ngừng hoạt động. Không ít học sinh tìm tới hình thức học trực tuyến thông qua truyền hình và mạng xã hội. Hình thức này tuy khá tiết kiệm nhưng nhiều người đặt câu hỏi, liệu hiệu quả của nó ra sao?
Bình luận 0

Ôn thi trực tuyến miễn phí: Tiết kiệm chi phí

Ngày thi THPT Quốc gia cận kề, Tạ Thúy Quỳnh - học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Vĩnh Phúc) đang bước vào giai đoạn nước rút, "căng mình" ôn tập cả trên lớp, tự học tại nhà và tham gia các lớp học thêm. 

Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khi nhận được tin xuất hiện ổ dịch Covid-19 tại thành phố Phúc Yên, Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc đã yêu cầu triển khai hình thức online với toàn bộ các trường học trên toàn tỉnh, các lớp học thêm cũng buộc phải ngừng hoạt động.

"Nghe tin phải học online mà lại không được đi học thêm, em rất lo lắng. Đáng lẽ, đây phải là thời điểm mà em cần đầu tư thời gian cho cả việc học trên lớp và học tại lớp học thêm để tăng cường ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Trong lúc loay tìm kiếm phương pháp học bổ sung, em đã tìm hiểu và biết tới các bài giảng ôn thi trực tuyến miễn phí trên kênh truyền hình", Quỳnh chia sẻ.

Ôn thi trực tuyến: Tiết kiệm nhưng muốn hiệu quả phải trông chờ vào ý thức của người học. - Ảnh 1.

Ngoài giờ học online với các thầy cô trên lớp, Quỳnh tranh thủ thời gian theo dõi các bài giảng trong chương trình trên kênh truyền hình để củng cố kiến thức.

Quỳnh cho biết, việc học quá nhiều đã khiến em cảm thấy áp lực. Tuy nhiên, khi tiếp cận với phương pháp ôn thi trực tuyến miễn phí, em thấy việc tiếp thu bài giảng dễ dàng và hiệu quả hơn, đỡ tốn công sức đi và về lớp luyện thi.

"Em không còn phải lóc cóc chiều 5h tan học ở lớp, qua lớp học thêm tới 20h mới về rồi lại tự ôn bài ở nhà tới khuya nữa. Thầy cô giảng bài ở chương trình này cũng rất chi tiết, dễ hiểu, có chỗ nào còn chưa hiểu em có thể lên YouTube tìm hiểu thêm. Ở đó có những kho bài giảng rất bổ ích", Quỳnh nói.

Ngoài việc giảm áp lực cho học sinh, việc học thông qua các chương trình ôn thi trên truyền hình hay các bài giảng miễn phí trên internet cũng góp phần giúp các bậc phụ huynh giảm chi phí đáng kể cho các lớp học thêm của con.

Chị Triệu Thị Hà - mẹ của Quỳnh chia sẻ: "Trung bình mỗi tháng, gia đình chi khoảng 2-3 triệu đồng cho việc học thêm của con. Ở nông thôn thì đây là một khoản chi phí khá lớn. Nhưng từ nay, khoản này sẽ được cắt giảm".

Ôn thi trực tuyến miễn phí: Tiết kiệm nhưng... - Ảnh 2.

Giáo viên dạy trực tuyến trên truyền hình.

Ngược lại với trường hợp của Quỳnh, Hoàng Minh Tâm - học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (Nam Định) lại không "mặn mà" với việc ôn thi trực tuyến, bởi theo Tâm hình thức này không mang lại hiệu quả đối với em.

"Em là một học sinh trung bình - khá. Để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng, em cần có sự hỗ trợ trực tiếp từ các thầy cô, cần được thầy cô kèm cặp, giải đáp thắc mắc trực tiếp. Việc ôn thi trực tuyến rất hạn chế tương tác, thầy cô lại không thể sát sao việc học của bọn em", Tâm cho hay.

Ôn thi trực tuyến miễn phí: Tiết kiệm nhưng... - Ảnh 3.

Giáo viên dạy môn Văn trên YouTube.

Trông chờ vào ý thức tự giác của học sinh

Cô Phan Thị Thuyên - giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Vĩnh Phúc) nhận định, hình thức học và ôn thi trực tuyến tồn tại nhiều điểm hạn chế như sự tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh thấp, học sinh nêu ý kiến thắc mắc và giáo viên cũng không thể giải đáp tức thời. Từ đó giảm đi hiệu quả bài giảng. Đồng thời hình thức này cũng chỉ phù hợp với những học sinh có tính tự giác và ý thức học tập tốt, bởi giáo viên không thể trực tiếp theo dõi và kèm cặp.

Không thể phủ nhận, việc học cũng như ôn thi trực tuyến miễn phí trên truyền hình hay internet có thể tiết kiệm về mặt chi phí nhưng còn tồn tại hạn chế. Trong tương lai, hình thức học này cần phải được cải tiến để mang lại tính hiệu quả.


Là một giáo viên đang trực tiếp giảng dạy cho học sinh lớp 9, sau khi có thông báo chuyển qua hình thức dạy và học online, cô Kim Chinh, giáo viên Trường THCS Chi Đông (Mê Linh, Hà Nội) không khỏi lo lắng cho học trò của mình: "Rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước, các bạn đã quen hơn với việc học online, giáo viên cũng có những biện pháp xử lý, dạy học hiệu quả, kiểm soát tốt hơn. Dù vậy, việc học của các bạnvẫn gặp khó khăn vì đòi hỏi thái độ tự lập, chủ động cao".

Đề cập tới vấn đề ôn luyện miễn phí qua các bài giảng trên truyền hình, cô Chinh chia sẻ thêm: "Đây là hình thức học mới mẻ. Tôi cũng thường xuyên khuyên các bạn nên theo dõi để bổ sung kiến thức. Tuy nhiên, học trực tuyến với thầy cô trực tiếp giảng dạy trên lớp đôi khi còn xảy ra tình trạng như các bạn học sinh quên giờ vào lớp, không chú ý bài giảng hay là làm việc riêng,... thì các bài giảng miễn phí, không có sự tương tác giữa thầy - trò có lẽ không mang lại hiệu quả cao".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem