Băm núi, mở đường…
Những ngày đầu năm mới 2012, trong tiết trời âm u, chúng tôi lội bộ lên núi rừng Trà Ka sau khi nghe phản ánh của người dân, rằng rừng ở đây đã bị phá nát.
|
Những khu rừng bị lâm tặc phá nát vì vàng. |
Chúng tôi cứ theo con đường mòn mà không biết là lâm tặc hay vàng tặc mở để đi. Trên con đường này, hàng trăm cây gỗ quý có đường kính từ 50cm - 1m nằm la liệt hai bên vệ đường. Theo một người địa phương dẫn đường, số gỗ đó là do vàng tặc đốn hạ để mở đường đào vàng dưới sông Lon.
“Ý định ban đầu của họ là như thế tuy nhiên choáng ngợp trước hằng hà gỗ quý ở đây, những vàng tặc tạm thời chuyển sang làm lâm tặc” - lời người dẫn đường. Theo anh này, chỉ hai - ba năm trước, nơi đây núi rừng thâm u, những đêm mưa các già làng chỉ ngón tay vào đây để kể huyền thoại. Thế nhưng bây giờ chốn thâm u đó là lộ ra xơ xác, rừng cũng bị đốn, núi cũng bị đào. “Mình ở trên núi này mà không biết giải thích cho con hiểu rừng già là gì” - người dẫn đường nói.
Được biết, tuyến đường mòn này dài gần 20km, từ trung tâm xã Trà Ka vào đến khu vực khai thác gỗ và khai thác vàng dưới sông Lon, được lâm tặc và vàng tặc bắt tay “thi công” rầm rộ với đủ loại xe xúc, xe ủi từ tháng 2.2011 đến bây giờ. “Chỉ còn thiếu là không có cắt băng khánh thành, mời báo chí đến dự thôi” - anh dẫn đường đùa.
Chúng tôi vừa thở dốc, vừa tiến về phía xưởng cưa “di động” của lâm tặc. “Các anh đã bị lộ rồi” - người dẫn đường nói và chỉ tay về phía xưởng cưa. Không một bóng người, chỉ có gỗ và gỗ nằm ngổn ngang, đếm không xuể. Ở đây có những cây to đến 2, 3 người ôm không hết. Trong đó, có nhiều loại gỗ quý như lim, sến, táu, giổi… Trong khu rừng bên cạnh, nhiều cây đại thụ vừa bị hạ xuống tạo ra khoảnh rừng trống hoác. Trên mặt đất, dấu gỗ kéo đi còn in hằn tươi rói. Phía trong xưởng, những đống gỗ thành phẩm vừa được xẻ xong còn rỉ nhựa chưa được chuyển ra ngoài.
Theo người dẫn đường, lâm tặc tổ chức thành từng nhóm, mang theo đồ ăn thức uống, lều bạt và những phương tiện hành nghề khác. Bọn họ dựng lều ngay trong rừng, với phương tiện chủ yếu là cưa xăng, cứ mỗi lần tìm được điểm khai thác gỗ là lập lán trại, dựng xưởng cưa di động tại chỗ, dùng cưa máy, hạ cây xuống, xẻ thành tấm. Cưa xong cây gỗ này lại chuyển lán sang chỗ có nhiều cây gỗ khác để tiếp tục xẻ. Cứ một máy cưa xách tay này trung bình một ngày có thể cưa hạ và xẻ được trên 1 khối gỗ. Và để có được 1 khối gỗ thì phải đốn hạ ít nhất 2-3 cây gỗ lớn. Một cây gỗ bị đốn hạ xuống thì làm gẫy hàng loạt cây rừng khác.
Điểm mặt lâm tặc
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vàng tặc “kiêm” lâm tặc ở núi rừng Trà Ka gồm hai nhóm: Nhóm Võ Ngọc Hoàng (49 tuổi), Phan Văn Quang (SN 1974, cả hai cùng trú xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, Quảng Nam); và nhóm Đức và Thanh (chưa biết họ, quê Quảng Ngãi).
Tại buổi làm việc với chúng tôi, ông Hồ Văn Trần - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Ka, cho rằng: “Việc mở đường vào sông Lon ban đầu là do dân địa phương làm đơn xin. Họ nói cần đường để khai thác rừng trồng của dân. Xã không dám duyệt và chuyển đơn lên huyện, huyện cũng không cho phép. Thế nhưng các chủ đào vàng vẫn mở đường và vào khai thác vàng”.
Qua đi thực thế, chúng tôi thấy rằng, tuyến đường này không đi qua các khu vực rừng trồng của dân. Con đường này chỉ để tàn phá rừng nguyên sinh và khai thác vàng trái phép. Một số người dân tại địa phương bức xúc cho rằng, con đường ra sông Lon thực chất là con đường phục vụ cho việc khai thác vàng và tàn phá rừng nguyên sinh.
Lực lượng truy quét của huyện mỏng quá! Ông Phong cũng nói rằng có nghe chuyện cán bộ xã dung túng nhưng chưa nắm chắc lắm, nên không thể trả lời chúng tôi được.
Ông Đặng Phong - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My
Một điều đáng nói nữa, tuyến đường mở vào sông Lon cạnh nhà ông Hồ Văn Trần - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Ka, không lý do gì mà ông Trần không biết. Vậy tại sao chính quyền xã Trà Ka không báo cáo sự việc lên huyện và tỉnh Quảng Nam?
“Núi rừng tan nát, sông hồ tan hoang mà nói chính quyền địa phương không biết thì thật là vô lý” - người dân Trà Ka lên tiếng. Chúng tôi biết những người dân lương thiện này rất phẫn nộ trước tình cảnh vàng tặc, lâm tặc lộng hành suốt 10 tháng qua. Cũng vì quá phẫn nộ mà người thanh niên này tình nguyện làm người dẫn đường cho chúng tôi. “Đồng bào đặt hết niềm tin vào các anh. Các anh làm sao cứu rừng, cứu sông núi Trà Ka...” - người dẫn đường khẩn khoản.
Thật xót xa, khi chúng tôi đem câu chuyện này trao đổi lại với ông ông Lê Văn Tuấn - Chánh văn phòng UBND huyện Bắc Trà My, và nghe ông này phản bác rằng chúng tôi đã nhầm, địa bàn đó là thuộc Quảng Ngãi. Phải chứng minh, thuyết phục rất lâu, ông Tuấn mới chịu “nhận” địa bàn trên là của huyện mình, và tỏ ý nghi ngờ cán bộ địa phương bao che, dung túng.
Ai sẽ là người chặn đứng cuộc tàn phá bạo liệt rừng, sông, núi Trà Ka? Chúng tôi tự hỏi nhau và ai nấy đều lúng túng...
Trương Hồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.