Bình vôi là đồ vật gắn liền với mỗi gia đình, làng quê của người Việt xưa, là vật biểu trưng cho văn hóa “trầu Việt”.
Tương truyền, tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương, gắn liền với câu chuyện cổ tích cảm động về tình anh em, có nhan đề: Trầu cau.
Từ đó, tục ăn trầu đã trở thành một tập quán không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Việt Nam.
Những dụng cụ cần thiết phục vụ cho tập quán ăn trầu bao gồm: Cơi đựng trầu bằng đồng hoặc khay gỗ, chìa vôi, ống nhổ, dao bổ cau, ống ngoáy, chìa ngoáy, túi đựng trầu và bình vôi
Vật dụng đặc biệt này còn được nhiều nơi gọi là "ông bình vôi". Thời gian đầu, "ông bình vôi" thường được làm bằng đất nung, sau đó là gốm, sứ, đồng... với nhiều hình dáng khác nhau.
Những chiếc bình này có đặc điểm chung là hình cầu, được trổ một lỗ tròn làm miệng trên vai. Phía trên của bình được làm thêm quai để xách.
Ruột bình rỗng dùng để đựng vôi tôi, màu trắng tinh và sền sệt, khi ăn, người ta sẽ lấy vôi trong bình quệt lên lá trầu để têm.
Trải qua thời gian, bình vôi thường chứa đựng cả những câu chuyện lý thú về lịch sử, văn hóa, địa vị của người sử dụng nó.
Cũng chính vì nét văn hóa độc đáo này, giới sưu tầm đồ cổ luôn dành ưu ái đặc biệt cho những chiếc bình vôi, nhất là những chiếc đã được tôn vinh là bảo vật.
Một số vùng ở miền Bắc còn có tục thờ ông bình vôi.
Vứt bỏ bình vôi là một điều rất kiêng kỵ. Vì thế, khi không sử dụng nữa, người ta thường mang bình vôi đặt ở gốc cây hoặc chôn xuống đất.
Một chiếc bình vôi cổ của anh Trần Văn Huy ở Nam Trực, Nam Định.
Theo anh Huy, chiếc bình vôi này có niên đại từ thời nhà Trần, đã được mang đi kiểm nghiệm. “Bình vôi nhà Trần ở Nam Định còn nhiều người sưu tầm được, tuy nhiên giá trị của nó thì không thể tính được, có người đã trả 70 triệu nhưng tôi không bán” - anh Huy cho hay.
Chiếc bình vôi cổ có men xanh trong bộ sưu tập của anh Huy.
Theo quan sát, trên chiếc tay xách của bình có khắc 5 hình mặt trời, phía cuối tay xách, nơi tiếp giáp với bình là hình đầu rồng; trên nắp bình có in hình cành lá.
Một chiếc bình men gốm khác trong bộ sưu tập của anh Huy cũng có từ đời nhà Trần.
Trên quai xách có tạc hình đầu cá, thân rồng.
Một bình vôi khác
Ngày nay, tục ăn trầu không còn phổ biến như xưa, tuy nhiên nó vẫn là thứ không thể thiếu trong những sự kiện trọng đại của đời người như: cưới hỏi, ma chay....Và vật dụng dùng trong tục ăn trầu xưa như “ông bình vôi” vẫn còn nguyên giá trị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.