Vắt sức bố mẹ, lảng tránh xây nhà trẻ

Thứ bảy, ngày 27/11/2010 06:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không giấy phép, không có chuyên môn trông trẻ, không đủ điều kiện vật chất an toàn - là thực trạng của rất nhiều nhà trẻ tư nhân tự phát ven các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn.
Bình luận 0

Không ai dám chắc sẽ không còn xuất hiện thêm những Quảng Thị Kim Hoa (Đồng Nai) hay Trần Thị Phụng (Bình Dương) nữa...

Vụ bảo mẫu Trần Thị Phụng hành hạ một bé gái 3 tuổi ở Bình Dương khiến nhiều người phải giật mình nhìn lại: Con mình có an toàn khi gửi ở nhà trẻ?

 img
Nhiều bà mẹ công nhân vì luôn phải tăng ca nên chấp nhận gửi con ở nhà trẻ tư. Ảnh chụp tại một xóm trọ tại TP. HCM.

Nhà trẻ lụp xụp bên khu chế xuất

Vòng qua khu vực sinh sống của công nhân Khu chế xuất Linh Trung I, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức (TP. HCM), chúng tôi thấy không ít nhà trẻ lụp xụp, nhếch nhác và bẩn thỉu. Mỗi nhà trẻ như vậy đang chăm sóc hàng chục đứa trẻ. Những nhà trẻ này hầu như không có tên, không địa chỉ rõ ràng, nằm lọt thỏm trong các con hẻm sâu, tối tăm, muốn tới nhà trẻ phải theo hướng dẫn của những tấm bảng ghi: "Ở đây có giữ trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên. Giá rẻ, đi vào 20m, rẽ phải...".

Tương tự, trên đường số 9 và đường số 16, đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) cũng có nhiều nhà trẻ không tên đang trông giữ trẻ. Đây hầu như đều là những điểm giữ trẻ tự phát, len lỏi trong các khu nhà trọ của công nhân mở ra để kiếm thêm thu nhập. Có nhiều bà bảo mẫu đã ngoài 60 tuổi, sức yếu nhưng vẫn mở dịch vụ giữ trẻ vì lý do “yêu trẻ” và công việc nhẹ nhàng (?).

Chị Phan Thanh Út, 35 tuổi - một bảo mẫu cho biết, do công việc rảnh rỗi nên mấy công nhân gửi con cho trông coi hộ, sau rồi nhận giữ trẻ lấy công làm lãi. Khi được hỏi có biết gì về phương pháp, tâm lý nuôi dạy trẻ không, chị thật thà: "Tôi chưa lập gia đình nhưng thấy ông bà xưa dạy con sao thì mình làm như vậy". Những điểm giữ trẻ tự phát đều thu tiền giữ trẻ với mức giá từ 300.000 - 400.000 đồng/trẻ/tháng, mỗi điểm giữ từ 5 - 10 trẻ nhỏ.

Vắt sức bố mẹ, lảng tránh xây nhà trẻ

Theo quy định, các KCN-KCX phải tổ chức nơi giữ trẻ cho công nhân. Tuy nhiên hầu hết chỉ lo xây dựng nhà máy trước để sớm thu hồi vốn, có lời, còn việc làm nhà trẻ thì dường như bị lãng quên, chính quyền địa phương cũng lơ là việc giám sát. Và những đứa con của công nhân là nạn nhân may rủi khi được gửi vào nhà trẻ tư nhân “ba không” ấy.

Dạo quanh các KCN Tân Tạo (huyện Bình Chánh), KCN Vĩnh Lộc (quận Bình Tân), KCX Tân Thuận (quận 7)... chúng tôi ghi nhận nhiều điểm giữ trẻ tư nhân giữ trẻ theo kiểu "tăng gia sản xuất" như vậy.

Tại các KCN ở Hà Nội, dù bề ngoài có yên ắng hơn, nhưng tình hình cũng không khác mấy so với TP.HCM hay Bình Dương. Do các KCN không có nhà trẻ, lại thường tăng ca tăng kíp, phần lớn công nhân ở các KCN thủ đô đành phó thác con mình cho nhà trẻ tư nhân.

Chị Hoàng Thị Vân, 29 tuổi, một công nhân Nhà máy Sumi ở Khu công nghiệp Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) tâm sự: “Em quê ở Hải Dương, lấy chồng quê Thanh Hoá, con trai đầu mới 14 tháng tuổi. Vợ chồng em phải nhờ hết ông bà nội, đến ông bà ngoại ra trông giúp.

Nhưng nhà trọ chật chội, đủ bề bất tiện, cuối cùng vợ chồng em phải đưa cháu đi gửi tại một cơ sở trông trẻ tư nhân trong khu tập thể Nhà máy Gạch Thạch Bàn. Nghe anh nói mới biết ở trong Nam có trường hợp bảo mẫu hành hạ trẻ em bằng cách giẫm lên người, hắt nước vào mặt, chứ em đi ca kíp tối ngày, làm gì có thời gian xem ti vi, đọc báo. Biết vậy nhưng đành nhắm mắt đưa con đi gửi, cầu cho con mình không gặp người ác.

Chị Vân cho biết thêm, hiện xóm trọ có 6 cặp vợ chồng công nhân, thì 2 gia đình con đã lớn cai sữa đưa về quê ông bà nuôi hộ. Còn lại 4 gia đình trong đó có vợ chồng Vân đều phải gửi con ở những cơ sở tư nhân.

Bà Chu Như Ý - Trưởng phòng Mầm non, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Đồng Nai: Cần đào tạo nghề miễn phí cho các bảo mẫu

Trường hợp các nhóm giữ trẻ tồn tại hiện nay chưa có phép của cấp có thẩm quyền trên địa bàn là do các cơ sở này không đảm bảo cơ sở vật chất để nuôi giữ trẻ theo quy định, người nuôi dạy trẻ không có chuyên môn... nhưng do chính quyền địa phương xử lý không kiên quyết nên vẫn cứ tồn tại. Để khắc phục tình trạng thiếu người nuôi dạy trẻ có chuyên môn, Sở Giáo dục-Đào tạo phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai mở các lớp đào tạo miễn phí (mỗi học viên học 300 tiết) cho lực lượng nuôi, giữ trẻ tại các nhà trẻ đã cấp phép và các nhà trẻ dự kiến sẽ cấp phép.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem