6h15 sáng nay (5/9), các em học sinh xóm chài cột 5 trên vịnh Hạ Long (TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã lên bờ, chuẩn bị tựu trường. Sớm là vậy, nhưng gần như các em học sinh xóm chài đã có mặt đông đủ, hân hoan trong đồng phục mới. Các em và phụ huynh đang đợi anh Trần Văn Đại đến đón - người đưa đón học sinh đến trường Tiểu học Trần Quốc Toản.
Hai bạn học sinh xóm chài năm nay vào lớp 1 được bố mẹ đưa vào bờ, chuẩn bị tựu trường.
Do đường bao biển Trần Quốc Nghiễn đang thi công nên việc đi lại của những học sinh làng chài gặp nhiều khó khăn hơn trước.
Chị Nguyễn Thị Oánh - phụ huynh học sinh cho biết, dù con đã lên lớp 2 nhưng hôm nay là ngày khai giảng nên chị vẫn đưa cháu đi học, còn mọi ngày chị đưa các cháu lên bến và có người đón các cháu đi học.
Còn chị Nguyễn Thị Hồng có con trai là cháu Nguyễn Việt Anh năm nay vào lớp 1 kể: "Tôi đã thiệt thòi rồi nên cũng muốn cho con đi học. Nhưng lắm hôm trời mưa trời gió, bọn trẻ con phải nghỉ học, không đi học đều như trẻ con đi học trên bờ được".
Chị kể, mới đầu hôm nhận lớp cháu cũng háo hức, phấn khởi. Sáng nay cháu thức dậy sớm để chuẩn bị vào bờ, đến trường khai giảng.
Thấy các bạn chuẩn bị lên xe đưa đón, cậu bé này chèo thuyền sát vào bờ, nhìn theo các bạn. Năm ngoái, cậu bé cũng đi học, nhưng do gia đình không có điều kiện nên cho nghỉ.
Học sinh xóm chài cùng bố mẹ lên xe đưa đón, chuẩn bị tới trường.
Đúng 6h30, anh Nguyễn Văn Đại - người chuyên đưa đón các em học sinh xóm chài cột 5 đi học có mặt tại bến cá. Anh Đại chia sẻ: "Mỗi năm vận động các em học sinh làng chài học lớp 1 khó lắm, không những vận động mà còn phải động viên. Xuống thì phải đúng giờ mới gặp được các bác ấy vì họ đi làm hết. Đã vận động, mà các bác ấy còn "mặc cả"' là chú Đại phải giúp cháu mua đồ, chú Đại phải đưa đón các cháu thì mới cho đi học".
Anh Đại cũng cho biết, anh gắn bó với những học sinh xóm chài đã 5 năm. Những ngày không mưa thì đưa đón đúng giờ, còn những ngày mưa gió thì phải đón các cháu từ sớm, đưa về nhà mình, sau đó mới đưa các cháu đến trường, vì mưa gió để các cháu đứng ở bến rất khổ.
"Thậm chí có cháu năm nay vào lớp 1, đã đi tập trung rồi, về đến nhà bố mẹ lại gọi điện "không cho cháu đi nữa đâu", tôi lại phải xuống tận nơi, động viên. Ngay như đêm hôm qua (ngày 4/9 - PV) vẫn có người điện không cho cháu đi học, nên sáng nay, 4 rưỡi sáng tôi đã phải xuống vận động" anh Đại vừa cười nói.
Những đứa trẻ xóm chài được bố mẹ nắm tay đưa đến trường ngày khai giảng.
Cô giáo Lê Thị Minh Châu - Hiệu phó trường Tiểu học Trần Quốc Toản cho biết: Năm nay trường có 22 em học sinh làng chài theo học, trong đó có 6 em vào lớp 1. Từ cuối tháng 6, đầu tháng 7, nhà trường cùng Phó Chủ tịch phường Hồng Hà và anh Đại đã phải xuống từng hộ dân để vận động các em đi học.
Đối với những em đã quá tuổi thì hỗ trợ các em làm giấy khai sinh để các em có thể đi học. Nhà trường cũng hỗ trợ các em học sinh sách giáo khoa, bút, vở, trị giá khoảng 400.000 đồng. Mỗi năm có 2-3 lần, nhà trường kết hợp với phường, đi xuống làng chài vận động phụ huynh để phụ huynh hiểu được ích lợi của việc đi học là mang lại kiến thức cho các con.
"Có những gia đình, bố mẹ bảo là đã quá độ tuổi đi học, lại phải lênh đênh trên biển thường xuyên, phụ thuộc vào con nước, mưa bão, nên không thể cho con đi học thường xuyên được. Ví dụ như năm ngoái cũng có một bạn 11 tuổi đi học lớp 1, bạn ấy cũng chỉ đi học được một thời gian thì bạn ấy phải theo gia đình làm ăn", cô Châu nói.
Những đứa trẻ xóm chài trong ngày khai giảng tại trường Tiểu học Trần Quốc Toản.
Chỉ cho PV thấy cậu bé cao nhất đứng trong hàng, anh Đại bảo: "Năm nay bạn ấy cũng 14, 15 tuổi rồi nhưng chỉ mới học lớp 5. Trước bạn ấy chỉ học xóa nạn mù chữ ở cô giáo dạy từ thiện, sau cô không dạy nữa nên chúng tôi vận động mãi, thậm chí phải đêm hôm xuống thuyền, bố mẹ mới cho đi học".
Khai giảng tại trường Tiểu học Trần Quốc Toản.
Năm học 2019-2020, toàn tỉnh Quảng Ninh có trên 310.000 học sinh các cấp, với hơn 11.000 lớp. Trước thềm năm học, toàn ngành đã xây mới 1.024 phòng học; cải tạo, sửa chữa 1.198 phòng học, phòng chức năng và các hạng mục khác với tổng kinh phí 814 tỷ đồng. Trang thiết bị dạy học các cấp cũng được đầu tư mạnh với kinh phí 120 tỷ đồng. Nhờ đó, toàn tỉnh hiện có 534/637 trường học từ cấp mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 83,83%. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.