“Về chỗ sướng để xem có vượt qua được cám dỗ”

Hải Phong (thực hiện) Thứ sáu, ngày 23/01/2015 06:50 AM (GMT+7)
Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là một vấn đề được Đảng ta hết sức coi trọng và lần đầu tiên, một đề án về quy hoạch cán bộ cấp chiến lược đã được thông qua, sau đó triển khai khá khẩn trương và bài bản. Về vấn đề này,  phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hà – Vụ trưởng, Ban Tổ chức T.Ư, thành viên Tổ giúp việc Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết T.Ư 4.
Bình luận 0

Quy hoạch cấp chiến lược theo lộ trình

Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là 1 trong 3 vấn đề cấp bách được Đảng ta đặt ra trong Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4. Từ đó tới nay, vấn đề này đã được triển khai ra sao, đặc biệt với quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, thưa ông?

- Công tác cán bộ được Đảng ta đặt ra từ lâu, nhưng mới chỉ quy hoạch cán bộ từ cấp bộ, cấp tỉnh trở xuống, còn quy hoạch cán bộ cấp chiến lược thì chưa được đặt ra. Cho nên 1 trong 3 vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 đặt ra là phải xây dựng đội ngũ lãnh đạo quản lý các cấp, nhất là ở cấp T.Ư để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

img
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái (phải) trao quyết định luân chuyển cho 15 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý hồi tháng 1.2014.       Đức Giang
Từ sau Hội nghị T.Ư 4, Bộ Chính trị đã chỉ đạo quyết liệt, giao cho Ban Tổ chức T.Ư nghiên cứu, xây dựng một đề án về quy hoạch cán bộ cấp chiến lược (tên đầy đủ là “Quy hoạch Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ 2016 – 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo”). Ban Tổ chức T.Ư đã làm việc rất khẩn trương, có học tập, nghiên cứu trong và ngoài nước để xây dựng đề án và chỉ sau đúng 1 năm, tại Hội nghị T.Ư 6, Ban Tổ chức T.Ư đã báo cáo đề án này trước Ban Chấp hành T.Ư để cùng thảo luận, cho ý kiến và thông qua ngay tại hội nghị này.

 

Hội nghị T.Ư 7. Đảng ta chính thức làm quy hoạch. Các hội nghị T.Ư tiếp theo, từ 8, 9 đến 10, Đảng ta đều dành thời gian thỏa đáng để bàn về vấn đề quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.

Đề án này đã được Ban Tổ chức T.Ư triển khai, thực hiện ra sao?

- Sau khi xin chủ trương và được Bộ Chính trị chỉ đạo, Ban Tổ chức T.Ư đã phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị và cập nhật kiến thức mới cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư khóa XI… Tiếp đó, Ban Tổ chức T.Ư xin chủ trương của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ, rồi tiến hành rà soát 63 tỉnh, thành phố xem những nơi nào đáp ứng đủ 3 tiêu chí sau để đưa cán bộ luân chuyển về. Thứ nhất đó phải là nơi trung tâm kinh tế -xã hội phát triển, đưa anh em về để tạo điều kiện tiếp tục bồi dưỡng, phát triển. Thứ hai, đó phải là nơi khó khăn gian khổ, đưa về để anh em rèn luyện và vươn lên. Thứ ba là nơi cần cán bộ, thay thế cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở vừa thiếu, vừa yếu.

Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức T.Ư mới chọn ra được 40 tỉnh, thành phố đáp ứng đủ điều kiện, báo cáo Bộ Chính trị, sau đó thông báo cho các bộ, ban ngành xem đơn vị nào có nhu cầu đưa cán bộ đi luân chuyển. Những cán bộ luân chuyển cũng phải hội tụ đủ 3 điều kiện: Trẻ tuổi, được đào tạo cơ bản; chức danh từ Vụ trưởng trở lên; được quy hoạch vào chức danh cao hơn. Sau khi các bộ, ban ngành gửi danh sách về, Ban Tổ chức T.Ư tổng hợp lại, lấy ý kiến các cơ quan liên quan, thống nhất với địa phương…, tất cả nhất trí thì mới trình lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sau đó mới làm quyết định luân chuyển. Nói vậy để thấy việc luân chuyển một cán bộ đi phải cân nhắc kỹ lưỡng, xin chủ trương rất cẩn thận, rà soát trao đổi thống nhất, trường hợp nào thấy khúc mắc thì thôi.

Thế còn với quy hoạch cán bộ ở cấp cao hơn, việc tiến hành triển khai có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

- Tại Hội nghị T.Ư 10 vừa rồi, Ban Chấp hành T.Ư lại tiếp tục giới thiệu bổ sung quy hoạch Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mới thấy cùng một lúc khó có thể tiến hành quy hoạch ở 3 cấp (T.Ư, Bộ Chính trị, 4 chức danh chủ chốt) nên Bộ Chính trị thấy cần phải chia ra các giai đoạn với lộ trình: Bước 1 quy hoạch ở cấp T.Ư để làm nền tảng. Khi đã có nền tảng rồi mới tiến hành quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Và cuối cùng là quy hoạch 4 chức danh chủ chốt. Hiện giờ là chúng ta đã và đang thực hiện quy hoạch cấp T.Ư cho cả khóa này và thậm chí giới thiệu nguồn cho cả khóa sau. Còn việc quy hoạch các cấp cao hơn thì từ nay tới khi diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, sẽ còn nhiều hội nghị T.Ư nữa để xem xét về vấn đề nhân sự cấp cao.

Chịu khổ và “chịu” sướng

Ông có nói tới việc phải ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm để xây dựng đề án quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Những kinh nghiệm ta đã học hỏi được từ các nước là gì?

Quan điểm
img
Ông Nguyễn Đức Hà
  “Việc công khai quy hoạch cán bộ không nên lo lắng chuyện người được vào quy hoạch bị “đánh” hoặc người nằm ngoài quy hoạch nảy sinh tâm lý chán chường, chây ỳ. Quy hoạch cán bộ càng công khai minh bạch bao nhiều thì càng nâng cao chất lượng công tác cán bộ bấy nhiêu”. 
- Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là một việc mới với chúng ta, mà mới thì rất khó cả về lý luận và thực tiễn. Có thể nói chưa đâu làm như chúng ta. Khi đi học hỏi các nước, ngay như ở Trung Quốc họ cũng bảo chúng tôi chưa bao giờ quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Họ chia sẻ kinh nghiệm: Chúng tôi quy hoạch rất rộng ở cấp dưới, sau đó qua thực tiễn thử thách, cán bộ đó thể hiện năng lực, được T.Ư và nhân dân đánh giá tốt thì sẽ được tập thể giới thiệu vào quy hoạch cao hơn. Và cũng như ta, họ chú trọng 2 vấn đề: Một là luân chuyển anh về nơi gian khổ để thử thách anh xem có chịu khổ được không, đó là rèn về mặt phẩm chất. Thêm nữa là xem anh có thể đưa nơi đó phát triển được không, đó là rèn về mặt khả năng. Tiếp theo lại đưa anh về nơi đã phát triển xem anh thể giúp chỗ đó phát triển được nữa không. Nhưng quan trọng hơn cả là thử thách xem anh có “chịu sướng” được không, có tránh được những cám dỗ về vật chất hay không!

 

Tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ trong quy hoạch là rất rõ. Tuy nhiên, làm sao để việc luân chuyển tránh bệnh hình thức?

- Trong quá trình thực hiện, bên cạnh những kết quả tốt, không phải không có nơi này nơi kia, cấp này cấp kia thực hiện chưa tốt việc luân chuyển, bộc lộ một số hạn chế yếu kém. Ví dụ như đưa cán bộ đi luân chuyển không đúng đối tượng, thời gian luân chuyển ít nhất 3 năm, nhưng có người chỉ năm trước năm sau đã về. Thậm chí còn sự lẫn lộn, nhầm lẫn giữa việc luân chuyển và điều chuyển cán bộ. Với những trường hợp chưa thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về luân chuyển, T.Ư đã có biện pháp chấn chỉnh, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác quan trọng này.

Ngoài việc đưa cán bộ vào quy hoạch, chúng ta vẫn thực hiện việc tuyển lựa người tài thông qua việc thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo. Vậy giữa việc thi tuyển và việc quy hoạch, liệu có sự mâu thuẫn không thưa ông?

- Hai cái này thống nhất chứ không hề mâu thuẫn. Khi anh tiến hành thi tuyển cho 1 chức danh nào đó thì trước hết có 3 - 4 người đã được quy hoạch vào chức danh này. Ngoài ra, những người khác không nằm trong quy hoạch chức danh đó nhưng đã được quy hoạch chức danh tương đương ở chỗ khác vẫn được thi, nếu đáp ứng đủ điều kiện hội đồng thi tuyển đặt ra. Nếu anh giỏi hơn thì anh trúng. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta thấy giữa hai việc này như có sự mâu thuẫn là do công tác quy hoạch của chúng ta vẫn còn khép kín. Nói ngắn gọn, về mặt nguyên tắc, việc quy hoạch phải đảm bảo hai yếu tố quan trọng: Vừa mở và vừa động. Mở nghĩa là phải mở rộng đối tượng, không gian quy hoạch. Động là thường xuyên rà soát lại đối tượng quy hoạch, nếu người trong quy hoạch không đủ điều kiện nữa thì đưa ra, nếu thấy xuất hiện nhân tố mới đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì cần bổ sung và đưa vào quy hoạch.

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem