Về chợ "vũ nữ chân dài" ở An Giang mùa nước nổi

Thứ sáu, ngày 03/11/2017 06:43 AM (GMT+7)
Cơm nấu bằng tấm mẳn hạt nhỏ xíu, trứng vịt kho xắt mỏng (là đặc trưng của cơm tấm Cây Điệp ở nội ô thành phố Long Xuyên) thịt nướng mềm, ướp vừa khẩu vị; phục vụ chu đáo, dễ thương và giá 15.000đ/dĩa rất đáng để ghi vào sổ tay của khách lữ hành. Tới đây chưa thấy gì để gọi là OCOP (Một làng – một sản phẩm).
Bình luận 0

Đường về Tri Tôn, An Giang, tới chợ Cần Đăng đúng là chỉ có khô nhái hay còn gọi là “vũ nữ thân gầy”. Nhiều tài xế xe du lịch sành sỏi nói mùa nước nổi, gần cầu-chợ này, người ta bán rắn hổ hành lớn. Nhưng có lẽ đó là chuyện hên thôi, chứ khi chúng tôi đến chỉ thấy cá linh và bông súng ma. Trong vòng bán kính 3 cây số tính từ chợ, dọc đường cái là những giàn phơi khô bên lề đường, toàn vũ nữ thân gầy. Một người bạn tinh ý hỏi “sao vũ nữ đều tăm tắp, chứ tự nhiên bao giờ cũng có con nhỏ con lớn?”. “Tại loại nó đều vậy mà”, người bán nói.

img

Tới đây chưa thấy gì để gọi là OCOP (Một làng – một sản phẩm). Trong ảnh: Chị Nguyễn Kim Hằng ở Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, An Giang, chuyên mua ếch từ các tỉnh cung ứng về TP.HCM. Ảnh: H.L

Năm nay mùa nước nổi giúp nhiều người “vô” nhờ cá chạch, cá sặt, cá lóc non… bán tươi để các cơ sở làm khô, kể cả khô rắn. Sau những giàn phơi khô nhái là một chặng dài không có dáng dấp của đặc sản mùa nước nổi, cho tới địa phận xã Vĩnh An. Tín hiệu của xã này là điên điển muối dưa và cà na muối, bày bán xôm tụ hai bên đường. Cà na muối không cắt xẻ mà đập giập muối với ớt, vùi vô hũ. Cắn trái cà na nghe vị chua, vị chát và cay cay mằn mặn đúng là trên cả tuyệt vời.

Cà na tươi giá 35.000 – 40.000 đồng/kg, cà na ngào đường hay trộn muối ớt giá 50.000 đồng/keo (700g); cách làm cà na ngào đường khá đơn giản: cà na sau khi hái về đập giập, ngâm nước muối khoảng 10 tiếng, đem ra bóp xả với nước sạch để bớt chua, sau đó bỏ vào chảo ngào với đường cát vàng. Ngào khoảng 30 phút là cà na chuyển sang màu vàng ươm.

Dưa bông điên điển 30.000 đồng/keo, nước mắm đồng cá linh 25.000 đồng/lít, mắm đồng cá trắng (cá linh, cá dảnh (Smith’s barb), cá mè vinh...) 70.000 đồng/keo (700g), giá cả mua bán ở đây nhẹ nhàng, làm sao nói vậy và thú thiệt là làm hàng đóng nhãn là chuyện chưa nghĩ tới. Còn làm hàng bán ven đường là nguyên liệu nhiều quá, làm món gì đó vui vui, ai thích thì mua.

“Mùa nước lên có cá linh, cà na, bông điên điển. Xe khách ghé cũng nhiều, mỗi ngày bán tới 200.000 đồng”, bà Sáu Huệ, bán cà na, nước mắm cá linh ở cầu số 4, ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang nói.

Cũng giống như Cần Đăng, trong vòng 3 – 4km, chứ ra khỏi bán kính đó là mọi thứ mất tăm.

Từ Tà Đãnh vào tới thị trấn Tri Tôn không còn thấy bóng dáng của khô nhái hay dưa điên điển, cà na muối; mà thay vào đó là mãng cầu dai, trái nhỏ ngọt rất đặc trưng của giống bản địa, xoài chín vàng, trái nhỏ, thu hoạch từ các trang trại vùng Bảy Núi và các loại trái có xuất xứ từ Campuchia, Thái Lan như mây Thái và me ngọt. Gần tới thị trấn Tri Tôn xuất hiện thêm trái hồng quân màu nâu đen. Hồng quân là cây họ liễu, trồng khá nhiều ở vùng này và tháng 9 là vô mùa thu hoạch. Suốt con đường vào tới ngã ba chợ cá đầu thị trấn Tri Tôn, chuyên bán những loại này và sản phẩm từ thốt nốt, bán quanh năm.

Mùa nước nổi sắp qua rồi, nhớ cuộc trò chuyện vũ nữ thân gầy đồng chạng với cô Hai Loan (Hà Thị Loan) ở hiệu tiệm khô nhái Tèo Loan, thị trấn Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Giá khô ếch 260.000 đồng/kg, khô rắn 350.000 đồng/kg, khô cá chạch 400.000 đồng/kg, khô cá lưỡi trâu 300.000 đồng/kg, khô cá lóc 250.000 đồng/kg, cô Hai giải thích nhái, ếch sau khi bắt về, lột da xong rửa sạch, ướp gia vị (tiêu, ớt, muối) rồi đem phơi. Trước đây, mùa nào cũng có nguyên liệu, nhưng hai năm trở lại đây “ vũ nữ” không có nhiều nữa, mua lẻ tẻ từ người dân, mỗi người 2 – 3kg, nhiều lắm chừng 10 – 20kg.

Người ta soi nhái, bắt ngoài đồng, có khi bằng vợt chuyên bắt nhái. Họ có xịt thuốc để nhái dính thuốc ngã lăn rồi cứ đi lượm hay không thì không ai nói. Riêng cô Hai Loan, cứ 5kg nhái lột da xong còn 1kg thịt nhái, giá mua nguyên liệu 45.000 đồng/kg, phơi khô teo tóp còn chút xíu (giá khô nhái 300.000 đồng/kg), làm không hết thì trữ đông. Tốt nhất là phơi khô để được lâu. Tới khi gặp chị Nguyễn Kim Hằng, ở Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, An Giang, chuyên bán ếch từ các tỉnh cung ứng về thành phố, lượng ếch mua vô mỗi ngày khoàng 150 – 300kg ếch, nhái. Nếu vũ nữ đều tăm tắp là do lấy ếch non độn vô nhái. Giá ếch ngộp chỉ còn 45.000 – 60.000 đồng, ếch nhỏ bán làm khô thì giá 25.000 – 30.000 đồng/kg.

Hồi đầu tháng 9.2017, “phiên chợ hợp nông” do trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang phối hợp với liên minh Hợp tác xã tổ chức tại khuôn viên trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư, có 20 đơn vị là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp tham gia, giới thiệu sản phẩm với nhiều loại sản phẩm sạch, vệ sinh an toàn và chất lượng đến người tiêu dùng An Giang.

Phiên chợ cổ vũ xu hướng sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn; người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận những dòng sản phẩm uy tín, chất lượng, là nơi gặp gỡ trao đổi với người nông dân – những người trực tiếp làm ra sản phẩm và nghe các đơn vị chuyên môn tư vấn cách lựa chọn và bảo quản thực phẩm sạch, an toàn và đúng cách. Cuối cùng là lựa chọn và dùng thử các sản phẩm từ những nhà cung cấp uy tín. Giá mà những bà con ngẫu hứng với nguyên liệu mùa nước nổi ở Cần Đăng, Vĩnh Hanh, Vĩnh Bình có dịp lên phiên chợ chắc họ sẽ có nhiều thay đổi, có nhiều cách làm hơn. Nhưng phải nói với cách làm ngẫu hứng với cà na đập giập vùi muối, ớt sao mà ngon không tả được.

Đỗ Khuê – Ngọc Bích (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem