Về nơi những người khốn khổ, cứ có người thăm là khóc

Triệu Quang Thứ bảy, ngày 17/02/2018 15:55 PM (GMT+7)
Hàng trăm con người, người mất ngón tay, người mất chân, người mất cả tay cả chân… phải sống nương tựa vào nhau. Gần cả cuộc đời, họ sống trong cô độc, lẻ loi cùng sự dè bỉu của xã hội.
Bình luận 0

Những mảnh đời khốn khổ còn sót lại sau đại dịch phong:

Từ những thập niên 50-60 của thế kỷ trước, bệnh phong (hủi) từng bị coi là đại dịch, là thứ bệnh nan y bị cả xã hội khiếp sợ. Những người mắc bệnh phong phải chịu sự đau đớn về thể xác nhưng có lẽ, nỗi đau về tinh thần mới để lại trong họ những dư âm mà đến ngày nay vẫn chưa nguôi ngoai.

Người thân xa lánh, xã hội hắt hủi khiến họ sống còn khổ hơn chết. Có nhiều người đã phải tìm đến cái chết từ thuở con niên thiếu hoặc bỏ đi biệt xứ.

Thời gian trôi đi, y học ngày càng phát triển và những người mắc bệnh phong có thể được chữa trị dứt điểm, quan niệm của người đời về bệnh phong đã cởi mở hơn. Tuy nhiên, vết thương lòng vẫn còn nguyên trong họ, nó ẩn chứa đâu đó chứ không lộ ra như những khiếm khuyết trên cơ thể họ.

Bệnh phong lấy đi của họ quá nhiều, để cho đến bây giờ khi lành bệnh, họ chẳng còn được sống như những người bình thường. Không gia đình, không nhà cửa, có người thì không con cái, không còn họ hàng thân thích, mất luôn cả quê hương…

Tất cả họ giờ đây phải sống bằng sự trợ cấp của Nhà nước và sự đùm bọc của xã hội. Hơn ai hết, chỉ có những người đồng cảnh, đồng bệnh như họ nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau. Và từ khi mái nhà chung trại phong da liễu Văn Môn – Thái Bình được thành lập, họ như tìm được gia đình thứ 2 của mình.

Mái nhà chung của hơn 200 phận đời cô độc

Những ngày mùa đông giáp Tết Nguyên đán Mậu Thân 2018, chúng tôi tìm về Bệnh viện phong da liễu Văn Môn (xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, Thái Bình) để tìm hiểu về cuộc sống của những bệnh nhân phong nơi đây.

img

Bệnh viện phong da liễu Văn Môn nằm ở xã Vũ Vân (huyện Vũ Thư, Thái Bình).

Cách thành phố Thái Bình chỉ khoảng 15 km nhưng rất ít người biết đến bệnh viện này. Mang tiếng bệnh viện nhưng nó cũng không nằm ở trung tâm xã hay huyện, hay ở nơi đông dân cư. Bệnh viện phong da liễu Văn Môn nằm ở mãi rìa làng, ẩn mình bên triền đê sông Hồng đoạn chảy qua xã Vũ Vân.

Bước chân qua cánh cổng bệnh viện, chúng tôi như bước vào một thế giới khác. Cảm giác, người lạnh đi bởi không gian nơi đây vắng vẻ lạ thường, bầu không khí u tịch bao quanh. Nó khác xa với những bệnh viện đông đúc, nườm nượp người mà chúng tôi vẫn thấy nơi phố thị.

img

Bệnh viện đang nuôi dưỡng 231 bệnh nhân là những người mắc bệnh phong.

Thỉnh thoảng, một vài bóng người xuất hiện với bước đi chậm rãi, khuôn mặt đượm buồn. Tiếng lá cây xào xạc va chạm vào nhau trên những hàng cây nhãn già. Bất chợt một cơn gió đông lạnh lẽo ùa qua khiến chúng tôi bừng tỉnh.

Sau khi liên hệ, chúng tôi được ông Nguyễn Xuân Thu – Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân dẫn đi tham quan và giới thiệu về lịch sử của Bệnh viện phong da liễu Văn Môn.

Theo ông Thu, Bệnh viện phong da liễu Văn Môn được thành lập năm 1900, đến nay đã có tuổi đời đã hơn 100 năm và rộng hơn 40ha. Thời đó, thị xã Thái Bình là trung tâm kinh tế của tỉnh nên thu hút đông người nghèo khổ, trong đó có những bệnh nhân phong về đây hành nghề ăn xin.

Ban ngày họ vào thị xã xin ăn, đêm thì tá túc ở các xóm làng quanh đấy. Thấy vậy, một vị giám mục Kitô tên là Sr.D.F Pedro Muan gorni và ông công sứ người Pháp- Vouillon nghĩ ra việc lập trại phong ở xa thị xã để thu gom tập trung những bệnh nhân phong đi lang thang ở tỉnh lỵ. Từ đó mới có trại phong Văn Môn Thái Bình. Đến năm 2000, được đổi tên thành Bệnh viện phong da liễu Văn Môn.

img

 Thời điểm đông nhất, bệnh viện từng chữa trị và nuôi dưỡng khoảng 2.600 bệnh nhân của 21 tỉnh thành.

“Thời điểm đông nhất, bệnh viện có đến 2.600 người bệnh đến từ 21 tỉnh thành miền Bắc từ Nghệ An đổ ra. Khoảng những năm 1980, các tỉnh bạn mở thêm những Trung tâm điều trị da liễu, nhiều bệnh nhân được trở về điều trị ở tỉnh nhà.

Từ những năm 1990 đổ về đây, bệnh viện còn khoảng hơn 600 người và đến hiện tại, số bệnh nhân còn lại là 231 người, được chia là 2 khu. Khu 1, là nơi sinh sống của những bệnh nhân nhẹ và khu 2 là khu của những bệnh nhân nặng”, ông Thu cho hay.

img

 Số lượng bệnh nhân phong ngày càng ít đi, nhiều ngôi nhà ở trước đây đã bị bỏ hoang, cây cỏ mọc đầy.

Đến nay, các bệnh nhân đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, có những người vào đây từ nhỏ không nhớ nổi quê ở đâu, có những người vẫn còn anh em họ hàng nhưng bị xa lánh, ruồng bỏ nên họ chẳng được về nhà. Tất cả, họ sống nương tựa vào nhau, bù đắp những phần khiếm khuyết trên cơ thể cho nhau.

Có người đến thăm là khóc

Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh bệnh viện, ông Thu cho hay, hồi đông bệnh nhân, bệnh viện chia làm nhiều dãy nhà, mỗi dãy nhà có 8-10 người bệnh, được gọi chung là một gia đình. Những người trong một gia đình họ sinh hoạt và sống với nhau gần gũi, giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt hằng ngày.

Tuy nhiên, những năm gần đây, các cụ tuổi cao sức yếu nên cũng ra đi nhiều. Do số bệnh nhân ít dần nên bệnh viện tập trung về 2 khu để tiện theo dõi và chăm sóc. Những khu nhà cũ giờ đã bỏ hoang, xuống cấp, cây cỏ bủa vây.

Đến khu nhà ở của bệnh nhân nặng, khi vừa thấy chúng tôi, nhiều cụ già nở nụ cười, vẫy tay chào. Những bàn tay chẳng còn lành lặn, ngón tay đã cụt hết hoặc bị cong queo. Nhìn nụ cười của họ, tôi cảm nhận được đã từ rất lâu rồi, không có bước chân của người lạ đến đây với họ. Nhưng có lẽ, đằng sau nụ cười ấy là những nỗi niềm chưa bao giờ được tỏ cùng ai.

img

Ông Nguyễn Đỗ Ích (Hà Nam) khóc nức nở mỗi khi nhớ lại tuổi thơ đầy đau khổ của mình.

“Đa phần họ đến đây từ khi còn là thiếu nhi. Có người mấy chục năm không bước chân ra khỏi cánh cổng của bệnh viện. Có người thì may mắn còn người thân nhưng một năm cũng chỉ đến thăm một lần hoặc có khi vài năm mới đến thăm một lần”, ông Thu nói.

Vào một căn phòng nơi cuối hành lang, chúng tôi thấy cảnh một cụ ông đang dùng ống xi-lanh để bơm cháo vào miệng một cụ bà. Bàn tay cụ ông run run, ngón cụt ngón còn bơm từng chút cháo cho cụ bà. Miệng cụ bà chẳng thể mở được rộng, khiến cháo tràn ra ngoài, bàn tay khuyết tật của cụ ông lại run run lấy khăn lau miệng cho bà.

Theo chia sẻ của ông Thu, đó là căn phòng của cụ ông Nguyễn Đỗ Ích (89 tuổi, quê ở Bình Lục, Hà Nam) và cụ bà Vũ Thị Lỉnh (88 tuổi, quê Ân Thi, Hưng Yên). Hai cụ sống với nhau với nhau như vợ chồng và đỡ đần nhau trong lúc ốm đau.

img

Ông Nguyễn Bá Chiến cũng muốn quên đi quá khứ bi đát của mình vì căn bệnh phong quái ác.

Dừng tay một lát, ông Ích nói: “Bà ấy bị liệt nửa người hơn 2 năm nay, không đi lại được, không ăn được cơm mà chỉ có thể ăn cháo”.

Nhớ về tuổi thơ của mình, ông Ích òa khóc. Một hồi sau chấn tĩnh lại, ông mới bắt đầu kể, quãng thời gian ông bị bệnh, họ hàng xa lánh, xã hội hắt hủi. Họ đuổi ông ra khỏi làng nếu không sẽ bị chôn sống. Hơn 10 tuổi, ông đã phải uống thuốc sâu tự tử để kết liễu đời mình nhưng may mắn không chết.

Mẹ ông tìm cách xin cho ông đi ở, chăn trâu cắt cỏ cho người khác ở xa nhà. Được một thời gian, căn bệnh phong quái ác cũng khiến gia đình chủ sợ và đuổi ông đi.

Ông Ích sống những ngày lang bạt, tha phương cầu thực, kiếm sống bằng đủ thứ nghề nhưng rồi đến khi bệnh phát nặng, ông quỵ ngã trước số phận.

Năm 1957, ông Ích vào điều trị tại Bệnh viện phong Da liễu Văn Môn. Đến năm 1971, ông gặp bà Lỉnh, 2 ông bà có với nhau 1 người con gái nhưng phải cho làm con nuôi.

“Nó tên là Vũ Thị Hảo. Có 1 lần nó về thăm và nói đang làm bên Trung Quốc nhưng cũng từ đó, lâu rồi không thấy nó về”, ông Ích nói.

Ngồi một mình trong căn phòng vắng, ánh mắt hướng về phía cửa, ông Nguyễn Bá Chiến (85 tuổi, quê Hưng Yên) cho hay, người bạn cùng phòng cũng được xem như vợ của ông đã mất do tuổi cao sức yếu.

Ông tâm sự, ông đã vào đây từ năm 1953. Hồi đó, ông đang là một lính đặc công đánh Mỹ. Thế rồi, bệnh phong “ám” vào người khiến ông phải bỏ chiến trường, về địa phương điều trị.

“Về địa phương được mấy hôm, người ta nhòm ngó. Thế rồi, được vài ngày thì người ta chuyển tôi vào đây”, ông Chiến nói.

Trước lúc bị bệnh, ông Chiến đã cưới vợ và có 1 người con gái và 4 đứa cháu ngoại. Tuy nhiên, sau khi ông Chiến mắc bệnh, người vợ này đã bỏ ông đi lấy chồng khác. Gia đình, họ hàng cũng xa lánh ông. Nỗi đau chồng chất nỗi đau khiến ông không còn muốn nhớ về quá khứ u buồn của mình nữa.

---------------------

Nhiều người đã  đánh mất cả tuổi thanh xuân, chịu sự dè bỉu của xã hội vì căn bệnh phong quái ác. Để đến bây giờ đây, khi đã khỏi bệnh thì cuộc đời họ cũng chỉ là những chuỗi bi kịch.

Mời các bạn đón đọc kỳ tiếp theo: “Những mảnh đời còn sót lại ở bệnh viện phong da liễu Văn Môn” vào lúc 16h ngày 18/2/2018.

Mâm cơm Tất niên nghẹn ngào của bệnh nhân phong

Một bữa cơm Tất niên ấm cúng đã được các bạn trẻ tổ chức cho các bệnh nhân phong ở Nha Trang được vui vầy trong ngày...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem