Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Thầy giáo Chu Văn An (1292-1370) quê ở làng Quang Liệt (nay là thôn Văn), xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Nhiều thế kỷ đã trôi qua nhưng kể từ khi ông qua đời, thời đại nào cũng có những trang sử, những công trình luận định và tôn vinh ông - biểu tượng chói sáng nhất trong lịch sử giáo dục của Việt Nam, được tôn vinh là "vạn thế sư biểu" (người thầy của muôn đời); "bậc Nho học tiêu biểu nhất nước Việt"; "bậc thánh cao nhất", tấm gương sáng về đạo làm người...
Theo truyền khẩu, đền thờ Chu Văn An (hay còn được gọi là đình Nội) ở xã Thanh Liệt quê hương ông được xây dựng từ rất lâu đời, ngay sau khi ông mất. Đình Nội được xây dựng trên khu đất cao sát bên dòng sông Tô. Kiến trúc đình Nội mang bóng dánh của ngôi đền cổ. Trong tòa tiền tế đặt đòn kiệu, long đình, bia đá và đồ tế khí của các vị thần.
Tại đình Nội còn lưu giữ được khá nhiều hoành phi, câu đối ca ngợi tài năng và phẩm hạnh của Chu Văn An. Tòa hậu cung xây các bệ gạch cao để đặt long án, bài vị thờ Chu Văn An, Chu Đình Bảo và Lý Trần Thản. Mặc dù qua thời gian dài tồn tại, kiến trúc đền đã qua nhiều lần trùng tu, mở rộng, song di tích vẫn bảo lưu được những di vật cổ có giá trị văn hóa lịch sử. Hiện nay, đình Nội được coi là nơi thờ chính của Chu Văn An trên quê hương ông. Đình được Nhà nước xếp hạng di tích Lịch sử - văn hóa năm 1989.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Nguyễn Minh Sở, người trông nom đình thờ Chu Văn An cho biết, cứ dịp đầu năm và mỗi mùa thi cử (tháng 6, 7), rất đông học sinh, sinh viên cùng cha mẹ đến dâng hương cầu xin thi cử đỗ đạt. Có những em thành tài, đi du học ở xa, mỗi lần về quê đều đến đình thắp hương cảm tạ.
Video đình thờ Chu Văn An. Clip: Tào Nga
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch xã Thanh Liệt cho hay, nối tiếp truyền thống hiếu học lâu đời, hàng năm địa phương luôn chú trọng công tác hiếu học. Trong năm 2022 hội khuyến học khen thưởng, 7 gia đình hiếu học tiêu biểu, 46 giáo viên đạt Chiến sĩ thi đua, 9 học sinh đạt học sinh giỏi cấp Thành phố, 88 học sinh giỏi cấp huyện, 57 em đỗ đại học, 2 người nhận bằng Tiến sĩ, 16 sinh viên tốt nghiệp Xuất sắc. Ngoài ra, địa phương cũng vinh dự được đón tiếp các đoàn đại biểu về tham quan và dâng hương báo công tại Đình thờ tiên triết Chu Văn An.
Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2014, Sở GDĐT Hà Nội tổ chức lễ Khai bút ngay tại đình thờ Chu Văn An. Năm 2020, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cùng lãnh đạo các đơn vị cùng khai bút với chữ "Đức -Trí – Tâm – Thành – Đạt" nhằm gửi gắm những ước nguyện chung về một năm mới thi cử đỗ đạt, thành tài.
Năm 2019, lãnh đạo Bộ GDĐT, Sở GDĐT Hà Nội và huyện Thanh Trì đã khai bút viết 5 chữ: "Nhân", "Nghĩa", "Lễ", "Trí", "Tín".
Năm 2018, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô khai với các thông điệp về sự học gồm: "Học để làm người"; "Học thầy không tày học bạn"; "Học ăn, học nói, học gói, học mở"; "Học, học nữa, học mãi"; "Học một biết mười"; "Học đi đôi với hành". Năm 2023, lễ khai bút dự kiến tổ chức vào ngày mùng 7 Tết.
Lễ khai bút cũng còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống hiếu học của các thế hệ học sinh hôm nay và tỏ lòng thành kính với bậc tiền nhân, người thầy Chu Văn An đáng kính, có nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.