Vợ chồng anh Mạnh, chị Bình quê ở xã Tân Thành, huyện Hàm Yên. Lấy nhau, cũng như bao đôi vợ chồng trẻ khác ở đất Hàm Yên, vợ chồng anh Mạnh vất vả với công việc cày cấy, trồng cam. Chị Bình vốn là người Việt gốc Hoa, vẫn còn họ hàng thân thích bên tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trong một lần sang Trung Quốc thăm họ hàng, vợ chồng anh đã được người thân truyền cho kỹ thuật dệt thổ cẩm và dạy cho cách đóng khung máy dệt.
Nhập khẩu nghề, xuất khẩu hàng
|
Lao động làm việc tại cơ sở dệt thổ cẩm Mạnh Bình đều thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng. |
Về quê, vợ chồng anh bắt tay vào đóng 2 khung máy dệt đạp chân. Nguyên liệu sợi thổ cẩm chủ yếu nhập từ Trung Quốc, sản phẩm làm ra được tiêu thụ một phần nhỏ tại địa phương - nơi có đông đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống còn phần lớn xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai.
Anh Mạnh nhớ lại: “Trong 5 năm đầu, vợ chồng tôi đã đào tạo được 5 thợ dệt lành nghề là người địa phương. Lúc này bên Vân Nam (Trung Quốc), các làng nghề dệt truyền thống đã chuyển thành các công xưởng làm các sản phẩm dệt may hiện đại phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Nắm bắt cơ hội này, vợ chồng tôi đóng thêm máy dệt, đào tạo thêm thợ giỏi. Hàng dệt ra tới đâu vợ chồng tôi xuất sang Trung Quốc, thế chỗ các sản phẩm thổ cẩm mà các làng nghề dệt của nước bạn đã bỏ không làm nữa...”. Thị trường các sản phẩm dệt, thêu thổ cẩm tuy chỉ là mấy tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây (Trung Quốc), nhưng sức tiêu thụ rất lớn. Hàng làm ra không đủ bán, vợ chồng anh Mạnh phải mở rộng sản xuất. Năm 2001, vợ chồng anh lên thị trấn Tân Yên để mở rộng xưởng dệt và tiện cho việc sản xuất kinh doanh.
Hình thành làng nghề
Đến nay, cơ sở dệt thổ cẩm Mạnh Bình đóng tại thị trấn Tân Yên đã đào tạo nghề dệt cho hơn 100 lao động. Nhiều hộ đã có thu nhập ổn định từ dệt thổ cẩm.
Xưởng sản xuất đồ thổ cẩm của vợ chồng anh Mạnh hiện có 20 máy dệt và hàng chục máy đánh ống, máy suốt sợi. Hơn 20 người làm việc trong xưởng, người đánh ống, suốt sợi, kẻ mải miết bên khung dệt. Chị Bình cho biết: “Khi đã thành thạo nghề, vợ chồng tôi giao máy cho thợ rồi tính thu nhập của lao động dựa trên năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra.
Anh Nguyễn Văn Mười - một thợ đứng máy đánh ống thổ lộ: “Thu nhập bình quân của tôi hơn 2 triệu đồng/tháng. Làm ở đây thoải mái hơn ở nhà máy, công ty. Hôm nào nhà có việc hay bận dăm bữa cày cấy thì có thể nghỉ”.
Với hơn 20 lao động làm tại xưởng thì không thể đủ hàng xuất khẩu. Nguồn lao động chính làm ra các sản phẩm dệt, thêu thổ cẩm của gia đình anh Mạnh hiện đang nằm rải rác trong các thôn, bản của mấy xã quanh vùng. Vợ chồng anh Mạnh cũng đã được Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cho vay 250 triệu đồng để đóng thêm hơn 30 máy dệt giao cho các hộ, nhóm hộ sản xuất.
Trước khi giao máy, vợ anh tổ chức các lớp dạy nghề lao động. Số lao động lành nghề lại về truyền nghề cho những người chưa biết. Nhiều hộ còn bỏ tiền ra đóng máy, lấy nguyên liệu về dệt, thêu rồi bán lại thành phẩm cho cơ sở Mạnh Bình.
“Huyện Hàm Yên đang xúc tiến thành lập làng nghề dệt thổ cẩm Ba Chãng với hàng trăm hộ dân làm nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn thị trấn Tân Yên. Chúng tôi chỉ mong có thêm nhiều người biết nghề, nhiều hộ làm nghề. Bên cạnh việc dạy nghề, truyền nghề, vợ chồng tôi sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm” - anh Mạnh khẳng định chắc nịch.
Phương Đông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.