Vệ sinh do cộng đồng làm chủ

Thứ sáu, ngày 01/11/2013 08:55 AM (GMT+7)
Đó là phương pháp vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ (CLTS) do Tổ chức phi Chính phủ Childfund triển khai từ năm 2011 tại 94 thôn, xóm của 7 xã của huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.
Bình luận 0
Đây là dự án cải thiện điều kiện cấp nước và vệ sinh do Chính phủ New Zealand tài trợ.

Làm thay đổi hành vi vệ sinh

Theo khảo sát của Childfund năm 2010, trong số 340 hộ dân sống trên địa bàn 7 xã của dự án, chỉ có 10 hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh (NTHVS). Số còn lại là không có hoặc là những hố tiêu tự tạo. Nhưng sau gần 3 năm (tính đến tháng 1.2012) triển khai dự án với phương pháp CLTS, đến nay đã có 42/94 thôn với gần 1.000 NTHVS được xây dựng. Nhưng điều muốn nói là CLTS đã giúp người dân nơi đây đã từ bỏ thói quen phóng uế bừa bãi ra môi trường…

Chị Kiều Thu Hường- cán bộ Hội Phụ nữ huyện Quảng Uyên, thành viên của dự án này chia sẻ: “Phương pháp CLTS mang lại hiệu quả cao trong việc thay đổi thái độ và hành vi của người dân một cách bền vững bằng cách phân tích hành vi nguyên nhân, hậu quả để bà con hiểu rõ hơn tác hại của việc đi tiêu bừa bãi, từ đó tự nguyện từ bỏ thói quen đi vệ sinh ngoài trời để xây NTHVS”.

Nhà tiêu ở vùng  đồng bào dân tộc Quảng Uyên  (Cao Bằng).
Nhà tiêu ở vùng đồng bào dân tộc Quảng Uyên (Cao Bằng).

Tại xóm Păc Cạm, xã Đoài Khôn (Quảng Uyên), tất cả các hộ đồng bào Nùng sống ở đây đều không có nhà tiêu. Có chăng thì nhiều nhà đi chung một chỗ. Vậy mà sau khi được cán bộ dự án tư vấn, phân tích về sự mất vệ sinh cộng đồng ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, tất cả bà con trong xóm đã thay đổi hẳn nhận thức.
Anh Nông Văn Minh- Trưởng xóm Păc Cạm, người đi đầu trong vận động người dân trong xóm và tiên phong xây dựng NTHVS, tâm sự: Trước đây, cả xóm đều đi tiêu tự do ngoài rừng, gốc cây, khe đá… Được sự tuyên truyền, hỗ trợ của dự án, tôi đã hiểu ra và gương mẫu vận động bà con không nên đi tiêu bừa bãi, phải đi đúng chỗ. Trong quá trình vận động, anh Minh đã giúp 15 hộ xây công trình phụ mà không lấy thù lao. Và chỉ 6 tháng sau, toàn bộ 29 hộ trong xóm đã có NTHVS.

Păc Cạm giờ đã thay đổi rồi, môi trường đã không còn ô nhiễm, xú uế nữa. Để thay đổi được nhận thức của bà con, các cán bộ của dự án đã tìm cách giải thích rất cụ thể. Chị Kiều Thu Hường kể: Muốn cho bà con thấy được cái bẩn, mất vệ sinh của việc đi tiêu không đúng chỗ, chúng tôi đã lấy một sợi tóc chấm vào bãi phân, rồi nhúng vào một cốc nước. Tất cả mọi người chứng kiến đều nhận xét cốc nước không có gì thay đổi, nhưng hỏi ai có thể uống cốc nước đó, thì chẳng ai dám. Chính nhờ cách chỉ dẫn vậy mà bà con hiểu rõ hơn và có ý thức thay đổi hành vi và cách nghĩ của mình.

Từ sợ nhà vệ sinh, nay… thấy sướng

Nếu đến các thôn, bản trên của Quảng Uyên những năm trước, khi cần khách khó mà tìm được nhà vệ sinh. Có chăng chỉ là 4 cọc tre xiêu vẹo, quây quanh là những bao tải rứa rách dựng tạm bợ bên vách núi đá cao, cái có mái cái không, ngày nắng mùi xú uế bốc nồng nặc, còn ngày mưa thì không ai dám vào bởi sợ… khủng khiếp. Thì nay tới các xã Đoài Khôn, Ngọc Động, Hồng Định, Hồng Quang… đi đâu cũng thấy mọi người hỏi nhau đã xây nhà vệ sinh 2 ngăn chưa.

Vệ sinh tổng thể do CLTS là cách khuyến khích thay đổi hành vi vệ sinh của người dân để đạt được và duy trì tình trạng không phóng uế bừa bãi, hướng dẫn cộng đồng phân tích thực trạng vệ sinh, thói quen đi vệ sinh bừa bãi và hậu quả của nó.

Anh Vi Văn Thà ở xóm Lan Dưới (Đoài Khôn) bảo: “Trước kia bà con thường đi tiêu phóng uế tự do, may lắm thì mấy nhà đi chung một hố tiêu tạm bợ, có khi phải chờ nhau đến khổ…, thì nay nhà nào nhà ấy dùng, không còn phải chờ đợi nữa. Dùng nhà tiêu 2 ngăn thật sướng”. Chính vì vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, nhiều NTHVS của xóm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Có hộ ngoài tiền hỗ trợ 2 triệu đồng, còn thêm tiền làm rộng hơn quy định, để dùng cho rộng rãi, thậm chí có hai nhà cạnh nhau đã góp tiền xây nhà tiêu tự hoại có nước giội, kết hợp với nhà tắm rất sạch sẽ. Ông Lương Thanh Sậu-Trưởng Trạm xá xã Đoài Khôn cho biết: “Trước đây, tỷ lệ bệnh tiêu chảy, lỵ, giun sán, viêm da, viêm nhiễm phụ khoa, đau mắt đỏ… của xã rất cao. Nhưng sau khi áp dụng CLTS, nhờ các gia đình có NTHVS, nên bệnh tật giảm đáng kể, chỉ còn 3-4%”.

Rõ ràng với phương pháp CLTS do Childfund thực hiện đã mang lại hiệu quả trông thấy. Được biết từ nay đến cuối năm 2013, phương pháp này sẽ được tiếp tục triển khai tại các thôn còn lại của 7 xã ở huyện Quảng Uyên và 6 xã thuộc huyện Trà Lĩnh của tỉnh Cao Bằng.
Hòa Bình (Hòa Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem