Một hộ dân trồng cà phê khoán cho Vinacafe tại Đắk Lắk
Cho giải thể 5 công ty thành viên
Ông Bùi Khắc Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp nông nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết: “Thực hiện Nghị Quyết 30 của Bộ Chính trị và Nghị định 118 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT trình Thủ tướng Chính phủ phương án tái cơ cấu Vinacafe Việt Nam và được Thủ tướng Chính phủ quyết định bởi Quyết định 2252 ngày 10.12.2015. Theo đó Vinacafe Việt Nam sẽ cổ phần hóa công ty mẹ và 7 công ty trực thuộc nắm 51% vốn nhà nước và 18 công ty thành viên cũng nắm 51% vốn nhà nước; thành lập công ty 2 thành viên trở lên đối với 3 công ty, giải thể 5 công ty”.
Tuy nhiên, theo ông Hiền Kết quả đến nay Vinacafe Việt Nam mới cổ phần hóa được 5/18 công ty thành viên, kết quả đạt được khá khiêm tốn so với mục tiêu đặt ra.
“Để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp của Vinacafe Việt Nam, ngày 24.10.2016, Vinacafe Việt Nam có văn bản trình Bộ NNPTNT điều chỉnh phương án tái cơ cấu. Trên cơ sở đó, Vụ Quản lý doanh nghiệp tham mưu lãnh đạo Bộ NNPTNT trình Thủ tướng điều chỉnh phương án đối với Vinacafe Việt Nam”- ông Hiền nói thêm.
Theo ông Hiền, phương án điều chỉnh này có một số nội dung chính, thứ nhất cổ phần hóa đồng thời Vinacafe Việt Nam và 18 công ty thành viên chưa tiến hành cổ phần hóa và 7 công ty phụ thuộc văn phòng công ty mẹ. Phương án điều chỉnh này nhằm để thu hút nhà đầu tư mua cổ phần hóa với số lượng lớn, đồng thời để Vinacafe Việt Nam cổ phần hóa đúng lộ trình, đảm bảo mục tiêu thời gian năm 2017 hoàn thành. Việc cổ phần hóa đồng thời nhằm củng cố nâng cao vai trò của Vinacafe Việt Nam sau khi sắp xếp, giữ ổn định về quản lý đất đai tại các địa phương.
“Chúng ta phải phân ranh giới sở hữu này bao nhiêu phần trăm của DN bao nhiêu phần trăm của người nhận khoán, có những đơn vị khoán trắng. Tất cả những điều này cần phải được làm rõ nhằm bảo vệ quyền lợi của những người nhận khoán cũng như công ty, kể cả vấn đề quy hoạch sử dụng đất của địa phương cũng cần được làm rõ”.
(Ông Bùi Khắc Hiền)
|
Về đề xuất phương án thoái vốn bằng cách bán lại toàn bộ vườn cây cho người lao động với giá thị trường để thu về 5.000 tỷ đồng, ông Bùi Khắc Hiền đánh giá: Trong quá trình xác định giá trị DN để cổ phần hóa DN hay đem DN đi góp vốn hay liên doanh liên kết bao giờ chúng ta cũng phải xác định tài sản DN bao nhiêu, giá trị DN bao nhiêu và ai đang là chủ sở hữu. Đối với DN cà phê không phải họ tự canh tác, mà họ khoán cho người lao động theo Nghị định 135 của Chính phủ.
Ông Hiền cho biết thêm: “Đối với nhà nước khi chúng ta xác định cổ phần hóa bao giờ cũng phải làm theo đúng quy trình, đúng pháp luật, chứ không phải để có được nhiều tiền cho nhà nước. Chúng tôi cảm ơn tâm huyết và sự tính toán của ông Lê Đình Hoàng, tuy nhiên câu chuyện này phải làm đúng pháp luật và phải có cơ sở khoa học. Chúng tôi sẽ ghi nhận ý kiến này để có sự nhìn nhận khách quan và có sự điều chỉnh chính sách theo đúng quy định pháp luật”.
Một vườn trồng cà phê tại Đắk Lắk.
Bắt đầu cổ phần hóa từ quý 3
Trao đổi thêm PV Dân Việt về hiện trạng của Vinacafe Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết: “Vinacafe Việt Nam hiện nay có diện tích đất đai khoảng trên 34.000ha, trong đó có khoảng 16.000ha là diện tích trồng cà phê, 80% số diện tích cà phê phải tái canh, nên thư anh Hoàng nói năng suất cà phê của Vinacafe Việt Nam thấp hơn bình quân cả nước là có thật.
Về việc khoán đất, ông Tuấn cho biết: Hầu hết những diện tích cà phê đã được khoán cho các hộ gia đình theo Nghị định 01 (1996) và Nghị định 135 (2005). Lúc đó, chúng ta khuyến khích thậm chí kêu gọi đảng viên nhận khoán trước. Bây giờ họ đầu tư công sức tiền bạc vào vườn cà phê, dĩ nhiên công sức có cả của người dân và của nhà nước, vì vậy việc hoạch định là rất phức tạp. Nhưng vấn đề phức tạp hơn là vấn đề đất đai trước đây của các công ty cà phê này, có một phần của đồng bào dân tộc tại chỗ, hiện nay họ đã canh tác ổn định. Cho nên bây giờ vấn đề giải quyết đất đai cho người nhận khoán, hầu hết là người mới đến, và đồng bào tại chỗ phải được giải quyết hài hòa để đảm bảo an ninh trật tự cho địa bàn.
Tuy nhiên theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn: “Dù khó khăn nhưng chúng ta sẽ phải làm, đường hướng đã có hết, vấn đề là làm thời điểm nào. Theo Quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ, Vinacafe Việt Nam bắt đầu thực hiện các bước để cổ phần hóa từ quý 3 năm nay. Nếu như tiết độ thực hiện được thì ngày 18.5 sẽ chuyển sang công ty cổ phần”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.