Báo NTNN đã đăng tải bức tâm thư của ông Lê Đình Hoàng đã đề cập đến rất nhiều khó khăn mà Vinacafe Việt Nam đang gặp phải do quá trình cổ phần hóa từ năm 2015 đến nay diễn ra quá chậm trễ, chưa có chuyển biến gì. Ông đã đọc được nội dung bức thư này chưa và ông có giải thích gì về những vấn đề mà ông Hoàng nêu?
- Tôi có đọc bức tâm thư của anh Hoàng gửi Thủ tướng Chính phủ qua báo NTNN. Việc anh Hoàng nói Vinacafe Việt Nam thực hiện quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) nhà nước, cổ phần hóa chậm trễ là không đúng với những gì đang diễn ra.
Thực tế, đến thời điểm này việc thực hiện tái cơ cấu và sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nông nghiệp cũng như tái cơ cấu của Vinacafe Việt Nam giai đoạn 2015-2017 đang được chúng tôi triển khai rất tích cực và quyết liệt. Vinacafe Việt Nam luôn tuân thủ tất cả các chỉ đạo của Ban đổi mới doanh nghiệp Trung ương, cũng như các chỉ đạo của Bộ NNPTNT trong vấn đề triển khai triển khai việc thực hiện phương án tổng thể của Chính phủ sắp xếp đổi mới các DN nông nghiệp tiến tới cổ phần hóa (CPH) Vinacafe Việt Nam.
Chính phủ và Bộ NNPTNT chỉ đạo trong năm 2016, chúng tôi thực hiện CPH trước 3 DN và hiện nay chúng tôi đang làm, nếu làm đồng loạt thì rất khó vì liên quan đến đất đai, cắm mốc phương án sử dụng đất của các đơn vị được địa phương phê duyệt, phải làm từng bước, đúng lộ trình. Anh Hoàng nói chậm là không đúng.
Tổng công ty cà phê Việt Nam không muốn bán các vườn cà phê cho người lao động.
Trong nội dung thư ông Hoàng có đề cập, nếu Vinacafe Việt Nam không bán vốn chủ sở hữu tại Vinacafe Biên Hòa, thì có thể Tổng công ty đã phá sản. Ông lý giải sao về điều này?
- Ngày xưa Tổng công ty cà phê đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển ngành cà phê. Tuy nhiên bước sang giai đoạn 2000-2001 là thời điểm khủng hoảng thừa cà phê, giá cà phê giảm sâu (3.000-4.000 đồng/kg cà phê) việc đầu tư của các DN vào sản xuất rất khó khăn. Đến năm 2013, khó khăn tưởng chừng như không thể vực dậy được, Tổng công ty phải đối mặt với việc sáp nhập vào Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam hoặc phá sản. Các đơn vị thua lỗ, số nợ đối với Vinacafe Việt Nam là rất lớn, không thể vay vốn đầu tư sản xuất được nữa. Sau đó chúng tôi thực hiện thoái vốn tại Vinacafe Biên Hòa và khó khăn tài chính bao năm qua cuối cùng cũng được giải quyết.
Hiện nay Vinacafe đang từng bước sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt trong năm 2016 trên tất cả các mặt sản xuất kinh doanh đều vượt chỉ tiêu Bộ NNPTNT đề ra, cụ thể tổng doanh thu vượt 17%, lợi nhuận đạt 147%, nộp ngân sách vượt 27%. Trong măn 2017, chúng tôi tiếp tục phấn đấu xuất khẩu 60.000 tấn cà phê với kim ngạch trên dưới 110 triệu USD, năm 2018 phải xuất khẩu được 100.000 tấn.
Ông Nguyễn Nam Hải:
Bán vườn cho người lao động không thuộc chính sách trong cổ phần hóa
Ông Hoàng cho rằng đã đề xuất nhiều lần lên Tổng công ty phương án thoái vốn toàn bộ vườn cây bằng cách bán lại cho người lao động với giá thị trường (khoảng 300 triệu đồng/ha). Với phương án đó, nhà nước sẽ thu về ngay 5.000 tỷ đồng. Một phương án “ngon” như thế, vì sao Vinacafe Việt Nam lại không đồng ý, thưa ông?
- Việc Vinacafe Việt Nam triển khai tái cơ cấu, CPH chắc chắn anh Hoàng nắm được vì TCT đã phổ biến tới các đơn vị thành viên. Việc trả đất về cho người lao động, người lao động sẽ mua theo giá thị trường, cái đó không thuộc chính sách trong việc CPH. Đây là đề xuất không thể chấp nhận được, tất cả việc tái cơ cấu, CPH đều phải thực hiện theo Nghị định 118 của Chính phủ và Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị.
|
Tuy nhiên, trong bức thư gửi Thủ tướng, ông Hoàng cho rằng, những số liệu báo cáo đó là không chính xác, bởi thực chất Vinacafe Việt Nam đang thực hiện khoán trắng, chỉ phát canh, thu tô, không đầu tư, không chi phí, bảo hiểm xã hội thì tự thỏa thuận trái pháp luật, dồn hết cho người lao động tự lo. Ông lý giải về điều này thế nào?
- Vinacafe Việt Nam đã thực hiện khoán sản phẩm theo đúng Nghị định 135/2005 của Chính phủ từ 10 năm nay. Các DN của TCT đang thực hiện khoán theo đúng quy định. Tuy mức đầu tư giữa người lao động cao hơn so với mức đầu tư của DN (60%-40%, 70%-30%) nhưng chúng tôi luôn thực hiện đúng, nếu người lao động có mức đầu tư cao thì được hưởng cao, doanh nghiệp có mức đầu tư thấp thì hưởng thấp. Anh Hoàng hiểu theo kiểu khoán thu tô thì cũng không phải lắm.
Ông Lê Đình Hoàng: Tôi sẵn sàng đối chất
Về phần trả lời của ông Nguyễn Nam Hải, ông Lê Đình Hoàng tiếp tục khẳng định: Những vấn đề mà tôi nêu ra trong bức tâm thư gửi Thủ tướng là chính xác và tôi sẵn sàng đối chất với toàn bộ lãnh đạo Tổng công ty cà phê Việt Nam. Theo ông Hoàng, hiện ông có rất nhiều tài liệu trong tay để chứng minh phương án đề xuất của mình là đúng. “Tôi làm việc này là vì nông dân, vì đời sống của 30.000 con người. Nếu còn chậm trễ ngày nào, người lao động còn khổ cực ngày đó”- ông Hoàng khẳng định.
Ông Hoàng cũng gửi lời cảm ơn đến Báo NTNN/Dân Việt, vì đã đăng tải kịp thời bức tâm thư của ông và mong báo tiếp tục đồng hành với những người lao động ở Tổng công ty cà phê Việt Nam.
|
Vậy theo lộ trình CPH của Bộ NNPTNT, đến lúc nào Vinacafe Việt Nam phải hoàn thành?
-Trong phương án tổng thể sắp xếp của Chính phủ phê duyệt vào ngày 10.12.2015, thời điểm xác định giá trị DN là 30.9.2017 và tiến hành cổ phần hóa trong năm 2017. Chắc chắn Vinacafe Việt Nam sẽ thực hiện CPH đúng lộ trình. Bộ NNPTNT yêu cầu cổ phần hóa trước 3 đơn vị gồm Công ty TNHH MTV cà phê Iablan, Công ty TNHH MTV 715B, Công ty TNHH MTV 734, 3 đơn vị này trong quý 2 sẽ thực hiện chào bán cổ phần.
Khó khăn nhất trong quá trình thực hiện CPH các DN nông nghiệp là liên quan đến đất đai, mà đất đai liên quan đến địa phương, các địa phương phải là nơi phê duyệt phương án đất đai của các DN tổng công ty trực thuộc trên các địa bàn ở các tỉnh cho nên phải có thời gian và quá trình thực hiện.
Xin cảm ơn ông!
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường:
Chậm cổ phần hóa, sẽ xử lý người đứng đầu
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2017 tổ chức vào trung tuần tháng 2.2017, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Việc đổi mới công tác quản lý doanh nghiệp là cơ hội để tái sinh lại khu vực doanh nghiệp quản lý nhà nước. Các DN thực hiện CPH cần tuân thủ đúng quy định pháp luật, minh bạch hóa để đảm bảo quyền lợi nhà nước, chống thất thoát chống tiêu cực, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp, người đại diện quản lý phần vốn nhà nước không nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả, gây thất thoát”.
Ngày 29.3, trao đổi với NTNN/Dân Việt, ông Bùi Khắc Hiền- Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết: “Tôi được biết Tổng công ty Cà phê Việt Nam đã triển khai tái cơ cấu từ lâu rồi nhưng chưa triển khai CPH, bởi để thực hiện được phải có quyết định CPH, còn hiện nay chưa có quyết định nào liên quan đến CPH tại Tổng công ty này”.
An Nhiên (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.