Vén màn bí ẩn cỗ quan tài "chảy máu" của công chúa nhà Liêu khiến các nhà khảo cổ hết hồn

Thứ sáu, ngày 24/09/2021 20:05 PM (GMT+7)
Khai quật mộ cổ không phải là công việc dành cho những người yếu tim bởi nhiều lăng mộ bên trong luôn tồn tại những hiểm họa khôn lường, chẳng hạn như trường hợp cỗ quan tài "chảy máu" của công chúa nhà Liêu khiến các nhà khảo cổ học vừa nhìn thấy liền phải tức tốc chạy ra ngoài.
Bình luận 0
Vén màn bí ẩn cỗ quan tài "chảy máu" của công chúa nhà Liêu khiến các nhà khảo cổ hết hồn - Ảnh 1.

Các nhà khảo cổ khai quật cổ mộ công chúa nhà Liêu. Ảnh Sina.

Theo 765 News, ngôi cổ mộ của công chúa nhà Liêu - một triều đại phong kiến do người Khiết Đan kiến lập trong lịch sử Trung Quốc kéo dài từ năm 907 đến năm 1125, hoặc đến năm 1218 nếu tính cả triều Tây Liêu - được phát hiện một cách tình cờ bởi một thợ mỏ.

Theo đó, năm 2003, một thợ mỏ ở Nội Mông (Trung Quốc) trong lúc làm việc đã đào trúng ngôi mộ cổ và nhanh chóng báo với các nhà chức trách. Sau đó, một đoàn khảo cổ đã được cử đến để khai quật cổ mộ này.

Ngôi mộ cổ được khai quật một cách thuận lợi, điều đầu tiên các nhà khảo cổ nhìn thấy là một cỗ quan tài còn dính đầy vết máu trông vô cùng đáng sợ. Khi mở quan tài, bên trong có hài cốt của một phụ nữ, được che kín mặt bằng một tấm vải đã mục.

Vén màn bí ẩn cỗ quan tài "chảy máu" của công chúa nhà Liêu khiến các nhà khảo cổ hết hồn - Ảnh 2.

Cỗ quan tài nhuốm máu. Ảnh Sina.

Để chắc chắn không làm hư hại hài cốt của người quá cố, các nhà khảo cổ đã tiến hành chụp X-quang trước rồi mới vén tấm vải mục lên.

Tuy nhiên, cỗ quan tài không vô hại như các nhà khảo cổ tưởng tượng. Ngay sau khi tấm vải được vén lên, một dòng chất lỏng kỳ lạ bắt đầu chảy xuống từ hài cốt của chủ nhân ngôi mộ. Chất lỏng này tỏa ra một mùi kim loại nồng nặc.

Một chuyên gia khảo cổ kỳ cựu ngay lập tức bịt mũi rồi hét lên: Nguy hiểm, chạy mau! Sau khi tất cả mọi người đã ra ngoài an toàn, chuyên gia khảo cổ liền mặc đồ bảo hộ, quay trở lại lấy mẫu chất lỏng mang đi kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy phán đoán ban đầu của vị chuyên gia là đúng. Chất lỏng chảy đầy trong cỗ quan tài là thủy ngân - một chất kịch độc. 

Chỉ cần hít phải một lượng nhỏ thủy ngân cũng khiến nạn nhân bị ngộ độc nghiêm trọng, hít quá nhiều có thể gây chết người. Triệu chứng ngộ độc thủy ngân tùy thuộc vào thời gian tiếp xúc, nồng độ và dạng ngộ độc để xuất hiện các triệu chứng như khó thở, đau ngực, sốt, viêm miệng đến co giật, nôn, viêm ruột, mất trí nhớ hoặc tử vong.

Tuy nhiên, người xưa thường sử dụng thủy ngân để bảo quản thi thể người chết hoặc ướp xác vì thủy ngân có khả năng diệt trùng, khử khuẩn, cách nhiệt, ngăn chặn sự thối rữa.

Các nhà khảo cổ học còn xác định được chủ nhân nằm trong cỗ quan tài là Dư Lô Đổ Cô - em gái của Liêu Thái Tổ Gia Luật A Bảo Cơ - vị hoàng đế đầu tiên của Khiết Đan trong lịch sử Trung Quốc.

Cỗ quan tài dính đầy máu của nàng công chúa Dư Lô Đổ Cô được cho là có thể liên quan đến cái chết thảm khốc của nàng. 

Theo đó, chồng của công chúa đã bị giết vì tội mưu phản và chính Dư Lô Đổ Cô cũng liên lụy vào án này. Nàng công chúa bị chính Liêu Thái tổ xử tử. Khi chết, Dư Lô Đổ Cô còn khá trẻ và vì chết vì trọng tội nên chưa kịp xây dựng lăng mộ quy mô, vì thế tổng thể ngôi mộ của công chúa tương đối thô sơ.

Phương Đăng (theo 765 News) (765news/Sina)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem