Vết hằn từ nỗi đau bị lạm dụng

Chủ nhật, ngày 12/03/2023 07:18 AM (GMT+7)
Cô gái 24 tuổi ngồi co quắp trên chiếc ghế, cổ tay chi chít những vết sẹo, gương mặt hiện rõ vẻ đau khổ và luôn hỏi: “Chị có phán xét em không?”
Bình luận 0

Bị anh họ xâm hại khi mới 6 tuổi

Nguyễn Mai H (24 tuổi) - người đã tìm tới Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Better Minds (Hà Nội) của chị Hoàng Thị Thu Nhiên - chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy. H là một trong những người đã được chị Nhiên giúp đỡ. Khi tìm tới Trung tâm hỗ trợ cộng đồng, H trong trạng thái chán nản, cô vừa tự tử bằng cách rạch tay và uống thuốc an thần.


Vết hằn từ nỗi đau bị lạm dụng - Ảnh 1.

Chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy đang “chữa lành” vết thương cho Mai H. (ảnh: Thanh Loan)

Câu chuyện của H bắt đầu từ khi H 6 tuổi. H bị người anh họ, hơn H 10 tuổi, ở gần nhà H xâm hại. Sau lần đó, H tiếp tục bị người họ hàng này xâm hại một vài lần nữa. Người anh họ này dọa sẽ giết H nếu H nói ra điều này. H sợ hãi không dám kể hay nói chuyện này cho bất cứ ai. Người họ hàng này tự nhiên lui tới nhà H và không ai nghi ngờ gì. Đó là điều gây ức chế với H rất lớn.

Cho tới khi 14 tuổi, khi đã đủ dũng cảm, H đã kể lại sự việc với bố mẹ với mong muốn, bố mẹ không cho phép người anh họ lui tới nhà H nữa. Tuy nhiên, bố mẹ không ngăn cản hay cấm cửa người anh họ kia, bố mẹ H nói với H: “Đó là anh em trong nhà, chuyện này nếu có thật đi nữa thì tuyệt đối không được để lộ ra ngoài. Sau này mày còn lấy chồng, người ngoài sẽ cười gia đình, họ tộc mình”…

H là cô gái có ngoại hình ưa nhìn, đã học xong Đại học và hiện đã đi làm ở Hà Nội. Tuy nhiên, suốt một khoảng thời gian 6 tháng, H chán nản trong công việc, ngại giao tiếp, không muốn xuất hiện ở các đám đông và không muốn tiếp xúc với đàn ông. H luôn có cảm giác tự ti. Ngay từ khi đi học Đại học, H luôn thuê nhà ở riêng một mình, không ở cùng các bạn khác bởi sợ rằng bí mật quá khứ của mình có thể bị lộ.

Rất nhiều lần, H tự rạch tay mình. Mỗi lần tự rạch vào cổ tay, khi thấy máu chảy, H cảm giác được giải tỏa. Trên cổ tay của H chi chít các vết sẹo. Lần gần đây nhất, H vừa tự rạch tay và vừa dùng thuốc ngủ. Lần này, H may mắn được cứu sống bởi một người bạn tới phòng trọ rủ H đi chơi và đưa H đi cấp cứu.

Chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy Hoàng Thị Thu Nhiên cho biết, chị dành 4 buổi để ngồi lắng nghe, đồng cảm và dùng phương pháp trị liệu giúp H. “Khi một người trầm cảm, đặc biệt nguyên nhân tác động là bị xâm hại tình dục như H. Điều họ cần nhất là một người hiểu và đồng cảm với bản thân họ. Nhất là khi họ không được bố mẹ, người thân hiểu. Khi H tìm đến tôi, em ấy muốn thoát ra khỏi trạng thái như hiện tại để quay trở lại làm việc. Tôi giúp em xác định tổn thương, tư vấn tâm lý để các em nhận thức được việc đó không phải lỗi của mình, không tự trách mình, tự tin với cuộc sống hiện tại và tương lai. Cuối cùng sau 4 buổi chiều, tôi đã giúp em ấy tìm lại sự bình yên trong tâm hồn và quay trở lại làm việc”, chuyên gia lập trình ngôn ngữ Hoàng Thị Thu Nhiên chia sẻ.

Ảnh hưởng nghiêm trọng về tinh thần và thể xác

Theo các chuyên gia, thời gian qua các từ khóa xâm hại tình dục (XHTD), lạm dụng tình dục ở trẻ vị thành niên, trẻ em…đang rất nóng, khi những câu chuyện học sinh chỉ mới lớp 7,8,9… lần lượt mang thai ngoài ý muốn vì quan hệ tình dục không an toàn với người yêu, người khác giới.

Bị XHTD gây hậu quả cho sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ, làm giảm khả năng học tập, hòa nhập xã hội và hủy hoại sự phát triển của trẻ em. Hậu quả của vấn đề này hết sức nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần đối với trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước.

Theo số liệu của Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2020, phát hiện 1.945 vụ xâm hại 2008 trẻ em, trong đó 1.506 bị XHTD; 97% số vụ bị phát hiện đối tượng đều có quen biết với nạn nhân và gia đình của nạn nhân.

Khi vụ việc được phát hiện, tâm lý chung của gia đình nạn nhân và cả dư luận thường chỉ muốn nhanh chóng đưa tội phạm ra trả giá trước pháp luật. Còn việc chăm sóc, hồi phục tâm lý cho những đứa trẻ không may bị xâm hại một cách đúng đắn, đầy đủ, khoa học lại chưa thực sự được thực hiện tốt.

Đằng sau những vụ án đau lòng là câu chuyện giáo dục gia đình chưa đến nơi đến chốn, giáo dục tâm - sinh lý còn lơ là. Ngày nay, người ta tiếp xúc với phim, ảnh sex rất nhiều, bị kích động bởi rất nhiều thứ khác có thể dẫn tới hành vi cuồng dâm.

Tại Hội thảo "Đánh giá việc quản lý thực hiện nhận tài trợ và chia sẻ kinh nghiệm, trong khuôn khổ dự án "Hỗ trợ, tiếp cận tư pháp cho trẻ em bị xâm hại tình dục tại Hà Nội" do Liên minh Châu Âu phối hợp với Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện, được tổ chức tại Hà Nội, các tham luận đều chỉ rõ, để cha mẹ có thể là điểm tựa an toàn nhất sau khi phát hiện trẻ bị XHTD, trước hết cha mẹ cần nhận diện rõ về bản chất của XHTD.

Các đại biểu đưa ra 3 yếu tố quan trọng để các bậc cha mẹ có thể chăm sóc trẻ sau sự việc bị XHTD. Đó là: giúp trẻ chăm sóc cơ thể, tâm lý và tinh thần. Đây chắc chắn là điều không dễ dàng với bất cứ gia đình nào sau khi trải qua sự việc đau lòng này, nhưng cha mẹ phải là người đầu tiên giúp trẻ có cảm giác an toàn, từ đó giúp trẻ sớm phục hồi, chữa lành vết thương và để trẻ cảm nhận yêu thương từ cha mẹ.

Bên cạnh đó, trước sự gia tăng của các vụ XHTD với trẻ, để bảo vệ con mình trước hết các gia đình cần tăng cường cảnh giác, không lơ là trong việc bảo vệ và giáo dục kỹ năng sống, giới tính cho trẻ, giúp trẻ hiểu để tự bảo vệ bản thân.

Bố mẹ, người thân và giáo viên dạy trẻ: một số bộ phận cơ thể là "bất khả xâm phạm". Có những bộ phận cơ thể gọi là vùng riêng tư vì không ai được phép nhìn thấy; Dạy trẻ rằng bất kỳ tình huống nào, không ai được chạm vào vùng kín của trẻ và không ai có thể ra lệnh cho con chạm vào vùng kín của người khác. Cha mẹ rất hay quên vế thứ hai.

Những kẻ lạm dụng tình dục thường yêu cầu trẻ tự chạm vào vùng kín của trẻ hoặc người khác; Hầu hết những kẻ xâm hại sẽ dặn trẻ con rằng không được kể cho ai về hành vi đồi bại đó. Chúng có thể dỗ ngọt rằng "Chú thích chơi với con nhưng con mà kể ra thì người ta không cho cô/ chú đến", hoặc chúng có thể đe dọa trẻ "Đây là bí mật của riêng chúng ta. Nếu con kể cho người khác nghe, chú sẽ nói là con đòi làm như vậy, thế nào con cũng bị phạt".

Cha mẹ nên bảo con rằng dù ai có nói gì đi chăng nữa thì giấu giếm những bí mật là không tốt. Khi có ai muốn con làm thế, phải nói ngay với bố mẹ; Không ai được chụp ảnh vùng cơ thể riêng tư của con; Dạy con cách thoát khỏi tình huống đáng sợ hoặc không thoải mái; Dạy trẻ “mật mã riêng” để chỉ những tình huống không an toàn hoặc muốn bố mẹ đón; Nói với con rằng chúng sẽ không bao giờ gặp rắc rối khi nói với bạn bí mật cơ thể; Dạy con hiểu đúng về các hành vi động chạm…

Điều quan trọng là cha mẹ phải là tấm gương cho con cái về lối sống lành mạnh, tạo sự tin tưởng và chở che cho các con. Phụ huynh hãy dành thời gian trò chuyện hàng ngày để hiểu và kịp thời hỗ trợ khi con mình gặp khó khăn.

Bảo Mi (baophapluat.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem