Vị anh hùng đi bán gas

Thứ bảy, ngày 21/12/2013 07:19 AM (GMT+7)
Bỏ lại cuộc đời binh nghiệp lẫy lừng, ông đại tá xe tăng đã trở thành một ông nông dân thức thời. Nhà nào hết gas hay van gas hỏng là ông có mặt thay gas và bảo hành, sửa chữa.
Bình luận 0
Ngày 24.6.2012, cả xã Thái Xuân (Thái Thụy, Thái Bình) vô cùng bàng hoàng khi biết tin, ông bán gas Bùi Quang Thận (64 tuổi), đã chết một cách đột ngột. Chẳng ai ngờ được rằng chính cái ông bán gas vui tính nhiệt tình đó, lại là một chứng nhân lịch sử quan trọng.

Về quê, ông Thận đã bỏ lại sau lưng một quãng đời binh nghiệp đầy hào hùng của mình với một trích ngang ấn tượng: Đồng chí Bùi Quang Thận, sinh ngày 10.10.1948, nhập ngũ tháng 11.1966, quê ở xã Thụy Xuân (Thái Thụy), là người cán bộ ưu tú thuộc thế hệ đầu tiên của Lữ đoàn xe tăng 203. Ông đã từng là trưởng xe, Trung đội phó, Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn trưởng, Chủ nhiệm Tăng- Thiết giáp Quân đoàn. Năm 2000 về hưu với cấp bậc đại tá. Ngày 30.4.1975, ông Bùi Quang Thận chỉ huy Đại đội xe tăng 4 dẫn đầu đội hình xe tăng trong mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 đánh chiếm Sài Gòn. Xe tăng 843 do ông chỉ huy đã húc đổ cổng dinh Độc Lập và ông xông lên cắm lá cờ chiến thắng trên nóc phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn lúc 11giờ 30 phút ngày 30.4.1975, báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Đại tá Bùi Quang Thận kể chuyện lịch sử cho lớp trẻ khi còn sống.
Đại tá Bùi Quang Thận kể chuyện lịch sử cho lớp trẻ khi còn sống.

Trong danh sách 8 vị anh hùng vừa được phong tặng, có lẽ Bùi Quang Thận là người ít tuổi nhất. Trong ký ức về người chồng anh hùng của mình, bà Nguyễn Thị Đót (63 tuổi) nhớ lại: “Nhà tôi chịu khó lắm, năm 2000 về hưu là chẳng nghỉ ngày nào, bắt tay luôn vào làm kinh tế. Ông cứ động viên tôi làm cho vui, nhưng đâu phải, bởi ông luôn nghĩ xa vợ con biền biệt, giờ mới có điều kiện giúp đỡ vợ con”.

Bỏ lại cuộc đời binh nghiệp lẫy lừng, ông đại tá xe tăng đã trở thành một ông nông dân thức thời. Ngoài làm ruộng, ông còn thuê ao nuôi tôm, thả cá. Rồi vợ chồng ông mở thêm cửa hàng bán gas ở quê. Nhà nào hết gas hay van gas hỏng là ông có mặt thay gas và bảo hành, sửa chữa. Lúc đó ông thường bảo: “Thay một van gas hỏng, cái lớn được 5.000 đồng, cái nhỏ cũng 500 đồng đấy. Toàn tiền tươi thóc thật cả! Mình còn khỏe thì phải làm hết sức thôi”. Được cái ông vui vẻ, xởi lởi, lại thoáng tính nên chỉ sau nửa năm, cửa hàng gas của ông đã chiếm được uy tín của bà con trong và ngoài xã.

Sáng 17.12, Lữ đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn 2) đã tổ chức lễ đòn nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông. Bà Đót nói: “Lúc còn sống, đang công tác, chồng tôi cũng đã được đề nghị phong tặng anh hùng rồi, nhưng vì địa phương lại có ý kiến bố chồng tôi vẫn còn mê tín dị đoan nên dừng việc đó lại. Ông Thận cũng buồn lắm nhưng chẳng biết sao được. Còn bây giờ ông đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tôi và các con mừng lắm. Chắc ở dưới suối vàng ông cũng đang mỉm cười chia vui cùng các đồng đội rồi”.

Bà Đót lắng lại, rồi nói thêm: “Với tôi và các con, ông Thận là một người chồng, người cha mẫu mực, hết lòng yêu thương vợ con, sống nghĩa tình với đồng đội đồng chí, chan hòa với họ hàng làng xóm. Ngay sau khi anh trở về, anh đã là anh hùng trong lòng tôi, trong các con và nhiều người dân quê hương tôi đã thừa nhận”.


Gia Tưởng (Gia Tưởng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem