Ứng xử giữa người và người trở nên căng thẳng như ngòi nổ, sẵn sàng bộc phát thành những cơn tức giận dẫn đến gây chết người, mà không vì một lý do cụ thể nào cả. Lý giải sâu xa về điều này, nhà nghiên cứu văn hóa, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm nhìn nhận:
Lý do thứ nhất, trong thời buổi kinh tế thị trường, khi mà vai trò của yếu tố tinh thần, đạo đức mới chỉ dừng lại ở lời nói, ở các văn kiện, thì chủ nghĩa duy vật chất đã lôi kéo con người chạy theo vật chất tầm thường một cách chóng mặt. Kinh tế phải đi cùng với văn hóa; sự giàu có phải đi cùng với bản lĩnh và trí tuệ. Đừng hiểu một cách cơ giới rằng cứ “dân giàu” rồi thì tự nhiên sẽ có “nước mạnh”. Mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn xã hội đều cần phải vừa giàu vừa mạnh. Mạnh phải hiểu là mạnh về vật chất chỉ là phần nhỏ, cái mạnh chính phải là mạnh về trí tuệ, tinh thần, văn hóa. Nếu sống chỉ vì mục đích kiếm tiền, đi làm chỉ vì tiền, thì con người sẽ đi về đâu? Một xã hội mà giá trị vật chất lên ngôi, giá trị tinh thần đi xuống thì sẽ hỗn loạn thế nào?
Hình ảnh phản cảm trong tục "cướp lộc" hoa tre tại hội Gióng (Ảnh: Q.Đô)
Thứ hai, do quản lý kém hiệu quả, pháp luật không nghiêm, người dân mất niềm tin vào bộ máy công quyền, nên khi có việc người ta không đi trình báo công an nữa mà thiên làm theo cách “tự xử”. Trong khi “tự xử”, con người VN ngày càng nhờn thuốc, thấy người khác hung hăng làm bậy mà không bị xử đến nơi đến chốn thì cũng bắt chước làm theo, sẵn sàng đánh lộn, chửi nhau, chém giết nhau… theo một cách rất tự nhiên. Một xã hội mà để cho chủ nghĩa tự nhiên nảy nở là một xã hội đang đứng trước những hiểm họa khó lường.
Nguyên nhân sâu xa nữa, là do cách quản lý không chỉ kém hiệu quả mà còn không công bằng, tạo ra sân chơi không công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, giữa người cùng phe nhóm với người ngoài phe nhóm, giữa người nắm giữ quyền lực hoặc có quan hệ “cánh hẩu” với người nắm giữ quyền lực và dân đen... Tất cả cái sự thiếu công bằng đó đã dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo không chỉ lớn, mà còn rất lớn một cách không bình thường. Nó gây nên sự bất bình từ bên trong, khiến cho thói hung hăng của người Việt càng có đất phát triển, và đó là dấu hiệu cảnh báo theo hướng tiêu cực.
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm
Như ông đã nói, con người ngoài xã hội đang chịu nhiều luồng tác động tiêu cực, nên tính cách cũng trở nên khó kiểm soát, kiềm chế. Tuy nhiên, điều gì đang xảy ra trong ngay cả mỗi gia đình - tế bào của xã hội, khi tình trạng con giết cha, mẹ giết con, người thân xâu xé nhau… chỉ vì chia gia tài, cãi cọ cũng đang tăng lên?
- Bức tranh trong gia đình cũng hoàn toàn tương tự như bức tranh ngoài xã hội. Một khi chủ nghĩa duy vật chất thống trị, thì đồng tiền len lỏi vào từng ngóc ngách gia đình, và quá trình đô thị hóa đang diễn ra ở khắp nơi cũng thúc đẩy các gia đình đi vào những bi kịch tranh chấp. Gia đình đang sống nghèo khổ thì không sao, nhưng hễ có tiền đền bù giải tỏa hay bán đất thì lập tức sẽ có chuyện, cuộc sống gia đình sẽ đầy những tỵ nạnh, ghen ghét, oán thù. Sở dĩ như vậy là vì người Việt thường sống theo cảm tính, nên trong cách sử dụng tài sản, phân chia tài sản, bậc cha mẹ thường dễ bênh đứa này mà đối xử bất công với đứa khác, cho đứa này nhiều hơn đứa khác, mà lại cứ dấu dấu diếm diếm, thiếu minh bạch công khai.
Sự bất công trong gia đình khiến cho những đứa con hư hỏng tranh giành nhau đã đành, mà ngay cả những đứa con xưa nay vốn hiền lành, ngoan ngoãn, hiếu thảo với cha mẹ nhưng do bị quá thiệt thòi sẽ trở nên uất ức. Sự uất ức dồn nén không biết xả vào đâu ấy nếu chẳng may lại bị người ngoài khích bác; bia rượu, ma túy dẫn đường… thì sẽ dễ hiểu vì sao họ có thể “bỗng chốc” trở thành những kẻ máu lạnh, giết người không run tay. Đồng tiền cộng với sự thiếu hiểu biết trong nhận thức, thiếu công bằng trong ứng xử sẽ dẫn đến nhiều hỗn loạn.
Nhìn rộng ra cả xã hội cũng thế. Thời bao cấp tuy nghèo khổ nhưng không đến nỗi băng hoại đạo đức như bây giờ. Chính vì thế, ở đây phải nhìn nhận vai trò quan trọng của pháp luật và sự công bằng trong đối xử. Nếu không đổi mới một cách căn bản tư duy quản lý mà vẫn để cho cách quản lý bất công chi phối, thì việc dân mất niềm tin, bất bình… đi tìm chỗ xả theo kiểu xã hội đen như Đoàn Văn Vươn đã làm, như cách dân giết chết kẻ trộm chó đang làm, là điều vô cùng nguy hiểm.
Ông đang nghiên cứu về việc xây dựng hệ giá trị Việt Nam mới. Công việc đó liên quan tới đề tài chúng ta đang nói đến ở đây như thế nào?
- Hệ giá trị Việt Nam truyền thống đã bị phá vỡ cấu trúc, còn hệ giá trị mới thì đang tự phát hình thành với vô vàn những xung đột, mâu thuẫn. Trách nhiệm của chúng ta là phải tìm hiểu quy luật để tác động một cách có ý thức, giúp cho quá trình thay đổi tính cách người Việt diễn ra nhanh hơn và hiệu quả hơn. Các nước đang phát triển như Đông Nam Á và Trung Quốc đều đã và đang tích cực xúc tiến công việc này.
Trong đó, những nước có hệ thống quản lý chưa hoàn thiện, còn nhiều kẽ hở cho tham nhũng, bất công lộng hành như VN đều có xảy ra tình trạng tội phạm gia tăng tương tự. Chẳng hạn, nhìn sang Trung Quốc, ta thấy người dân ở đó cũng thể hiện tính cách ngày càng hung bạo hơn, vì họ bị chất chứa, chôn sâu quá nhiều uất ức trước những bất công do sự phân hóa xã hội, sự phân hóa vùng miền, sự tham nhũng, cửa quyền, vi phạm dân chủ mà giới quan lại gây nên. Người dân nghèo trở thành nạn nhân trực tiếp của sự suy thoái về đạo đức và lối sống, của tình trạng bạo lực xã hội, sự ô nhiễm môi trường… Người ta ngày càng nói nhiều đến sự bất ổn xã hội, sự xung đột tầng lớp chống lại người giàu.
Xin cảm ơn Giáo sư!
(Theo Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.