Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc có nhiều khó khăn, có một lĩnh vực vẫn đang tăng trưởng tốt: mỹ phẩm.
Sau khi người tiêu dùng Trung Quốc trải qua gần 3 năm bắt buộc đeo khẩu trang cũng như các biện pháp phong tỏa kéo dài trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc dù thận trọng trong việc mua nhà nhưng lại sẵn sàng vung tiền với đồ trang điểm, son môi, nước hoa, sản phẩm dưỡng ẩm và nhiều sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cá nhân khác.
Nhiều doanh nghiệp mỹ phẩm hàng đầu thế giới của Pháp, Nhật, Hàn Quốc và Mỹ lại chưa giành được nhiều cơ hội kinh doanh từ xu thế mới này. Cùng lúc đó, hoạt động kinh doanh của nhiều hãng mỹ phẩm nội địa Trung Quốc tăng trưởng mạnh.
Số liệu thống kê gần đây cho thấy các doanh nghiệp mỹ phẩm ngoại chịu ảnh hưởng tiêu cực như thế nào khi xuất hiện ngày một nhiều đối thủ tại nội địa Trung Quốc. Doanh số bán mỹ phẩm tại Trung Quốc nửa đầu năm tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên tổng nhập khẩu mỹ phẩm ngoại giảm 13,7%.
Mức độ chênh lệch giữa việc doanh số bán mỹ phẩm cao và nhập khẩu suy giảm cho thấy nhiều doanh nghiệp mỹ phẩm Trung Quốc đang "ăn nên làm ra". Công ty mỹ phẩm Proya trụ sở tại Hàng Châu công bố doanh thu nửa đầu năm nay tăng trưởng đến 35% so với cùng kỳ năm trước.
Việc giới chức Trung Quốc siết chặt kiểm soát với các trung tâm kinh doanh hàng miễn thuế ở Hải Nam – Trung Quốc đồng thời ảnh hưởng đến doanh số bán mỹ phẩm quốc tế của nhiều hãng lớn như La Prairie hay Shiseido. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trung Quốc cũng không dám nhập nhiều hàng khi họ còn tồn quá nhiều sản phẩm tại Trung Quốc.
Các thương hiệu mỹ phẩm nội địa Trung Quốc ngày một tăng trưởng mạnh. Số liệu của Euromonitor International cho thấy các thương hiệu mỹ phẩm nội địa Trung Quốc đã tăng trưởng rất mạnh trong khoảng 3 năm gần đây, hiện nhóm các thương hiệu này đã chiếm đến 27% thị phần các sản phẩm chăm sóc da và trang điểm.
Và quy mô thị trường mỹ phẩm Trung Quốc được dự báo không ngừng tăng trưởng. Công ty tư vấn McKinsey dự báo đến năm 2027, Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 1/6 tổng doanh số các sản phẩm làm đẹp toàn cầu.
Sự hạn chế trong hoạt động kinh doanh của nhiều "đại gia" mỹ phẩm ngoại tại Trung Quốc có nguyên nhân trực tiếp từ biện pháp quản lý mới nhất mà giới chức Trung Quốc áp dụng với các doanh nghiệp mỹ phẩm ngoại trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Trong khi xung đột thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây xung quanh vấn đề bán dẫn chủ yếu có liên quan đến an ninh quốc gia cũng như tiến bộ công nghệ, cuộc tranh cãi trong ngành mỹ phẩm chủ yếu xoay quanh vấn đề tiền.
"Tôi đang không hề nói về những vấn đề vặt vãnh, đối với nhiều doanh nghiệp Pháp, Trung Quốc đóng góp khoảng từ 30 đến 35% tổng doanh thu của họ", Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire phân tích.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina M. Raimondo cũng cho biết nước Mỹ muốn tăng cường xuất khẩu các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân vào Trung Quốc.
Trên thực tế, việc hiện thực hóa mục tiêu này không hề dễ dàng. Theo quy định mà phía Trung Quốc đưa ra vào năm 2021, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu mỹ phẩm vào Trung Quốc sẽ phải công bố chi tiết về thành phần mỹ phẩm và tỷ lệ pha trộn chi tiết. Họ cần phải đăng tải chi tiết các thành phần mỹ phẩm cũng như nguồn gốc của loại nguyên liệu càn thiết đó.
Nhiều doanh nghiệp ngoại không khỏi lo sợ về khả năng việc đưa ra chi tiết sản phẩm đến mức độ như vậy sẽ chỉ khiến cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuyên sản xuất hàng giá rẻ sản xuất hàng loạt sản phẩm bắt chước.
Một trong những điều gây tranh cãi nhất mà phía giới chức Trung Quốc đưa ra chính là nhiều loại sản phẩm ví như thuốc nhuộm tóc hay kem bôi chống nắng cần phải được thử nghiệm trên động vật sống trước khi bán cho người tiêu dùng Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp mỹ phẩm toàn cầu đã ngừng việc này từ trước đó.
Để thể hiện quan điểm không hài lòng với quy định từ phía Trung Quốc, giám đốc bộ phận kiểm soát các vấn đề kỹ thuật tại tổ chức ngành ở châu Âu có tên Cosmetics Europe, ông Gerald Renner, nói: "Không những các quy định gây ra nhiều phiền hà cho doanh nghiệp mà khung thời gian đưa ra để áp dụng nó cũng quá ngắn".
Nhiều doanh nghiệp lớn như LVMH hay L'Oreal có đủ nguồn lực để đáp ứng quy định của nhà chức trách. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp mỹ phẩm nhỏ hơn tạm thời ngừng bán hàng sang Trung Quốc cho đến khi quy định được nới lỏng giúp họ đỡ tốn tiền và thời gian hơn.
Chính phủ Pháp, Liên minh châu Âu (EU) và 11 nước xuất khẩu Mỹ phẩm lớn của thế giới dẫn đầu bởi Mỹ và Nhật hiện đang cùng hợp tác trong nỗ lực vận động Trung Quốc rút đi nhiều quy định khắt khe với các sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 4/2023, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã đề cập đến vấn đề này với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Pháp cũng nhắc lại vấn đề này khi ông đến thăm Bắc Kinh vào tháng 7/2203, ông khẳng định rằng ông đã nói rất nhiều về các vấn đề với ngành mỹ phẩm trong các cuộc đối thoại với người đồng cấp Trung Quốc.
Cũng theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire, ông và phía Trung Quốc đã đồng ý thành lập ra một nhóm làm việc để tạo ra bộ tiêu chuẩn chung. Đại diện hai nước dự kiến sẽ có cuộc gặp tại Paris để bàn thảo về vấn đề này trước thời điểm cuối năm nay, tuy nhiên cho đến hiện tại cũng chưa có yếu tố nào đảm bảo các cuộc đối thoại sẽ giúp giải quyết được vấn đề.
Trung Quốc hiện đang là thị trường các sản phẩm làm đẹp lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên việc làm ăn kinh doanh ở Trung Quốc vốn không hề dễ dàng với các doanh nghiệp ngoại.
Suốt nhiều thập kỷ, Trung Quốc bắt buộc phải thử nghiệm phần lớn các loại mỹ phẩm trên động vật dù rằng chính những sản phẩm đó đã được chứng minh an toàn và bán ở nhiều nơi khác. Các thương hiệu mỹ phẩm trên thế giới sẽ bị buộc phải âm thầm thử nghiệm sản phẩm trên động vật hoặc từ bỏ việc xuất hàng vào Trung Quốc.
Cách đây khoảng 10 năm, giới chức Trung Quốc tạm thời ngừng lại việc yêu cầu thử nghiệm trên động vật với nhiều loại mỹ phẩm được sản xuất tại Trung Quốc. Đến năm 2021, Trung Quốc bỏ quy định này với các loại mỹ phẩm ngoại nhập không có khiếu kiện về sức khỏe.
Tuy nhiên Trung Quốc vẫn bắt buộc phải thử nghiệm trên động vật với một số loại mỹ phẩm mà Trung Quốc xếp vào diện "đặc biệt", trong đó bao gồm sản phẩm kem chống nắng cũng như nhiều sản phẩm khác như thuốc nhuộm tóc hoặc kem làm sáng da.
Phó chủ tịch Hội bảo vệ động vật châu Á (PETA), ông Jason Baker, việc thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật bao gồm việc buộc động vật phải nuốt hoặc bôi mỹ phẩm thử nghiệm, hoặc chấp nhận mỹ phẩm bôi lên da hoặc mắt của chúng. Lợn và chuột được sử dụng nhiều nhất cho các mục đích này.
Giám đốc điều hành của Cruelty Free International, ông Michelle Thew, nhấn mạnh Trung Quốc đứng đầu nhóm nước sử dụng động vật nhiều nhất thế giới trong thử nghiệm và nghiên cứu phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Ước tính mỗi năm tại Trung Quốc có đến 20 triệu động vật được sử dụng cho mục đích này.
Ngành kinh doanh các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc sức khỏe quốc tế hiện đang vận động cho việc giảm sử dụng động vật trong thử nghiệm mỹ phẩm bán tại Trung Quốc, với cả hãng nội địa và hãng nước ngoài. Unilever, hãng sở hữu thương hiệu Dove và Vaseline cũng như Dermalogica cho biết đang nỗ lực làm việc với giới chức Trung Quốc để chấm dứt yêu cầu sử dụng động vật để thử nghiệm mỹ phẩm nhập khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.