Vi phạm đo lường sẽ bị phạt đến 2,5 tỷ đồng

Thứ tư, ngày 07/12/2011 06:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng 6.12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo giới thiệu Lệnh của Chủ tịch nước công bố 4 luật vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 2, gồm: Luật Đo lường, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Lưu trữ. Bốn luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2012.
Bình luận 0

Về Luật Đo lường, Bộ trưởng Bộ KHCN - ông Nguyễn Quân cho biết, trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính trong suốt thời gian vi phạm về đo lường lớn hơn mức phạt vi phạm hành chính thì áp dụng mức phạt tiền bằng từ 1 - 5 lần số tiền thu lợi bất chính đó. Mức phạt đặc biệt này sẽ do chủ tịch tỉnh hoặc Chánh Thanh tra Bộ KHCN quyết định.

img
Người dân ấp 2, xã Tam An, Long Thành (Đồng Nai) làm đơn đòi Sonadezi bồi thường việc xả thải bẩn gây hại.

Như vậy, với mức phạt cao nhất về vi phạm hành chính hiện nay là 500 triệu đồng thì vi phạm trong đo lường có thể bị phạt đến 2,5 tỷ đồng. Hiện nay, Quốc hội cũng đang xem xét, thảo luận về Dự thảo Luật Xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao nhất lên đến 2 tỷ đồng thì vi phạm đo lường có thể bị phạt đến 10 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên NTNN về việc khi xây dựng nghị định hướng dẫn, có yêu cầu công bố thông tin về các doanh nghiệp vi phạm về đo lường trên các phương tiện truyền thông hay không, ông Quân cho biết, trong thời gian qua, ngành KHCN đã nhiều lần công bố các sai phạm về chất lượng, đo lường của các DN và sẽ tiếp tục công bố các sai phạm trong thời gian tới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quân không khẳng định đây sẽ là một quy định bắt buộc.

Đối với 2 dự án Luật Tố cáo và Luật Khiếu nại, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, việc tách Luật Khiếu nại và Tố cáo ra làm 2 luật là phù hợp với tính chất riêng biệt của hai hoạt động khiếu nại và tố cáo, tăng cường hoạt động của các cơ quan giải quyết vụ việc.

Theo ông Thanh, Luật Khiếu nại quy định việc khiếu nại đông người là một bước tiến trong công tác xây dựng luật, không né tránh thực tế xã hội. Trong Luật Khiếu nại được thông qua, khiếu nại đông người được quy định theo hướng: Cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại hướng dẫn nhóm đông người cử người đại diện trình bày khiếu nại và yêu cầu người đại diện cung cấp thêm thông tin khi cần thiết.

Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Thanh cho biết, Chính phủ sẽ quy định chi tiết hơn về quy trình tiếp nhận và xử lý khiếu nại đông người. Về lâu dài, việc tiếp nhận thông tin về khiếu nại đông người sẽ tiếp tục được quy định cụ thể trong Dự án Luật Tiếp công dân sẽ được xây dựng trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi “Cơ quan báo chí hiện vẫn tham gia vào quá trình giải quyết KNTC bằng các bài báo điều tra nhưng trong cả 2 luật vừa ban hành lại không đề cập đến vai trò này”, ông Thanh khẳng định, 2 luật này không mâu thuẫn gì với Luật Báo chí và các quy định trong Luật Báo chí không đưa vào 2 luật này để tránh sự trùng lặp. Vì vậy, các cơ quan báo chí vẫn thực hiện đưa tin viết bài về khiếu nại, tố cáo như hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem