Vì sách giáo khoa mới, có nên ồ ạt cho trẻ đi học tiền lớp 1?
Vì sách giáo khoa mới, có nên ồ ạt cho trẻ đi học tiền lớp 1?
Thứ ba, ngày 22/06/2021 13:23 PM (GMT+7)
Nhiều phụ huynh cho biết, năm ngoái học chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới, trẻ rất vất vả khi vào lớp 1 nên đã sớm cho con đi học tiền lớp 1 trong khi giáo viên, nhà quản lý giáo dục khuyên không nên.
Chị Phạm Thị Thuỷ, ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ nỗi lo lắng, từ khi Hà Nội đóng cửa tất cả trường học, trung tâm giáo dục là con chị không được đi học chữ. “Năm ngoái, thấy nhiều phụ huynh kêu, dù đã cho con học trước 2-3 tháng để nhận mặt chữ nhưng khi vào lớp 1 cả gia đình cùng khủng hoảng vì chương trình nặng, con không theo kịp các bạn. Tối nào mẹ con cũng đánh vật với nhau đến 10 giờ đêm. Vì thế, để giúp con tự tin, mình cho con học chữ trước khi vào năm học mới nửa năm”, chị Thuỷ nói.
Theo chị Thuỷ, con theo một lớp của cô giáo gần nhà. Lớp chỉ chừng 5-6 bạn, mỗi tuần học 3 buổi, mỗi buổi 150.000 đồng. Do cô giáo phải dạy học cả ở trường nên con phải học 2 buổi cuối tuần và 1 buổi tối. Trước khi nghỉ vì dịch COVID-19, con đã biết đọc và làm những phép tính đơn giản. Những ngày lớp học đóng cửa, để con không quên bài, mỗi ngày chị đều ra bài tập cho con luyện viết.
Không riêng chị Thuỷ, trên diễn đàn mạng, nhiều phụ huynh cho biết, năm ngoái học sinh lớp 1 bắt đầu học SGK mới, cả bố mẹ và con rất căng thẳng vì chương trình nhanh, áp lực. Học sinh lớp 1, học cả ngày trên trường nhưng tối về ôn bài vẫn căng thẳng như cuộc chiến. Không muốn gây áp lực cho con, nhiều phụ huynh lựa chọn phương án cho trẻ học tiền lớp 1 để biết trước, không bở ngỡ khi vào lớp 1.
Trước khi nghỉ dịch COVID-19, tại Hà Nội nhiều trung tâm luyện chữ, giáo viên đăng thông tin tuyển học sinh theo các khoá tiền lớp 1. Trong đó, các khoá học được giới thiệu từ 3 tháng đến nửa năm, trung tâm cam kết học sinh biết đọc, biết viết, biết làm toán.
Thậm chí, có trường còn tận dụng thời gian hè để tuyển sinh khoá “Hành trang vào lớp 1” trong thời gian 2 tuần với chi phí lên tới 15 triệu đồng như trường Victoria (Hà Đông). Trường này quảng cáo, trẻ tham gia khoá học sẽ được học kiến thức cơ bản tiền lớp 1 gồm: kiến thức về kỹ năng sống, kiến thức đơn giản về Tự nhiên – Xã hội, kiến thức chuẩn bị cho việc học Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh lớp 1.
Ngoài ra, trẻ được hình thành kỹ năng thiết yếu để bước vào lớp 1 như: Kỹ năng chào hỏi, giới thiệu bản thân; Kỹ năng nói lời cảm ơn, xin lỗi; Phép tắc trong việc xin – cho; Kỹ năng chơi với bạn; Kỹ năng tham gia hoạt động tập thể; Tính kỷ luật trong lớp học.
Các kỹ năng học tập như: ngồi học đúng tư thế, phát âm Tiếng Việt, Tiếng Anh…Trường này đăng thông tin tuyển sinh sớm để hút phụ huynh dịp hè, trước thềm năm học mới tuy nhiên dịch COVID-19 ập đến, thời điểm này các khoá học chưa thể triển khai.
Giảm hứng thú khi vào lớp 1
Có hơn 15 năm là giáo viên lớp 1, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, năm ngoái, năm đầu tiên thực hiện chương trình, SGK mới, cô trò chỉ gặp khó khăn 1-2 tháng đầu thực hiện.
Sau đó, giáo viên được hoàn toàn chủ động kế hoạch bài học, ví dụ như bài Tiếng Việt chỉ 1 tiết nhưng học sinh chưa nắm được, cô trò có thể thực hiện 2 tiết, thậm chí ôn tập thêm để tất cả các em đều nắm được bài. SGK mới, thiết kế tăng tốc âm vần, thúc đẩy khả năng học sinh biết đọc, biết viết sớm hơn chương trình cũ nhưng giáo viên được linh hoạt dạy học nên không gây áp lực với học sinh. Do đó, cô Huyền khuyên, phụ huynh không cần thiết cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1.
Cũng theo cô giáo này, những năm trước vẫn có tình trạng phụ huynh cho con học chữ trước, thậm chí có những em vào lớp 1 đã đọc thông, viết thạo, làm toán nhoay nhoáy. Những trường hợp này khi vào lớp, thấy cô giáo dạy lại từ A,B,C… các em đã biết nên quay sang nói chuyện, trêu chọc bạn thậm chí giảm hứng thú khi học.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội nói rằng, những năm trước, kết thúc kỳ nghỉ hè, các trường ngoài công lập tập trung học sinh từ đầu tháng 8. Khi đó, trường có khoảng 1 tháng trước khi vào năm học để cô trò làm quen, rèn nề nếp, thậm chí ôn tập, cũng cố kiến thức trước khi vào năm học mới.
Điều này tương tự với học sinh lớp 1, các em có quãng thời gian để làm quen với nề nếp, thời khoá biểu mới, khác hoàn toàn với học mẫu giáo trước đó. Thời gian đó, giáo viên cũng cho trẻ làm quen với kiến thức cơ bản nhất làm hành trang vào lớp 1 nên cô trò sẽ không gặp khó khăn. Do đó, theo thầy Khang, phụ huynh, học sinh không cần thiết cho trẻ 5 tuổi phải đi học chữ, luyện viết trước năm học.
Tuy nhiên, từ năm ngoái, do dịch bệnh, học sinh nghỉ hè muộn, các trường bắt đầu năm học từ đầu tháng 9, trong năm học lại buộc phải đóng cổng trường, học trực tuyến, do đó việc học trong năm có phần bị gián đoạn. Đến thời điểm này, đa số trường tiểu học vẫn chưa thể thực hiện bài kiểm tra học kỳ II để tổng kết năm học, đánh giá chất lượng học sinh sau một năm thực hiện đổi mới chương trình, SGK.
Về vấn đề nên cho trẻ học chữ trước lớp 1 hay không, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) từng khẳng định, phụ huynh không nên chạy đua, cho trẻ học chữ, luyện viết trước khi vào lớp 1.
“Quy định đúng 6 tuổi trẻ mới bước vào lớp 1 có cơ sở khoa học về việc phát triển của trẻ. Khi đó, xương bàn tay của trẻ đủ cứng để cầm bút, luyện viết. Nếu phụ huynh cho trẻ đi học quá sớm không khác nào ép trái cây chín non”, ông Tài nói.
Về chương trình, SGK mới, năm ngoái sau thời gian thực hiện 1-2 tháng gặp khó khăn, giáo viên được hướng dẫn linh hoạt điều chỉnh nội dung dạy học đảm bảo phù hợp với năng lực học sinh. Làm sao, đảm bảo chuẩn đầu ra cho từng môn học khi kết thúc năm học.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.