Xin được nhắc lại diễn tiến sự việc, cách đây ít ngày đội bóng đá nữ Việt Nam đã từ chối nhận 500 triệu đồng từ Công ty Đức Giang. Lãnh đạo công ty này cho rằng do không được cung cấp danh sách chia thưởng của đội nên đã không đồng ý chuyển khoản qua tài khoản cá nhân của bà Trần Thị Bích Hạnh cũng như tài khoản của VFF.
ĐT nữ Việt Nam.
Sau đó dù đã hẹn đến đội để trao tiền mặt vào ngày 10/1 (ngày đội được công ty trao biển tặng tiền vào ngày 16/12/2019), nhưng đại diện của Công ty Đức Giang đã không có mặt tại buổi tập của đội. Đến ngày 13/1, lãnh đạo đơn vị này đã cầm tiền đến trụ sở VFF tại Hà Nội nhưng đội đã khước từ. Sau đó rộ lên thông tin lãnh đạo Công ty Đức Giang đã giải thích trong đó có ý rằng, tiền không thể chuyển khoản qua tài khoản của cá nhân.
“Toàn đội thống nhất ủy quyền bà Hạnh nhận tiền”
VFF đã nêu quan điểm chính thức: Các phần thưởng bằng tiền được trao cho đội tuyển qua các hình thức: chuyển khoản tới VFF và sau đó VFF sẽ thay mặt các đơn vị để chuyển khoản đến từng thành viên của đội tuyển; trao tiền mặt trực tiếp cho đội tuyển hoặc chuyển khoản đến tài khoản của một thành viên do đội tuyển ủy quyền, sau đó thành viên này sẽ chuyển đến tất cả các thành viên đội tuyển theo thang điểm được toàn đội thống nhất.
Trong trường hợp các đơn vị chuyển khoản đến đội tuyển, đội sẽ ủy quyền cho một cá nhân thay mặt để nhận tiền thưởng. Riêng đội tuyển nữ quốc gia, HLV Mai Đức Chung cho biết: “Đội nhất trí ủy quyền cho chị Trần Thị Bích Hạnh, là cán bộ chuyên môn của đội tuyển và cũng là cán bộ Phòng Đội tuyển quốc gia VFF, sẽ thay mặt đội tuyển tiếp nhận tiền thưởng. Việc này toàn đội đã thống nhất, số tiền nhận được cũng luôn được cập nhật và giám sát bởi toàn đội, hoàn toàn công khai minh bạch. Toàn bộ các khoản tiền thưởng được các thành viên của đội tuyển họp thống nhất mức chia cho từng cá nhân dựa trên đóng góp của cá nhân đó vào thành tích chung của đội”.
Chia sẻ với Báo Thanh Niên, một luật sư cho biết: “Đội tuyển nữ không có tư cách pháp nhân nên không có con dấu riêng và cũng không được phép lập tài khoản. Đó là quy định của pháp luật. Nhưng pháp luật cho phép đội bóng đá nữ được chỉ định và ủy quyền cho bất kỳ cá nhân nào trong đội được nhận khoản tiền từ ngoài chuyển vào. Sự ủy quyền này được thống nhất và bàn bạc trong đội. Sau đó cá nhân đó phải có trách nhiệm chuyển lại tiền cho đội”.
Còn trong bản tin của mình, VFF cũng đã dẫn lời Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh: “Việc đánh giá mức độ đóng góp của từng cá nhân, hơn ai hết tập thể đội tuyển nắm rõ nhất. Nguyên tắc chia thưởng được đội tuyển áp dụng nhiều năm nay và luôn nhận được sự thống nhất cao trong các thành viên của đội tuyển. Việc chia thưởng diễn ra rất dân chủ. VFF tôn trọng quyết định của tập thể các đội tuyển và không can thiệp vào việc chia thưởng này”.
Vì sao bà Hạnh được A- ?
Thêm một vấn đề nữa được đặt ra ở đây là tại sao bà Trần Thị Bích Hạnh là cán bộ của VFF lại có tên trong danh sách của đội tuyển nữ. Theo một quan chức khác của VFF, tại SEA Games 30, mỗi đội tuyển bóng đá chỉ được đăng ký với ban tổ chức nước chủ nhà 29 người. Vì khối lượng công việc rất lớn nên ngoài danh sách 29 thành viên như trong danh sách của đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 30, VFF đã có những quyết định bổ sung nhân sự cho cả hai đội. Theo đó, đội nam vì cần thêm trợ lý về băng hình, phiên dịch tiếng Anh, hỗ trợ kỹ thuật... nên đã được bổ sung thêm 11 người. Đội nữ được bổ sung thêm 5 người, trong đó có bà Trần Thị Bích Hạnh. Bà Hạnh được giao nhiệm vụ lo các công tác hậu cần cho đội và chính thức được coi như một thành viên trong đội theo quyết định của VFF (VFF chi trả chi phí vé máy bay, lo ăn ở cho 11 thành viên bổ sung của đội U.22 và 5 thành viên bổ sung của đội nữ).
Việc bà Hạnh có tên trong danh sách chia thưởng và được xếp lại A- đã gây thắc mắc lớn trong dư luận (loại A- có 9 người, trong đó ngoài bà Hạnh còn có 6 trợ lý gồm Đoàn Thị Kim Chi, Đoàn Minh Hải, Vũ Bá Đông, Nguyễn Anh Tuấn, Lê Tuấn Long, Nguyễn Thị Kim Hồng và 2 cầu thủ dự bị Nguyễn Thị Vạn, Nguyễn Thị Liễu). Thậm chí có nguồn tin cho biết bà Hạnh được thưởng 1 tỉ đồng giống với 8 thành viên còn lại. Cao hơn một số cầu thủ chỉ đá một trận tại SEA Games 30 hoặc được vào thi đấu gần cuối hiệp 2 (có 3 cầu thủ được xếp loại B với 7 điểm gồm Khổng Thị Hằng, Hoàng Thị Loan, Vũ Thị Nhung) hoặc đá khoảng 3 phút (2 cầu thủ xếp loại B-) hay không đá phút nào (1 cầu thủ được xếp loại C).
Chúng tôi đã đặt câu hỏi cho HLV Mai Đức Chung: “Liệu có bất công cho cầu thủ không khi bà Hạnh được thưởng cao hơn?”. Ngày 16/1, HLV Mai Đức Chung cho biết: “Chúng tôi luôn bình bầu và nhận xét cá nhân một cách trung thực nhất, khách quan nhất. Cuộc họp có ban huấn luyện và ban cán sự đội gồm đội trưởng Huỳnh Như, hai đội phó Chương Thị Kiều và Vũ Thị Nhung. Tôi nói với các cầu thủ, các con cứ lựa chọn thật kỹ, sáng suốt, với những ai xứng đáng, các con cứ đề xuất. Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ ép cầu thủ hay ép bất kỳ ai trong đội phải bầu như thế nào. Đó là việc tôi hết sức tránh và cũng không bao giờ tôi có tư tưởng đó. Việc bầu như thế nào diễn ra dân chủ và được sự đồng thuận cao. Nói chị Hạnh được 1 tỷ là không đúng. Như tôi còn không được 1 tỷ đồng”.
Được biết, có 12 thành viên xếp loại A với 10 điểm, được gần 600 triệu đồng gồm 11 cầu thủ trong đội hình chính tại SEA Games là Huỳnh Như, Chương Thị Kiều, Nguyễn Thị Tuyết Dung, Trần Thị Kim Thanh, Nguyễn Thị Xuyến, Dương Thị Vân, Phạm Hải Yến, Phạm Thị Tươi, Thái Thị Thảo, Trần Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thị Bích Thùy cùng HLV Mai Đức Chung. Còn mức A- khoảng gần 500 triệu đồng. |
Nhật Duy (Thanh Niên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.