Vì sao cần phải nhanh chóng mở lại đường bay thương mại quốc tế?
Vì sao cần phải nhanh chóng mở lại đường bay thương mại quốc tế?
Thế Anh
Thứ tư, ngày 16/09/2020 11:10 AM (GMT+7)
Chuyên gia kinh tế đánh giá, mở lại đường bay thương mại quốc tế khi dịch Covid-19 kiểm soát tốt là phù hợp quan điểm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, chống dịch nhưng không để gãy đổ phần đầu tư thương mại.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại cuộc họp ngày 8/9 về việc cho phép tổ chức các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và một số đối tác.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đồng ý phương án nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam và một số đối tác theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải.
Từ ngày 15/9/2020, nối lại các đường bay: Việt Nam-Trung Quốc (Quảng Châu), Việt Nam-Nhật Bản (Tokyo), Việt Nam-Hàn Quốc (Seoul), Việt Nam-Đài Loan, Trung Quốc (Đài Bắc); từ ngày 22/9/2020, nối lại các đường bay: Việt Nam-Campuchia (Phnom Penh), Việt Nam-Lào (Vientiane).
Các chuyến bay thương mại quốc tế có tần suất không quá 2 chuyến/tuần cho mỗi bên và mỗi đối tác (số lượng các chuyến bay sẽ xem xét tăng thêm phù hợp với tình hình thực tế). Việc nối lại các đường bay được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại đối với các đối tác về tổng số người trên các chuyến bay, việc thu phí và các điều kiện nhập cảnh khác; Điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại từ 6 địa bàn trên (không bao gồm người quá cảnh từ nước thứ ba).
Trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam và một số nước, thì việc mở lại đường bay thương mại quốc tế được đánh là một bước ngoặt, là chiếc "phao cứu sinh" đối với ngành hàng không và nền kinh tế đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn và thách thức.
Cũng mới đây nhất, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 11/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo các hãng hàng không xem xét mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với một số quốc gia, khu vực. Trong đó, xem xét tổ chức các chuyến bay riêng cho người quá cảnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia… về Việt Nam.
Đây cũng là một tin vui đối với các hãng hàng không Việt Nam, đại diện hãng hàng không Vietjet cho biết: "Việc mở lại đường bay quốc tế vào thời điểm này là phù hợp với tình hình thực tế, là mở cửa cho sự phát triển, mở cửa cho hoạt động đầu tư"̛.
Chia sẻ về chi phí cho mỗi chuyến bay, đại diện Vietjet cho hay: "Chi phí cho những chuyến bay này rất lớn và rất nhiều chuyến chúng tôi phải bay rỗng một chiều. Tuy nhiên, chúng tôi không xác định doanh thu từ những chuyến bay giải cứu mà xác định đây là trách nhiệm, là nhiệm vụ của hãng đối với đất nước, đối với đồng bào".
Trao đổi với Dân Việt về việc mở lại đường bay thương mại quốc tế, TS. Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, mở cửa lại đường bay đối với những nước có nguồn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đưa chuyên gia, doanh nhân sang để hỗ trợ cho mặt công việc là rất cần thiết.
Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư ở khu vực Hàn Quốc, Nhật Bản muốn vào các dự án ở khu vực không bị ảnh hưởng của dịch như Bình Định, Phú Yên... Thế nhưng, cơ chế chưa cho phép khiến công tác đầu tư phần nào đó bị trì trệ. Do đó, mở lại đường bay lúc này phù hợp quan điểm thực hiện mục tiêu kép của Chình phủ, chống dịch nhưng không để gãy đổ phần đầu tư thương mại.
Ví dụ như Hàn Quốc, hiện nay Hàn Quốc có rất nhiều dự án đang làm ở Việt Nam, số lượng nguồn lực đầu tư rất lớn. Tôi lo nhiều hơn cho mảng công nghiệp, chứ không chỉ riêng ngành hàng không và du lịch. Vì ngành công nghiệp khi mở lại đường bay thương mại quốc tế sẽ đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế về mặt thương mại, kinh doanh sản xuất, xuất nhập khẩu, du lịch", ông Lịch cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.