Mặc dù cho đến nay, người ta vẫn chưa có chứng cứ xác thực nào về sự sống ngoài Trái đất, nhưng dù là quá khứ hay hiện tại thì khả năng tồn tại sự sống trên hành tinh đỏ, được cho là hành tinh giống Trái Đất nhất trong Hệ Mặt trời, là vô cùng lớn.
Ví dụ như cấu trúc bên trong của sao Hỏa. Quan trọng nhất là nó cũng có nước mặc dù phần lớn vẫn trong tình trạng băng đá vĩnh cửu dưới bề mặt.
Theo tờ Universe Today, các nhà khoa học đã tìm ra khá nhiều điểm tương đồng đến ngạc nhiên giữa hai hành tinh này như về cấu trúc bên trong hay sự tồn tại của nước.
Thời gian một ngày
Điểm đáng chú ý nhất là so với các hành tinh khác trong hệ Mặt trời, một ngày trên sao Hỏa gần giống một ngày trên Trái đất nhất. Ví dụ một ngày ở sao Kim tương đương 116 ngày và 18 giờ ở Trái đất. Trong khi đó, một ngày trên hành tinh đỏ dài hơn khoảng 40 phút so với một ngày trên Trái đất.
Theo định nghĩa, một ngày sao được đo là khoảng thời gian mà một hành tinh cần để hoàn thành một vòng tính từ sự xuất hiện của nó trên bầu trời đêm. Với Trái đất, thời gian chính xác là 23 giờ, 56 phút và 4,1 giây, và sao Hỏa là 24 giờ, 37 phút và 22 giây.
Trong khi đó, tính theo ngày mặt trời thì ngược lại. Đó là khoảng thời gian cần để Trái đất xoay quanh mình nó để Mặt trời xuất hiện đúng một vị trí trên bầu trời.
Vị trí này thay đổi một chút mỗi ngày do đó trên Trái đất một ngày mặt trời trung bình giao động dài 24 giờ. Trên sao Hỏa con số này là 24 giờ 39 phút và 35 giây.
Nếu làm tròn, người ta thường nói rằng một ngày trên Trái đất dài 24 giờ và trên sao Hỏa là 24 giờ 40 phút.
Mùa trong năm
Sao Hỏa cũng có chu kỳ mùa tương tự Trái đất. Điều này có được một phần là do sao Hỏa cũng có một trục nghiêng với góc là 25,19 độ so với mặt phẳng quỹ đạo của nó (độ nghiêng này của Trái đất là 23,44 độ).
Khoảng cách giữa hành tinh đỏ và Mặt trời giao động trong khoảng 206,7 triệu - 249,2 triệu km.
Sự thay đổi trong khoảng cách này gây ra sự khác biệt về nhiệt độ. Trong khi nghiệt độ trung bình của hành tinh này là âm 46 độC, với giao động từ âm 143 độC vào mùa đông ở các cực tới 35 độC vào mùa hè ở xích đạo. Khoảng nhiệt độ này cho phép nước vẫn có thể chảy trên bề mặt sao Hỏa.
Một điểm đặc biệt về thời tiết ở đây nữa là trên sao Hỏa vẫn có tuyết. Vào năm 2008, khi robot thám hiểm hành tinh đỏ Phoenix Lander của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA tìm thấy nước đóng băng ở các vùng cực.
Việc xuất hiện tuyết cùng với các thí nghiệm hóa học địa chất khiến các nhà khoa học tin rằng trong quá khứ nơi đây từng tồn tại khí hậu ấm và ẩm ướt hơn.
Thông tin thu được vào năm 2012 cho thấy tuyết CO2, từng rơi ở cực nam của hành tinh đỏ. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã biết rằng băng CO2 xảy ra theo chu kỳ mùa tại đó và tồn tại ở cực nam. Đây là ví dụ duy nhất về việc phát hiện tuyết CO2 rơi.
Ngoài ra, các cuộc khảo sát gần đây do Tàu Quỹ đạo Trinh sát Sao Hỏa MRO, phòng thí nghiệm nghiên cứu sao Hỏa thực hiện đã tiết lộ nhiều bí mật đáng ngạc nhiên về quá khứ ở nơi này.
Qua phân tích mẫu đất và quan sát quỹ đạo phát hiện bằng chứng thuyết phục rằng khoảng 3,7 tỷ năm trước, nước có tồn tại trên bề mặt ở đây, thậm chí còn nhiều hơn cả Đại Tây Dương ở Trái đất hiện nay.
Thời tiết
Tương tự Trái đất, sao Hỏa có thời tiết khá khắc nghiệt. Bão bụi là thiên tai xuất hiện nhiều ở hành tinh đỏ này. Cơn bão bao trùm toàn bộ hành tinh, ngăn chặn việc quan sát trực tiếp bề mặt sao Hỏa.
Năm 1971, tàu thăm dò Mariner 9 đã gửi hình ảnh về Trái đất cho thấy toàn bộ hành tinh sao Hỏa bị bao phủ bởi một cơn bão bụi khổng lồ.
Khi đó, mây chỉ xuất hiện ở trên đỉnh ngọn núi lửa Olympus Mons cao 24 km. Cơn bão kéo dài trong một tháng và cản trở việc Mariner 9 chụp hình chi tiết hành tinh đỏ.
Một điểm chung nữa giữa Trái đất và sao Hỏa chính là cả hai đang phải hứng chịu hiện tượng ấm lên.
Hoàng Dung (soha)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.