Vì sao đặc nhiệm Mỹ cứu hụt nhà báo con tin ở Yemen?

Thứ sáu, ngày 05/12/2014 11:10 AM (GMT+7)
Quan chức Mỹ tranh cãi xung quanh thất bại của lực lượng đặc nhiệm trong chiến dịch đột kích táo bạo giải cứu nhà báo bị bắt làm con tin ở Yemen hồi tháng 11 vừa qua.
Bình luận 0

Ngày 4/12, các quan chức Mỹ đã chính thức thừa nhận rằng lực lượng đặc nhiệm của nước này đã giải cứu hụt một con tin người Mỹ bị phiến quân Yemen bắt cóc, và hậu quả là tính mạng của con tin này hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Hôm thứ Tư, phiến quân al Qaeda ở Yemen đã tung một video lên mạng đe dọa vào cuối tuần này sẽ sát hại con tin Luke Somers, một nhà báo Mỹ 33 tuổi bị bắt cóc ở nước này cách đây hơn một năm. Đoạn video này được tung ra sau khi có thông tin đặc nhiệm Mỹ đã tổ chức một cuộc đột kích táo bạo nhưng không thể giải cứu được Somers.

img Phiến quân Yemen đe dọa sẽ sát hại nhà báo Somers vào cuối tuần này

 

Theo các quan chức Mỹ, họ đã thu được thông tin tình báo về địa điểm giam giữ Somer khoảng một tuần trước khi Lầu Năm Góc bật đèn xanh cho chiến dịch giải cứu mạo hiểm vào hồi tháng trước. Đặc nhiệm SEAL 6 của Mỹ phối hợp với quân đội Yemen đã đột kích vào một hang động, cứu được một số con tin nước ngoài, nhưng Somer đã bị phiến quân chuyển đi trước đó.

Giới chức Mỹ cho hay, chỉ vài giờ ngay trước khi kế hoạch giải cứu được trình lên Lầu Năm Góc phê duyệt, phiến quân đã di chuyển ít nhất 2 con tin ra khỏi hang động. Tuy nhiên các quan chức tình báo Mỹ tin rằng Somers đã không bị di chuyển và vẫn bị giam ở trong hang.

Khi đặc nhiệm Mỹ và biệt kích Yemen ập vào hang động này hôm 25/11 và đấu súng với phiến quân, họ giải cứu được 8 con tin, chủ yếu là người Yemen, nhưng nhà báo Somers không có ở đó. Đặc nhiệm Mỹ buộc phải rút quân mà không đạt được mục tiêu đề ra.

Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng đặc nhiệm Mỹ giải cứu hụt con tin từ tay phiến quân. Hồi mùa hè vừa qua, đặc nhiệm Mỹ cũng đã thất bại trong chiến dịch giải cứu nhà báo James Foley vì anh này bị phiến quân chuyển đi chỗ khác trước khi đặc nhiệm ập tới.

Các quan chức Mỹ tin rằng chính những chậm trễ trong khâu lên kế hoạch và chờ phê duyệt kế hoạch cũng như thông tin tình báo không đầy đủ đã khiến chiến dịch giải cứu con tin của đặc nhiệm Mỹ liên tiếp thất bại hai lần chỉ trong vòng 6 tháng.

Tình báo Mỹ bắt đầu nhận được thông tin về việc nhà báo Somers bị giam trong một hang động ở vùng hẻo lánh của Yemen từ hôm 17/11. Thông tin tình báo này ban đầu bị đánh giá là mơ hồ, nhưng họ vẫn lên kế hoạch, và dần dần các quan chức tình báo quân đội ngày càng tin chắc về địa điểm giam giữ Somers.

img Phiến quân al Qaeda ở Yemen

Đến ngày 21/11, tình báo Mỹ biết được rằng ít nhất 2 con tin đã được chuyển ra khỏi hang, nhưng nguồn tin không thể biết được Somers có nằm trong số này hay không. Thế nhưng các quan chức tình báo lại tin rằng nhà báo này vẫn bị nhốt trong hang.

Kế hoạch giải cứu Somers được trình lên Lầu Năm Góc vào buổi sáng ngày 21/11. Các nhà hoạch định kế hoạch nói rằng họ sẽ thực hiện nhiệm vụ bằng một cuộc đột kích vào ngay đêm hôm sau nếu kế hoạch được thông qua.

Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân James Winnefeld xem xét kế hoạch một cách chóng vánh và phê chuẩn rồi chuyển sang cho Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel vào 4 giờ chiều hôm đó.

Ông Hagel lập tức phê chuẩn kế hoạch hành động rồi gửi sang cho Nhà Trắng để bộ phận chống khủng bố xem xét. Đến chiều 22/11, trưởng phòng chống khủng bố của Nhà Trắng Lisa Monaco tổ chức một cuộc họp thảo luận về cuộc đột kích.

Cuối buổi họp, bà Monaco tuyên bố rằng Nhà Trắng sẽ ra quyết định sau khi nhận được phê chuẩn bằng văn bản của các thành viên trong Hội đồng An ninh Quốc gia, và việc phê chuẩn này phải đến 10 giờ sáng ngày hôm sau mới thực hiện xong.

Sau khi Hội đồng An ninh Quốc gia phê chuẩn, kế hoạch giải cứu Somers được Tổng thống Barack Obama thông qua, chính thức “bật đèn xanh” cho đặc nhiệm hành động”.

Nhiều quan chức tin rằng Somers có thể đã được cứu nếu kế hoạch này được soạn thảo và thông qua nhanh chóng hơn. Một quan chức Mỹ nói: “Những kế hoạch liên quan đến chuyện sống chết của con người như thế này cần phải được vạch ra và thông qua trong vài giờ chứ không phải trong nhiều ngày như vậy”.

img Đặc nhiệm SEAL của Mỹ hai lần cứu hụt con tin chỉ trong 6 tháng (Ảnh minh họa)

 

Trong khi đó, một số quan chức khác lại cho rằng việc thông qua kế hoạch sớm hay muộn không có ý nghĩa quá nhiều trong chiến dịch giải cứu Somers, bởi thông tin tình báo mà họ nhận được quá mơ hồ.

Các quan chức này tin rằng Somers có thể chưa bao giờ bị giam trong hang động đó, cũng có người cho rằng nhà báo này đã bị bí mật chuyển đi mà tình báo Mỹ không hề hay biết.

Đô đốc John Kirby, người phát ngôn Lầu Năm Góc khẳng định rằng quy trình ra quyết định của quân đội Mỹ đối với các chiến dịch giải cứu con tin được thực hiện rất khẩn trương. Ông nói: “Các chiến dịch này đi từ lý thuyết tới hành động rất chóng vánh. Mỗi chỉ huy trong chiến dịch đều hiểu rõ nguy cơ và triển vọng của nó”.

Bà Bernadette Meehan, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia cũng lên tiếng bảo vệ quy trình phê chuẩn và ra quyết định của Nhà Trắng. Bà nói: “Ngay sau khi chính phủ Mỹ nhận được thông tin tình báo đáng tin cậy và một kế hoạch rõ ràng, Tổng thống đã chấp thuận để Bộ Quốc phòng thực hiện chiến dịch đột kích giải cứu Somers.”

Quan chức này nhấn mạnh: “Tổng thống Obama đã phê chuẩn chiến dịch đột kích này dựa trên những đề nghị được nhất trí cao của các thành viên trong đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia của ông”.

Trí Dũng (Theo WSJ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem