Vì sao xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc còn khó hơn thị trường Mỹ?
Vì sao doanh nghiệp nói xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc còn khó hơn thị trường Mỹ?
Trần Quang
Thứ sáu, ngày 21/01/2022 11:54 AM (GMT+7)
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (Công ty Chánh Thu) cho hay: Trong xuất khẩu trái cây, nông sản thì thị trường Trung Quốc có khi còn khó hơn thị trường Mỹ nên bản thân các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cần phải thay đổi tư duy Trung Quốc là thị trường dễ tính ngay lập tức.
Bà Tường Vy cho biết, thực ra cũng không biết là may mắn hay là do DN chủ động, Chánh Thu không chịu nhiều tác động trực tiếp từ đợt ùn ứ nông sản lớn nhất vừa qua.
Chánh Thu đã có hơn 20 năm xuất khẩu sang Trung Quốc, từ trái chôm chôm tới nhãn. Chúng tôi có nhiều bài học kinh nghiệm trong giao thương mua bán như thế nào để có được an toàn cho DN.
5 năm trở lại đây, chúng tôi bán cho Trung Quốc hàng sau khi xuất khẩu tại xưởng được thanh toán 100%, có thể là do chúng tôi có thương hiệu, có uy tín,… đó là những yếu tố tạo lợi thế cho DN.
Tuy nhiên, chúng tôi chịu ảnh hưởng gián tiếp, đó là rủi ro từ đầu ra sản phẩm khi sức tiêu thụ giảm và đứt gãy chuỗi liên kết khiến, DN bị ảnh hưởng lớn.
"Nhiều DN đang xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch", Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu cho rằng các DN cần thay đổi tiêu chuẩn rất mạnh mẽ, nếu không chủ động đáp ứng những thay đổi về tiêu chuẩn hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ là rào cản lớn nhất đối với xuất khẩu nông sản vào thị trường này. Vấn đề ở đây là, nông sản của chúng ta có đáp ứng được các tiêu chuẩn mà Trung Quốc sắp đặt ra hay không?
"Tôi cho rằng thị trường Trung Quốc còn khó hơn thị trường Mỹ, chúng ta phải thay đổi tư duy Trung Quốc là thị trường dễ tính ngay lập tức. Thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính mà là thị trường khó tính. Tôi mong muốn điều này được lan tỏa mạnh mẽ, để Chính quyền địa phương, DN, nông dân thay đổi tư duy, tạo tính chủ động về nguồn hàng, đây là thời điểm tốt nhất để nông sản Việt Nam thay đổi chiến lược để xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới", bà Tường Vy khẳng định.
Theo đại diện doanh nghiệp Chánh Thu, chúng ta hay lo sợ sản phẩm nông sản không có đầu ra, nhưng điều mà chúng ta phải nhìn thấy rất nhiều DN thiếu nguyên liệu đầu. Đây là mấu chốt.
Lãnh đạo doanh nghiệp Chánh Thu lấy ví dụ, đối với các sản phẩm đặc thù như sầu riêng, chanh dây – đây là sản phẩm lợi thế của Việt Nam nhưng để chủ động trong xuất khẩu, đạt yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường, phải mạnh dạn cho DN mở rộng được thị trường, quy hoạch nguồn nguyên liệu theo đúng tiêu chuẩn xuất khẩu.
"Đây là vấn đề chúng ta cần nhanh chóng tháo gỡ, để chủ động ứng biến được với những thay đổi theo nhu cầu thị trường. Việt Nam cần khảo sát nhu cầu thị trường để quy hoạch nguồn nguyên liệu phù hợp", bà Tường Vy nói.
Chủ động nguyên liệu đầu vào
Thời gian qua, Chánh Thu đã chủ động đối với nguyên liệu đầu vào. Như 3 năm trước, sầu riêng rất mờ nhạt tại Mỹ, người Mỹ chỉ biết đến sầu riêng đông lạnh của Singapore hoặc các thị trường khác nhưng khi Chánh Thu thay đổi hình ảnh về trái sầu riêng và tiêu chuẩn thì bây giờ sầu riêng đông lạnh của Chính Thu cũng đã chiếm lĩnh được thị trường Mỹ.
Mở rộng thị trường không chỉ mẫu mã, ăn ngon là mà an toàn cho sức khỏe, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.
Bà Tường Vy tự tin: Chúng tôi xây dựng tiêu chuẩn rất cao nhất cho an toàn thực phẩm. Theo đó, Chánh Thu tiếp tục đầu tư nhà máy bởi ngoài chất lượng còn số lượng để bước vào chuỗi hệ sống tiêu thụ lớn.
Chúng tôi chuyên xuất khẩu trái cây tươi và đông lạnh sang Mỹ, Mỹ áp dụng truy xuất vùng trồng cho tất cả các loại trái cây, nên chúng tôi có 8 năm kinh nghiệm, do đó việc truy xuất của Trung Quốc là vẫn đề đơn giản với DN.
Đại diện doanh nghiệp Chánh Thu cũng chỉ ra thực trặng hiện rất nhiều địa phương cũng như HTX, nông dân đang mập mờ truy xuất nguồn gốc, xảy ra tình trạng “mã mượn”.
Trong thời gian qua, đã có nhiều chương tình đào tạo ở địa phương để giúp DN, nông dân,… hiểu được truy xuất nguồn gốc để làm chuẩn chỉnh, mới có thể xuất khẩu.
Chế biến sâu là một trong vấn đề nông sản ViệtNam rất cần, cần là do nhu cầu thị trường, kể cả thị trường tiềm năng trong thời gian tới là Trung Quốc.
"Chúng ta có nguồn lợi thế lớn về nguồn nguyên liệu đầu vào nhưng vấn đề là chúng ta phải xây dựng phát huy được các chuỗi kết sản xuất", bà Tường Vy khẳng định và cho biết, trong thời gian qua, Chánh Thu đã triển khai liên kết chuỗi khi Chánh Thu đăng ký thu mua 5 năm – 10 năm với trái sầu riêng và lên kế hoạch với tất cả các sản phẩm mà Chánh Thu xuất khẩu. Để làm được, Chánh Thu đưa ra mức giá cân bằng DN – nông dân, để ổn định nguồn nguyên liệu với mức giá hợp lý, sẵn sàng cho chế biến sâu.
"Trong chuỗi liên kết, vai trò của các nhà khoa học quan trọng. DN được tiếp cận công nghệ chế biến sâu, nhưng chúng ta chỉ học lại thì sẽ khó cạnh tranh, vì vậy chúng ta cần phải có sản phẩm tốt hơn, vượt trội hơn khi đó, là một doanh nghiệp tôi dám khẳng định các DN sẽ không phỉa lo đầu ra, mà lo đầu vào mà thôi. Tôi đã nhìn thấy cơ hội cho chế biến sâu, nên DN đang tập trung đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến", bà Thu nhấn mạnh.
Bảo vệ mã số vùng trồng như bảo vệ tài sản quý giá
Bà Ngô Tường Vy cho hay: Trong thời gian vừa qua khi xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, đơn vị từng được đối tác khuyên nên mượn mã số vùng trồng để xuất khẩu nhưng chúng tôi vẫn giữ quan điểm và sử dụng các mã số mà mình và các đơn vị đã được cấp để xuất khẩu.
"Việc mượn mã số vùng trồng để xuất khẩu là điều không nên và có nhiều rủi ro nên các doanh nghiệp phải chủ động và phải bảo vệ các mã số này như bảo vệ tài sản quý giá của mình mới mong duy trì, xuất khẩu sản phẩm được bền vững vào các thị trường, không chỉ sang Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.