Chuyên gia tiết lộ 6 lí do khiến ngọc trai nước biển đắt hơn hẳn so với ngọc trai nước ngọt

Nguyên An Thứ sáu, ngày 21/01/2022 05:15 AM (GMT+7)
Cùng là ngọc trai nuôi cấy nhưng ngọc trai nước ngọt và nước biển có giá trị hoàn toàn khác nhau. Nguyên nhân có sự chênh lệch này là do đâu?
Bình luận 0

Tại Tọa đàm trực tuyến "Hiện trạng, thách thức và cơ hội phát triển ngành ngọc trai Việt Nam" vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 20/1 vừa qua, bà Nguyễn Thị Minh Thu - Giám đốc công ty Ngọc trai và Trang sức AnPhú đã chia sẻ với PV Dân Việt về lí do khiến ngọc trai nước biển đắt hơn hẳn so với ngọc trai nước ngọt. Đồng thời, bà Minh Thu nhấn mạnh, có 6 điểm khác biệt giữa ngọc trai nước ngọt và nước biển.

Chuyên gia tiết lộ 6 lí do khiến ngọc trai nước biển đắt hơn hẳn so với ngọc trai nước ngọt - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Minh Thu - Giám đốc công ty Ngọc trai và Trang sức An Phú chia sẻ tại Tọa đàm Tọa đàm trực tuyến "Hiện trạng, thách thức và cơ hội phát triển ngành ngọc trai Việt Nam".

 Cụ thể, bà Thu cho hay: Ngọc trai biển và ngọc trai nước ngọt có nhiều điểm khác biệt: Thứ nhất là về nguồn gốc, ngọc trai biển được nuôi cấy trong những con trai sống ở vùng biển phía nam Thái Bình Dương, ở một số quốc gia như Nhật Bản, Australia, Philippines, Myanmar, Việt Nam, quần đảo Polynesia (Pháp)...

Ngọc trai nước ngọt được nuôi trồng trong những con trai sống ở ao, hồ, sông, suối. Trung Quốc hiện đang đứng đầu thế giới về sản lượng ngọc trai nước ngọt do có hệ thống sông ngòi rộng lớn thích hợp phát triển nuôi cấy ngọc trai.

Về độ bóng, vùng biển là môi trường lý tưởng cung cấp nhiều dưỡng chất cũng như nguồn thức ăn đa dạng, nước biển có chứa nhiều khoáng chất, nguyên tố vi lượng nên ngọc có độ bóng sáng cao và ánh sáng lấp lánh. Khi đặt dưới ánh nắng mặt trời viên ngọc trai biển có thể tỏa ra ánh ngũ sắc.

Ngược lại độ bóng của ngọc nước ngọt thấp, nhiều viên ngọc mờ và xỉn màu, không có khả năng phản chiếu và thay đổi ánh màu ngũ sắc.

Về độ dày và độ cứng lớp xà cừ, ngọc trai biển có lớp xà cừ bao phủ dày từ 0,5 đến 6mm tùy từng loại ngọc. Nước biển giàu các ion hơn so với nước ngọt, bao gồm ion canxi, vì vậy mà ngọc trai nước mặn cứng. Lớp xà cừ chắc chắn còn khiến cho màu ngọc được bền lâu, đó cũng là lý do trang sức ngọc trai biển có thể truyền từ đời này qua đời khác.

Chuyên gia tiết lộ 6 lí do khiến ngọc trai nước biển đắt hơn hẳn so với ngọc trai nước ngọt - Ảnh 2.

Chuyên gia tiết lộ 6 lí do khiến ngọc trai nước biển đắt hơn hẳn so với ngọc trai nước ngọt - Ảnh 3.

Một số sản phẩm ngọc trai nước mặn của công ty An Phú.

Ngọc nước ngọt cấu tạo hoàn toàn từ các lớp xà cừ nhưng độ cứng không bằng ngọc trai biển do kết cấu lớp xà cừ yếu, không chắc chắn. Ngọc nước ngọt dễ bị mất màu, bong tróc lớp xà cừ.

Về màu sắc, ngọc trai biển có màu sắc đa dạng hoàn toàn tự nhiên, không qua xử lý. Tùy thuộc vào lớp vỏ của trai mẹ mà màu sắc viên ngọc khác nhau. Ngọc trai biển có ba màu chính gồm màu trắng của ngọc Akoya, màu đen của ngọc Tahiti và màu vàng của ngọc South sea.

Ngọc nước ngọt nghiêng về các gam màu pastel như trắng ngà, hồng nhạt, cam nhạt, tím nhạt. Ngoài ra trên thị trường còn có ngọc nước ngọt màu đen hoặc xanh nhờ kỹ thuật nhuộm màu.

Về hình dạng, ngọc trai biển trải qua quá trình chăm sóc, nuôi trồng nghiêm ngặt, và yêu cầu kỹ thuật cao và đặc biệt là được định hình nhờ viên nhân tròn vì vậy ngọc trai biển có thể có hình dạng tròn đều hoặc gần tròn. Ngoài ra còn có hình bầu dục, giọt nước, quả lê, baroque…

Chuyên gia tiết lộ 6 lí do khiến ngọc trai nước biển đắt hơn hẳn so với ngọc trai nước ngọt - Ảnh 4.

Khu vực nuôi ngọc trai nước mặn của công ty An Phú tại Quảng Ninh.

Trai nước ngọt không được cấy nhân định hình nên ngọc trai nước ngọt có nhiều hình dạng khác nhau, chủ yếu ngọc trai bị bẹt và méo mó, dị dạng.

Về kích thước, ngọc trai nước biển có thời gian thu hoạch và kích thước đa dạng tùy thuộc vào từng loại trai. Kích thước thường thấy của ngọc trai Akoya là từ 2 - 10mm, ngọc South Sea và Tahiti là từ 8mm đến 18mm, thậm chí trên 20mm.

Ngọc trai nước ngọt có kích thước dao động từ 2 – 12mm sau khoảng 1 đến 2 năm nuôi trồng.

Cuối cùng, về độ quý hiếm và giá trị, mỗi con trai chỉ nhận một viên nhân trên một lần cấy, tối đa có thể cấy nhân ba lần, tỷ lệ thành công từ 30-40%, thời gian nuôi cấy lâu, đây chính là những lý do khiến ngọc trai biển trở thành loại ngọc quý hiếm và có giá trị lớn, chỉ sau ngọc trai tự nhiên.

Một con trai nước ngọt có thể sản xuất từ 30 đến 80 viên và có thể thu hoạch chỉ sau 1-2 năm nuôi cấy. Ngọc trai nước ngọt sẽ có giá thành rẻ hơn nhiều lần ngọc nước mặn.

Bên cạnh những chia sẻ về 6 điểm khác biệt giữa ngọc trai nước ngọt và nước biển, bà Nguyễn Thị Minh Thu tiếp tục nhấn mạnh: Trong thời buổi khó khăn, thách thức như hiện tại, Công ty An Phú vẫn duy trì chỉ kinh doanh 100% ngọc trai nước mặn.

Chuyên gia tiết lộ 6 lí do khiến ngọc trai nước biển đắt hơn hẳn so với ngọc trai nước ngọt - Ảnh 5.

Từ trước khi tôi bước vào ngành nuôi cấy, kinh doanh ngọc trai nước mặn, tôi đã chứng kiến những vị khách nước ngoài đến từ Châu Âu, Châu Mỹ bày tỏ họ rất yêu thích sản phẩm ngọc trai Việt Nam.

Nhưng nhiều người mua ngọc trai tại Việt Nam, sau khi đi kiểm định đã phát hiện ra đó là ngọc trai nước ngọt thay vì là ngọc trai nước mặn như được người bán giới thiệu.

Khi thành lập công ty, đã có nhiều người thắc mắc tại sao trong khi cả thị trường đều kinh doanh ngọc trai nước ngọt, chúng tôi lại chọn đi ngược lại với số đông bằng cách kinh doanh trai nước mặn. Đó là bởi vì niềm tự hào dân tộc và tình yêu với ngọc trai.

Chúng tôi không muốn vì một sản phẩm không đúng lại khiến khách du lịch thất vọng và cảm giác bị lừa dối khi rời khỏi Việt Nam.

Khi chúng tôi bắt tay vào việc nuôi cấy, chúng tôi mới hiểu được sự vất vả của những người nuôi cấy trai lấy ngọc. Họ phải bám biển, lênh đênh trên biển. Thậm chí, phải chọn được những vùng biển phù hợp để nuôi ngọc trai, vùng vịnh có nhiều phù du tự nhiên, phù hợp cho việc nuôi trồng cấy ghép ngọc trai.

Chuyên gia tiết lộ 6 lí do khiến ngọc trai nước biển đắt hơn hẳn so với ngọc trai nước ngọt - Ảnh 6.

Cụ thể, những vùng nuôi trồng ngọc trai là nơi có hòn núi to, núi nhỏ bao phủ quanh để che chắn được sóng to, gió lớn thì mới phù hợp với việc nuôi trồng ...ví dụ như vùng vịnh Hạ Long, khu vực Bái Tử Long (Quảng Ninh), đảo Phú Quốc, Hòn Tre và Đầm Môn (Nha Trang), Côn Đảo...

Với việc nuôi ngọc trai, chúng tôi phải có những chuyên gia được đào tạo bởi các chuyên gia Nhật Bản vì Nhật là nước đi đầu trong việc nuôi cấy trai.

Chúng tôi nhận thấy phải chủ động thiết kế, chủ động nuôi cấy, mới có thể tạo ra những viên ngọc trai đẹp. Với mong muốn người Việt dùng và ủng hộ ngọc trai Việt, công ty An Phú luôn mong muốn tạo ra sản phẩm chất lượng nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem