|
Người dân xã Phước Thái biểu quyết không kiện Vedan ra toà tại cuộc họp của xã ngày 2-7. |
Nông dân không có gì trong tay!?
Ông Hoàng Xuân Biên (thôn 1A), một hộ nuôi trồng thuỷ hải sản cho biết: Gia đình ông có 20ha nuôi tôm từ năm 1994, trước đây Vedan xả thải làm thiệt hại, cũng đã hai lần Vedan hỗ trợ 70 triệu đồng nhưng tính ra không thấm vào đâu so với thiệt hại thực tế. Lúc đó, xét thấy không đủ căn cứ để kiện ra toà vì gia đình ông không có bất kỳ một hoá đơn chứng từ gì để chứng minh thiệt hại với tòa nên không kiện.
“Lần này, tôm nuôi lại bị chết cũng chính do Vedan gây ra, của đau con xót, nhưng trong tay lại cũng không có gì để chứng minh trước toà nên tôi đề nghị cũng theo con đường hỗ trợ, nhưng nâng lên nhiều hơn, từ 25-30 tỷ đồng cho ND Đồng Nai - ông Biên cho biết thêm.
Công ty Vedan đã thừa nhận mức độ thiệt hại do xả thải gây ra là 77% trong phạm vi ảnh hưởng trên cũng là căn cứ pháp lý. Về giá trị thiệt hại, cho dù người bị thiệt hại không lưu giữ các loại hoá đơn mua bán vật tư, sản phẩm trong quá trình sản xuất nhưng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã xác nhận họ thực tế bị thiệt hại...
Luật sư Nguyễn Văn HậuTương tự, ông Đỗ Bá Lâm (thôn 1C) và một số hộ khác ở xã Phước Thái mà chúng tôi gặp đều cho biết: Trên thực tế nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của các hộ dân từ trước đến nay không nhà nào lưu giữ, hoặc lấy các các loại hoá đơn mua vật tư, phân bón, hoá đơn mua máy móc thiết bị, hoá đơn bán sản phẩm...
Thậm chí có hộ mới tham gia sản xuất cũng có thói quen không lấy, không lưu giữ các loại chứng từ trên. Do đó, theo họ thì Luật Dân sự quy định người bị thiệt hại phải chứng minh thiệt hại trước toà mà họ không có để chứng minh nên đi theo con đường thương lượng...
Theo ông Đào Văn Minh - Phó Bí thư Huyện uỷ Long Thành, kiện ra toà thì phải dựa trên chứng cứ để chứng minh thiệt hại mà số đông bà con nông dân thì không có các chứng cứ này nên họ không kiện. “Người dân tại xã Phước Thái không kiện Vedan ra tòa là họ rất am hiểu pháp luật”- ông Minh nói thêm.
Ông Trần Như Độ - Chủ tịch Hội ND tỉnh Đồng Nai cũng nói rằng người dân không kiện ra toà là nguyện vọng của họ và thực chất họ không có gì để chứng minh thiệt hại.
“Đầy đủ chứng lý để thắng kiện”
Tuy nhiên, lý do này có vẻ không đủ sức thuyết phục đối với các nạn nhân của Vedan ở TPHCM và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo ông Trần Văn Cường - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và là người được UNBD tỉnh này giao nhiệm vụ Trưởng ban Chỉ huy thống kê thiệt hại về kinh tế và môi trường vụ Vedan, thì chứng cứ pháp lý chính để kiện Vedan ra toà là kết luận của Viện Môi trường-Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) về phạm vi ô nhiễm do Vedan xả thải gây ra trên lưu vực sông Thị Vải.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hội ND TP. Hồ Chí Minh và là người tư vấn, giúp 839 hộ dân tại huyện Cần Giờ kiện Vedan ra toà để đòi bồi thường thiệt hại) bổ sung thêm: Ngoài căn cứ trên, Công ty Vedan cũng đã thừa nhận mức độ thiệt hại do xả thải gây ra là 77% trong phạm vi ảnh hưởng cũng là căn cứ pháp lý.
Về giá trị thiệt hại, cho dù người bị thiệt hại không lưu giữ các loại hoá đơn mua bán vật tư, sản phẩm trong quá trình sản xuất nhưng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã xác nhận họ thực tế bị thiệt hại... “Từ những chứng lý trên, người dân kiện Vedan ra tòa là đầy đủ cơ sở để thắng kiện”- luật sư Hậu khẳng định.
Được biết, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh đang xúc tiến mọi công việc, chậm nhất là cuối tháng 7-2010 sẽ hoàn chỉnh thủ tục nộp đơn khởi kiện Vedan tại Toà án huyện Tân Thành và huyện Cần Giờ. Theo đó, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, người bị thiệt hại sẽ uỷ quyền cho các luật sư thay mặt mình, còn tại TP. Hồ Chí Minh thì Chủ tịch Hội ND huyện Cần giờ sẽ thay mặt người bị thiệt hại tham gia tố tụng.
Cao Thuyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.