Vì sao Giám đốc Bệnh viện Gò Vấp không bị khởi tố về tội đầu cơ?

Đình Việt Thứ ba, ngày 28/04/2020 15:55 PM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã đưa ra phân tích xung quanh vụ việc ông Phạm Hữu Quốc – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp (TP.HCM) bị tố gom khẩu trang nhưng không bị khởi tố về tội đầu cơ
Bình luận 0

Như đã thông tin, ngày hôm qua (27/4), Công an quận Gò Vấp (TP.HCM) đã có thông báo kết luận về vụ việc ông Phạm Hữu Quốc – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp bị tố gom khẩu trang bán giá cao. Theo đó, căn cứ kết quả điều tra, Công an quận Gò Vấp nhận thấy, hành vi trên của ông Quốc không có dấu hiệu tội phạm "đầu cơ" được quy định trong Bộ luật hình sự 2015 nên đã ra quyết định không khởi tố vụ án.

img

Bệnh viện nơi ông Quốc đang làm việc.

Tuy nhiên, trước khi công an có kết luận, Ban Thường vụ Quận ủy quận Gò Vấp đã công bố quyết định thi hành kỷ luật ông Phạm Hữu Quốc bằng hình thức cách chức Chi ủy viên Chi bộ Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp, tức theo quy định thi hành Điều lệ Đảng, ông Quốc không còn chức Bí thư Chi bộ bệnh viện.

Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) phân tích, tội đầu cơ được quy định tại Điều 166 Bộ Luật Hình sự 2015. Khách thể của tội này là hành vi xâm phạm đến quan hệ lưu thông hàng hóa, sự điều tiết của Nhà nước nhằm đảm bảo cơ chế thị trường theo định hướng XHCN và xâm phạm lợi ích người tiêu dùng. Những loại hàng hóa trong quy định này thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá, ví dụ: Lúa, gạo, muối, xăng, dầu, xi măng, thép xây dựng…

Đây là điểm khác biệt thể hiện sự cụ thể hóa hơn so với quy định về tội đầu cơ trong BLHS năm 1999. Đối tượng của tội đầu cơ trong Điều 160 BLHS năm 1999 chỉ đơn thuần là hàng hóa được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam.

Như vậy, tinh thần chung Nhà nước đã thu hẹp khả năng xử lý tội đầu cơ so với quy định trong BLHS năm 1999, đối tượng hàng hóa của tội đầu cơ theo Điều 196 BLHS năm 2015 chỉ còn các mặt hàng thiết yếu mà Nhà nước cần bình ổn giá hay Nhà nước định giá.

Dấu hiệu bắt buộc về hoàn cảnh phạm tội đó là lợi dụng tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa…để trục lợi.

Hoặc lợi dụng các hoàn cảnh nêu trên, một hoặc một số người do nắm độc quyền kinh doanh một số loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã cố ý tạo ra sự khan hiếm giả tạo bằng cách giữ hàng hóa không bán ra thị trường, hay một số tư thương tung tin thất thiệt…nhằm tạo ra sự khan hiếm giả tạo để trục lợi.

Từ những phân tích trên, luật sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, đối với tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018), dấu hiệu bắt buộc của hàng hóa mà người phạm tội mua vét, nhằm bán lại để thu lợi bất chính phải nằm trong "danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá" thì mới cấu thành tội đầu cơ.

Tuy nhiên, đối với mặt hàng khẩu trang lại không nằm trong các danh mục hàng hóa theo quy định bắt buộc này, thế nên hành vi mua/bán khẩu trang không thỏa mãn đầy đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự. Đây chính là lý do mà Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quận Gò Vấp tuy được xác định có hành vi mua bán khẩu trang nhưng không bị khởi tố.

Ngoài ra, theo vị luật sư, việc khởi tố hay không khởi tố và việc kỷ luật Đảng là hai trường hợp khác nhau vì Đảng có quy định riêng. Đối với hành vi của ông Quốc đã vi phạm Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về những điều đảng viên không được làm nên bị kỷ luật là chính xác.

Luật sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, theo thông tin từ Quận ủy Gò Vấp, hình thức kỷ luật Đảng đối với ông Quốc là cách chức Chi ủy viên Chi bộ Bệnh viện quận Gò Vấp, theo quy định thi hành Điều lệ Đảng thì đương nhiên ông này không còn chức Bí thư chi bộ Bệnh viện quận Gò Vấp. Khi không còn là Bí thư chi bộ, có thể sẽ bị xử lý về mặt chính quyền.

Theo Công an quận Gò Vấp, kết quả xác minh như sau, ngày 17/2, ông Quốc thỏa thuận mua khẩu trang y tế cho ông Mã Thanh (44 tuổi, ngụ tại quận 11) và một người bạn của ông này tên Visal (người Campuchia, chưa rõ lai lịch) tại phòng làm việc của ông Quốc tại Bệnh viện Đa khoa quận Gò Vấp.

Mã Thanh và Visal nói mua khẩu trang y tế qua Campuchia làm từ thiện. Trong lúc thỏa thuận, Mã Thanh khẳng định ông Quốc báo giá 220.000 đồng/hộp khẩu trang y tế, ông Quốc không thừa nhận chi tiết này.

Sau khi thỏa thuận xong, ông Quốc đã nhận tiền đặt cọc mua hàng là 50.000 USD tại Bệnh viện Đa khoa quận Gò Vấp. Sau đó ông Quốc yêu cầu ông Mã Thanh ứng thêm 4 lần với số tiền là 4,3 tỷ đồng.

Ngày 19/2, ông Quốc và ông Trần Hữu Thái (làm việc tại Bệnh viện quận Gò Vấp) đã mua được 202 thùng khẩu trang y tế với giá hơn 4,6 tỷ đồng.

Căn cứ kết quả điều tra, Công an quận Gò Vấp nhận thấy hành vi trên của ông Quốc không có dấu hiệu tội phạm "đầu cơ" được quy định trong Bộ luật hình sự 2015. Do đó, ngày 27/4, Công an quận Gò Vấp đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự với hành vi trên.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem