Nhân dịp này, Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trò chuyện cùng NSƯT Đại Nghĩa, để cùng lắng nghe anh trải lòng về một Đại Nghĩa – Từ Hải của "Dưới bóng giai nhân"
Một Đại Nghĩa khác lạ trong "Dưới bóng giai nhân".
Phóng viên: Anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi đảm nhận vai Từ Hải trong vở kịch "Dưới bóng giai nhân" – tác phẩm được cảm tác từ "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du?
Đại Nghĩa: Khi nghe tác giả Quang Thảo thông báo vở "Dưới bóng giai nhân" được duyệt thực hiện, cảm xúc trong tôi lúc đó thật nôn nao pha lẫn hồi hộp.
"Truyện Kiều" là một trong những danh tác mà đa số người Việt đều biết đến. Tác phẩm cũng đã đi vào đời sống của người dân với những câu thơ, với cái tên nhân vật hết sức quen thuộc. Ngay từ hồi nhỏ khi được học về truyện Kiều trong chương trình văn học lớp 9, tôi đã từng rất say mê. Bất cứ một bài ngữ văn nào có đề bài về Kiều, hay phân tích những câu thơ trong "Truyện Kiều" thì tôi đều có hứng làm và thường đạt điểm số rất cao.
Vì vậy, ngay từ khi Quang Thảo chia sẻ kế hoạch dựng lại Kiều trên sân khấu kịch, tôi đã rất hồi hộp, đón chờ xem mình sẽ được phân vai gì. Ban đầu đạo diễn cũng rất lưỡng lự khi phân vai cho tôi, Từ Hải hay Hồ Tôn Hiến. Sau đó, Thảo cũng hỏi xem tôi muốn được hóa thân thành nhân vật nào. Thực tế thì bất cứ vai nào trong "Truyện Kiều tôi đều thích, nhưng nếu được chọn, tôi sẽ dành sự ưu tiên cho Từ Hải.
Đạo diễn Quang Thảo, phó đạo diễn Đình Toàn & NSƯT Đại Nghĩa trong họp báo ra mắt dự án.
Từ Hải là nhân vật tuy ít xuất hiện trong nguyên tác, nhưng lại được rất nhiều người ngưỡng mộ và yêu thích. Đây cũng là một dạng nhân vật mà từ trước đến giờ ít tôi ít có cơ hội được thể hiện. Thế nên đây đây chắc chắn là cơ hội tốt, để tôi được được thử thách với chính mình trong một vai diễn khác với những gì khán giả từng thấy ở tôi, từ trước đến giờ. Không chỉ mang tới một Đại Nghĩa khác lạ trong mắt khán giả, mà đó còn thực sự là vai diễn hấp dẫn, là hành trang mới trên con đường nghệ thuật của chính tôi.
Vì thế, sau nhiều ngày suy nghĩ cũng như bàn bạc cùng đạo diễn Quang Thảo, chúng tôi đã có một sự thống nhất: Đại Nghĩa sẽ là Từ Hải của "Dưới bóng giai nhân".
Tôi đi hết từ niềm vui, sự phấn khích khi được thể hiện vai diễn từ lâu mình đã đã yêu thích, đến những cảm xúc của lo lắng, hồi hộp. Phút ban đầu ấy, tôi không biết mình sẽ phải lựa chọn cách diễn như thế nào, không biết mình sẽ thể hiện nhân vật Từ Hải ra sao, để vừa đúng với tinh thần của nhân vật trong tác phẩm, lại vừa mang dấu ấn, nét riêng của bản thân. Bằng mọi cách, tôi phải làm cho ra một Từ Hải "xé sách" bước ra đời thật, một Từ Hải bằng xương bằng thịt trên sân khấu kịch.
Phóng viên: Từ Hải là một nhân vật anh hùng trượng nghĩa, đầy khí chất và cả những bao dung. Vậy một Đại Nghĩa đời thường, hoặc có thể thêm cả Đại Nghĩa nội tâm nữa, anh tự thấy mình được mấy phần của hình tượng người hùng đó, xét cả về mặt ngoại hình lẫn phẩm chất?
Đại Nghĩa: Xét về ngoại hình uy dũng hay khí phách ngang tàng cần có của Từ Hải, thì Đại Nghĩa đời thường rõ ràng là không. Thế nhưng, giữa tôi và nhân vật cũng có vài điểm tương đồng, đó là sự chính trực, trượng nghĩa với anh em bạn bè, cách đối nhân xử thế với những người "sống" quanh mình. Và có một điểm mà tôi thấy mình giống Từ Hải nhất, đó là sự yếu mềm trước những giọt nước mắt, trước nhan sắc của giai nhân.
Đại Nghĩa trong hậu trường buổi phúc khảo "Dưới bóng giai nhân".
Tôi vốn là người rất dễ mềm lòng khi đứng trước những người tôi coi là tri kỷ. Tôi cũng dễ dàng thay đổi những quyết định trước đó của chính mình, nếu như đó là vì ý nguyện của những người mà tôi thương yêu. Trong "Dưới bóng giai nhân", Từ Hải có một câu thoại rất hay, nó khiến tôi có cảm giác như đó là tiếng lòng của chính mình: "Đã đến lúc ta sẵn sàng làm tất cả mọi thứ chỉ để nhìn thấy nụ cười của người tri kỷ".
Có lẽ, Đại Nghĩa thật giống Từ Hải, nhất là ở thói đa tình và dễ mềm lòng!
Phóng viên: Anh cảm nhận thế nào về cách tác giả - đạo diễn Quang Thảo xây dựng hình ảnh của Từ Hải trong bối cảnh của "Dưới bóng giai nhân"? Điều này có khác gì so với hình dung của anh về Từ Hải trong "Truyện Kiều" trước đó hay không?
Đại Nghĩa: Có thể nói, cách nhìn của tác giả Quang Thảo về các nhân vật trong tác phẩm "Dưới bóng giai nhân" thực sự có nhiều khác biệt và mới lạ so với nguyên tác, chứ không chỉ riêng Từ Hải. Thảo đào sâu hơn về nội tâm của nhân vật, khai phá thêm những điều mà ở trong truyện thơ kinh điển kia, vì sự buộc ràng của câu chữ, của vần luật mà chưa thể nói hết.
Từ Hải trong "Truyện Kiều" là một nhân vật khí khái anh hùng, hành hiệp trượng nghĩa, một mẫu hình lý tưởng, nhưng đôi khi ta thấy nhân vật đó dường như chỉ xuất hiện trong mơ, chứ khó mà có thật ngoài đời. Còn Từ Hải của "Dưới bóng giai nhân" thì khác, vai diễn được phổ thêm nhiều sự nhân bản, để ta thấy nhân vật này có thật, đâu đó ở quanh mình, bởi những tính cách và bản năng rất con người.
Hồng Ánh và Đại Nghĩa trong "Dưới bóng giai nhân".
Trong "Dưới bóng giai nhân", cũng vẫn là một Từ Hải hào hiệp trượng nghĩa, khí phách anh hùng. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn có một Từ Hải với nhiều trắc ẩn, những tâm tư tình cảm rất đời thường. Nhân vật của tôi cũng biết hờn ghen, giận dỗi, cũng chút vui đùa với người yêu thương, nhưng cũng sẽ giận đến rơi lệ, khi thấy người mình từng coi là tri kỷ đang làm những điều trái với ý.
Tôi vô cùng thích lớp diễn "trong the phòng" của Từ Hải và Kiều. Nàng gối đầu lên chân chàng, thảnh thơi giấc nồng. Chỉ có thể là vì thương, vì yêu đến nhường nào, thì một người hùng vốn thô tháp xù xì là vậy, nay sẵn lòng "Em ơi hãy ngủ, anh ngồi quạt đây". Rồi sau đó, cũng chính Từ Hải, lại ngả đầu trên chân Kiều, tận hưởng giấc ngủ bình yên như thơ trẻ. Tôi thấy xúc động thật sự, cảm nhận đó chính là đời thật, là cuộc sống gia đình bình thường mà tôi ước muốn, như biết bao những con người bình thường khác.
Hồng Ánh và Đại Nghĩa trong lớp diễn "the phòng".
Cũng trong "Dưới bóng giai nhân", tôi thấy tác giả - đạo diễn Quang Thảo đã mở thêm được những gút thắt quan trọng. Thảo đã lý giải được quyết định bỏ giáp quy hàng của Từ Hải. Đường đường bá chủ một phương, làm điều đó đâu phải dễ dàng! Nhân vật của tôi tiến tới với quyết định khó khăn đó vì những điều cao đẹp và thiêng liêng hơn thế rất nhiều. Đó là vì nghĩa lớn, vì muôn dân trăm họ, vì không muốn nhìn thêm những tang thương "máu chảy đầu rơi", vì muốn gia đình của quân sĩ được đoàn tụ, những người vợ không còn mỏi mắt trông chồng, là vì "giấc ngủ bình an của người thân thật ý nghĩa biết bao".
Sau những nghĩa cả đó, thì mới tới tình riêng. Trong suốt năm năm ròng, chung bước cùng nhau, Kiều chưa một lần đòi Từ Hải phải đưa mình về cố hương. Kiều chấp nhận tạm gác lại chữ hiếu mà ở cùng chiến chinh. Chính điều này là lý do cuối cùng khiến cho người anh hùng như Từ Hải xúc động mềm lòng, để rồi thay đổi quyết định.
Chính góc nhìn sâu sắc và rất con người này của tác giả Quang Thảo dành cho Từ Hải mà tôi cảm thấy nhân vật không còn xa lạ nữa. Tôi có thể cảm nhận và hiểu thấu tâm can của một con người như thế, vì đâu mà có sự thay đổi quan trọng đến vậy. Chính những điều này khiến cho tôi thật sự có nhiều rung động khi thể hiện vai diễn Từ Hải.
Phóng viên: Khi hóa thân thành một người hùng như Từ Hải, anh đã có cách tiếp cận hay tìm hiểu như thế nào để thể hiện được chiều sâu và sức mạnh tinh thần của nhân vật? Trong quá trình tập luyện và diễn xuất, anh có gặp thử thách gì không? Và anh đã vượt qua những thử thách đó ra sao?
Đại Nghĩa: Khi có quyết định cuối cùng về giao vai, tôi đã nhiều lần đọc lại tác "Truyện Kiều", từ truyện thơ tới những phần chú giải, đặc biệt là những đoạn liên quan đến Từ Hải. Không chỉ dừng lại ở đó, tôi còn lên mạng tìm những thông tin về nhân vật này ở các nguồn tư liệu khác nhau.
Tôi cũng tìm đọc từ những bài tập làm văn của các bạn học sinh cấp 2, cấp 3 khi học về truyện Kiều, phân tích về khí khái anh hùng của Từ Hải, phân tích tình cảm của Từ Hải dành cho Kiều, tới bài viết chuyên môn của các nhà nghiên cứu, các học giả về Kiều, để xem họ phân tích, cảm nhận ra sao về tính cách và con người của Từ Hải và những nhân vật liên quan. Ngoài ra, tôi còn tìm hiểu về hình ảnh, tạo hình Từ Hải qua tranh ảnh, qua những loại hình nghệ thuật khác, nơi "Truyện Kiều" từng được được tái hiện. Vừa đọc, vừa nghe, vừa xem, tôi dần dần cảm nhận được nhân vật của mình, sâu thẳm từ nội tâm, theo một cách sâu sắc nhất.
Đại Nghĩa và Hồng Ánh trong một phân cảnh.
Nhờ có sự chuẩn bị kỹ càng đó, ngay từ khi bước lên sàn tập, tôi không gặp nhiều khó khăn với Từ Hải. Vừa thể hiện theo sự chỉ đạo của đạo diễn, tôi vừa sáng tạo theo cách riêng của mình, vừa kết hợp với bạn diễn, đặc biệt là Thúy Kiều - Hồng Ánh.
Trở ngại duy nhất của tôi khi "chạm" tới Từ Hải chính là giọng nói. Vai diễn Từ Hải đòi hỏi người diễn viên phải có một giọng nói khỏe và vang, đủ uy lực để có thể truyền tải hết các cung bậc cảm xúc của nhân vật. Lúc dịu dàng ngọt ngào, khi gầm gào giận dữ tới cao trào. Thực tế là sau chuỗi ngày luyện tập và đặc biệt là sau buổi diễn phúc khảo, tôi đã bị khan tiếng. Thế nên điều lo lắng duy nhất hiện giờ của tôi là làm sao để giữ được giọng nói sân khấu thật khỏe cho những suất diễn liên tiếp trong thời gian tới.
Phóng viên: Anh nghĩ vai diễn này sẽ để lại thêm dấu ấn gì cho sự nghiệp của mình, hoặc nó có ý nghĩa đặc biệt nào đối với cá nhân anh không? Đứng ở góc nhìn của Từ Hải trong "Dưới bóng giai nhân", anh có muốn truyền tải thông điệp nào đó tới công chúng?
Đại Nghĩa: Tôi coi Từ Hải trong "Dưới bóng giai nhân" như một cột mốc mới trong sự nghiệp của mình. Đó là vai diễn mà nhiều người nghĩ rằng sẽ không phù hợp với tôi. Công chúng vốn đã quá quen với hình ảnh của Đại Nghĩa trong những vai hài hước vui nhộn, nhưng Từ Hải sẽ là một sự thay đổi ngoạn mục. Chắc phải rất lâu sau này, tôi mới có thể có thêm được một vai như thế. Một vai diễn hay trong một vở diễn hay, để tôi và mọi người đều có thể tự hào về bản thân và tự hào về nhau mỗi khi nhìn lại.
Đại Nghĩa chuẩn bị y trang trong hậu trường sân khấu "Dưới bóng giai nhân".
Cùng vai diễn Từ Hải, tôi chỉ biết cố gắng làm thật tốt, trọn vẹn vai trò của một diễn viên mà thôi. Còn thông điệp muốn truyền tải đến công chúng ư? Tôi nghĩ mỗi khán giả đến với "Dưới bóng giai nhân" sẽ có những đồng cảm, những khám phá và cả những chiêm nghiệm rất riêng cho chính mình.
Phóng viên: Nếu chọn một người trong "Dưới bóng giai nhân", có thể là bạn diễn hay bất kỳ thành viên nào đó trong ê kíp thực hiện để nói về người đó, về nhân vật hay vai trò của người đó trong dự án, thì anh sẽ chọn ai, và vì sao?
Đại Nghĩa: Chắc tôi sẽ nói về Hồng Ánh, người bạn diễn trực tiếp của tôi trong vở diễn này. Mặc dù Hồng Ánh không phải là sự lựa chọn đầu tiên cho vai Kiều, nhưng sau khi casting với khá nhiều những nữ diễn viên tài sắc khác, đạo diễn Quang Thảo đã quay lại với Hồng Ánh. Đạo diễn cũng có trao đổi với tôi, về lựa chọn này, vì Kiều và Từ Hải, vai diễn của Nghĩa cần có những tương tác trực tiếp trên sân khấu về mặt cảm xúc và cần có nhịp điệu chung về diễn xuất. Khi đó, tôi cũng có nói với Thảo rằng Hồng Ánh là sự lựa chọn an toàn nhất. Không chỉ hội đủ những điều cần thiết cho vai Kiều, từ sắc vóc, nội lực diễn xuất, mà xét về mặt sức khỏe và sự tận tâm nhiệt tình trong công việc, Hồng Ánh đều có.
Quả nhiên, Hồng Ánh đã không làm mọi người thất vọng bởi sự chuyên nghiệp và tài năng không thể phủ nhận của cô ấy trong vai Kiều. Trong buổi diễn phúc khảo, đứng sau cánh gà, tôi cũng nói với một vài người bạn của mình khi xem Hồng Ánh đang diễn ngoài sân khấu, rằng nếu không phải là Hồng Ánh thì có lẽ chưa tìm được một diễn viên nào khác có đầy đủ tố chất cũng như năng lực để thể hiện vai diễn Kiều vào thời điểm này.
Điều đáng khâm phục ở đây không phải là vì Hồng Ánh đã có sẵn mọi thứ, mà ngược lại, cô ấy gần như thiếu rất nhiều những tố chất tự nhiên cho vai diễn này. Thiều từ sự mềm mại mượt mà yểu điệu của một giai nhân được miêu tả trong nguyên tác, tới những kỹ năng và yêu cầu khác mà tác giả Quang Thảo đã tô điểm thêm cho Kiều trong "Dưới bóng giai nhân". Kiều trong vở diễn phải múa, phải đánh trống bằng tay trần, phải có mặt gần như xuyên suốt 14 màn. Và Hồng Ánh đã tự mình rèn luyện thêm, thậm chí đăng ký học các kỹ năng đó một các nghiêm túc, để có thể thực hiện tốt những cảnh diễn của mình.
Nên nếu khi khán giả xem Kiều của Hồng Ánh, khán giả thương cho nhân vật Kiều, khâm phục tài năng thể hiện của diễn viên… thì tất đó không phải điều ngẫu nhiên. Thành quả đó đến từ sự nghiêm túc với công việc, từ sự chuyên nghiệp của một người nghệ sĩ gạo cội, cùng sự tập luyện bền bỉ với những ngày tháng đổ mồ hôi trên sàn tập, tay chân bị thương bầm tím…
Mời quý độc giả tiếp tục đón xem phần kế tiếp của cuộc trò chuyện giữa Báo điện tử Dân Việt với NSƯT Đại Nghĩa, về một sân khấu kịch Idecaf "thời kỳ mới" và về những suy ngẫm rất nghệ sĩ của anh về hành trình nghệ thuật và những dự định tương lai.
Thông tin chung về dự án: Dưới Bóng Giai Nhân
Giám đốc sản xuất: Huỳnh Anh Tuấn
Tác giả – Đạo diễn: Quang Thảo
Phó đạo diễn: Đình Toàn
Diễn viên: Thanh Thủy, Hồng Ánh, Hoàng Trinh, NSƯT Mỹ Duyên, Nhà giáo Ưu tú Diệu Đức, Tuyền Mập, NSƯT Bạch Long, Đình Toàn, NSƯT Đại Nghĩa, Công Danh, Trịnh Minh Dũng, Phạm Hùng, Kan Lê, Hữu Đạt, Minh Sang, Bảo Cường, Ngọc Nguyên, Thanh Anh, Phạm Hạnh, Trúc My, Bích Trâm cùng các diễn viên Nhà hát Kịch Idecaf và Nhà hát thiếu nhi Nụ Cười
Giám đốc âm nhạc: Văn Tứ Quý
Dự kiến công diễn: Bắt đầu từ 01/12/2024 tại Nhà hát Bến Thành – Tp.HCM
Vé có bán trên hệ thống của Ticket box
Vui lòng nhập nội dung bình luận.