Theo một thông báo mới đây của Cục Tổ chức Cán bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 tổ chức vào cuối năm 2012 đến nay, đã có nhiều đảng viên, quan chức Trung Quốc “chết vì nguyên nhân bất thường”.
Những con số thống kê tương tự cũng đã được đưa lên mạng vào năm 2013, sau khi Trung Quốc phát động chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” quy mô lớn, với vai trò nòng cốt là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), cơ quan được ví như “bàn tay sắt” diệt trừ tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo một báo cáo của CCDI, trong số 6.000 quan chức Trung Quốc “biến mất” một cách bất thường thì có hơn 1000 người đã tự sát. Đó là chưa kể đến 8000 quan chức đã ôm tiền bỏ trốn ra nước ngoài. Tuy nhiên báo cáo này không nêu rõ thời gian đưa ra các con số thống kê trên.
Một phiên tòa xét xử quan chức tham nhũng ở Trung Quốc
Tờ Thanh niên Nhật báo của Trung Quốc cũng đã đưa tin về 54 quan chức chết bất thường, trong đó có 23 vị tự sát, trong quảng thời gia từ đầu năm 2013 đến tháng 4/2014. Trong những bản tin này, nguyên nhân khiến các quan chức Trung Quốc tự sát được cho là do trầm cảm, trong khi nhiều người lại cho rằng áp lực từ các cuộc điều tra của CCDI là lý do khiến nhiều quan chức tự kết liễu đời mình.
Mới đây, cựu Bí thư thành ủy Nam Kinh Dương Vệ Trạch đã tìm cách nhảy lầu tự tử sau khi phát hiện ra rằng mình đang bị CCDI điều tra hành vi tham nhũng. Các điều tra viên của CCDI đã kịp thời ngăn cản hành động của ông này và sau đó bắt giam, cách chức Dương Vệ Trạch.
Lou Xuequan, một trợ lý thân cận của cựu Bí thư Nam Kinh Dương Vệ Trạch đã treo cổ tự tử hồi tháng 9 năm ngoái. Theo CCDI, Lou phải treo cổ tự sát vì chịu sức ép chính trị quá lớn từ sếp Dương Vệ Trạch của mình trong một nỗ lực bịt hết mọi đầu mối của cơ quan điều tra.
Nhiều quan chức trong quân đội Trung Quốc cũng đang phải chịu sức ép rất lớn như vậy. Hôm 13/11, báo chí Trung Quốc và các nhân chứng cho hay ông Ma Faxiang, một chính ủy thuộc lực lượng Hải quân Trung Quốc đã nhảy lầu tự tử một cách bí ẩn. Thi thể ông này sau đó nhanh chóng được hỏa táng và chôn cất ở Bắc Kinh.
Ông Song Yuwen, phó chính ủy quân khu Cát Lâm cũng đã tự sát bí ẩn hồi năm ngoái, thế nhưng quân đội Trung Quốc không hề đưa ra lời giải thích nào về cái chết của ông này.
Đến ngày 2/9 vừa qua, Chuẩn Đô đốc Jiang Jhonghua thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc cũng treo cổ trong một căn phòng khách sạn ở tỉnh Giang Tô.
Một quan chức tham nhũng Trung Quốc trốn ra nước ngoài bị dẫn độ về nước
Hồi giữa tháng Một, đài RFI đưa tin Cục Tổ chức Cán bộ Trung Quốc đã ra lệnh mở một cuộc điều tra về những cái chết bất thường của các quan chức kể từ khi Trung Quốc phát động chiến dịch chống tham nhũng toàn diện tới nay.
Trong chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn này, hơn 70.000 quan chức Trung Quốc đã bị điều tra, truy tố, cách chức, trong đó có những quan chức ở vị trí cấp cao nhất như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu.
Khi bị nghi ngờ có hành vi tham nhũng, các quan chức này sẽ phải đối mặt với một quá trình điều tra ngoài quy định pháp luật của CCDI có tên gọi là “song quy”.
Trong quá trình “song quy” này, các quan chức có thể bị giam giữ trong thời gian dài để thẩm vấn mà không hề có bất cứ một lệnh bắt chính thức nào, khi cơ quan điều tra của đảng có quyền chỉ định cả thời gian và địa điểm để thẩm vấn các đảng viên bị nghi ngờ dính dáng đến tham nhũng và các hành vi vi phạm khác.
Một số quan chức từng làm việc với các ủy ban kiểm tra kỷ luật cấp địa phương cho hay ủy ban kiểm tra kỷ luật của các tỉnh ủy, thành ủy có những biện pháp thẩm vấn khá “thô thiển”.
Đã có nhiều quan chức cấp tỉnh kể về việc bị đánh đập, bị dí tàn thuốc lá, bị nhấn nước và không được ngủ trong nhiều ngày trời khi bị triệu tập tới cơ quan điều tra của ủy ban kiểm tra kỷ luật. Nhiều người trong số họ đã tự tử vì không chịu được áp lực, hoặc chết một cách bí ẩn trong quá trình thực hiện “song quy”.
Theo các chuyên gia phân tích Trung Quốc, các quan chức tham nhũng ở nước này ngày càng hiểu rõ rằng cơ hội thoát khỏi chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” là vô cùng ít, và tự sát là một lựa chọn mà nhiều người đã tính đến một khi mọi việc bị vỡ lở.
Khi những quan tham này tự sát, mặc nhiên cuộc điều tra sẽ bị đình chỉ, và vợ con của họ vẫn có cơ hội bảo toàn số gia sản khổng lồ mà họ tích trữ được bằng các hoạt động tham ô, vơ vét của mình.
Trí Dũng (Tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.