Vì sao hàng ngàn hecta hồ tiêu ở Tây Nguyên lâm cảnh chết xơ xác?

Lê Kiến - Duy Hậu Thứ sáu, ngày 16/11/2018 13:47 PM (GMT+7)
Ông Hà Ngọc Uyển – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai – cho rằng, nguyên nhân khiến cây hồ tiêu trên địa bàn chết nhiều là do cây già cỗi, dịch bệnh, cây trồng bị người dân thâm canh quá mức mà ít chú trọng phát triển bền vững.
Bình luận 0

Còn theo ông  Nguyễn Thiện Chân - Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Nông, bệnh chết nhanh, chết chậm do nấm và tuyến trùng gây ra hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị.

Nông dân chỉ có thể áp dụng quy trình quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu của Cục Bảo vệ thực vật đã được ban hành để phòng bệnh. Trong đó, nông dân cần đặc biệt lưu ý sau khi xử lý xong diện tích hồ tiêu bị chết, tuyệt đối không được trồng lại ngay mà phải để cách ly 2 - 3 năm sau mới trồng lại; không tái canh hoặc trồng mới trên những vùng đất trũng khó thoát nước, đất không phù hợp với cây hồ tiêu để hạn chế rủi ro trong quá trình sản xuất.

Trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp).

img

Ông Vũ Đăng Khoa (thôn 16, xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lấp, Đăk Nông) Khoa cho biết, dù đã dùng mọi cách nhưng không thể cứu được vườn tiêu. Ảnh: Duy Hậu

Về giải pháp, ông Uyển cho biết, tỉnh đã có chỉ đạo vận động người dân không mở rộng diện tích, tích cực chăm sóc diện tích hiện có theo hướng hữu cơ sinh học và chuyển đổi cây trồng hợp lý ở vùng dịch. Đồng thời, khuyến khích bà con tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất hồ tiêu nhằm liên kết ngang giữa nông dân với nhau để hỗ trợ nhau trong sản xuất, tăng chuỗi giá trị nông sản có nhận sản xuất sạch, bền vững như: VietGAP, Organic.

Đối với cây trồng, xây dựng vườn cây giống đầu dòng có nguồn gốc xuất xứ được bình tuyển để cung ứng giống có chất lượng, không nhiễm bệnh cho dân. Mặt khác, ngành chức năng cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… ngăn chặn các mặt hàng không đảm bảo chất lượng.

Tại Đăk Nông, Sở NNPTNT cũng đã thành lập một tổ công tác phối hợp với các địa phương tổng rà soát, đánh giá tình hình dịch bệnh, dự báo diễn biến của bệnh hại trên cây hồ tiêu.

Sở NNPTNT Đăk Nông cũng giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây tiêu, xử lý kịp thời, hiệu quả. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên vườn tiêu; áp dụng quy trình trồng, chăm sóc cây hồ tiêu theo hướng bền vững, không chạy theo phong trào để trồng ồ ạt phá vỡ quy hoạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng chân đất của các địa phương.

Bên cạnh đó, Sở này cũng đang nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ nông dân có tiêu chết; đồng thời có ý kiến với các ngân hàng xem xét khoanh nợ, gia hạn thời gian trả nợ hoặc tiếp tục cho vay để nông dân tái  đầu tư.

Cũng về giải pháp tháo gỡ cho nông dân, theo ông Đoàn Ngọc Có – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Gia Lai, sở đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương thành lập hội đồng kiểm tra, xác minh diện tích tiêu chết, mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ của từng hộ sản xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem