Vì sao hoàng Đế Minh triều Chu Đệ bị gọi là bạo quân?

Thứ hai, ngày 26/04/2021 10:32 AM (GMT+7)
Việc làm tàn ác của Chu Đệ đã được sử sách ghi lại theo một cách ngắn gọn nhưng vẫn đủ để cho thấy mức độ tàn bạo của vị hoàng đế Minh triều này.
Bình luận 0

Minh Thành Tổ Chu Đệ là vị vua đã có nhiều cống hiến, tuy nhiên bởi vì tác phong hành động của ông quá dứt khoát và tàn bạo cho nên sau này nhiều người gọi ông là bạo quân.

Chu Đệ là vị Hoàng đế thứ 3 của nhà Minh. Sau Chu Nguyên Chương, ông là vị Hoàng đế có nhiều cống hiến nhất trong lịch sử triều đại này. Trong thời gian ông trị vì, ông từng năm lần đưa người đi thám hiểm đại dương, tiềm lực quốc gia đạt đến đỉnh cao, mở ra thời kỳ Vĩnh Lạc thịnh thế.

Chu Đệ là một vị quân chủ có tài cao chí lớn. Trong suốt thời gian làm vua của mình, có thể nói ông đã từng làm nhiều chuyện gây chấn động và một trong những việc đó là việc bắt rất nhiều ni cô vào kinh thành.

Việc này khiến người ta khó hiểu, rằng vì sao ông lại hạ lệnh bắt nhiều ni cô vào kinh thành đến vậy, sự thật đằng sau đó là gì?

"Cuộc khởi nghĩa của một người phụ nữ"

Việc này phải bắt đầu từ một người phụ nữ ở Sơn Đông, có tên là Đường Trại Nhi. Theo "Minh sử" có ghi chép lại rằng: Vào năm Vĩnh Lạc thứ 18, người phụ nữ này đã mượn danh Bạch Liên giáo, tập trung hơn vạn giáo đồ nông dân phát động cuộc khởi nghĩa ở Bồ Đài, Sơn Đông.

Vì sao hoàng Đế Minh triều Chu Đệ bị gọi là bạo quân? - Ảnh 1.

Tranh vẽ minh họa.

Do mượn danh Bạch Liên giáo nên cuộc khởi nghĩa này có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, bấy giờ đã lan ra hầu hết các khu vực ở Sơn Đông. Hơn thế nữa, người phụ nữ tên Đường Trại Nhi này còn công khai làm ra hành vi chống đối lại triều đình, tập trung quân tấn công vào các huyện thành, gây ảnh hưởng rất lớn.

Bấy giờ Chu Đệ vừa mới dời đô, hay tin xong vô cùng tức giận, bởi vì ngôi Hoàng đế này chính bản thân ông cũng giành được bằng cách không chính thống, lại thêm việc vừa mới dời đô đã xảy ra bạo loạn, việc này chẳng khác nào đang bôi nhọ ông.

Chính vì thế, Chu Đệ đã hạ quyết tâm nhất định phải diệt trừ tận gốc cuộc khởi nghĩa của người phụ nữ đó.

Nhiều lần vây bắt nhưng không tìm được người

Ngoài việc cử quân đội địa phương của Sơn Đông khi ấy tham chiến, Chu Đệ còn cử ra 5000 ngự lâm quân tinh nhuệ từ kinh thành tiến về Sơn Đông thảo phạt quân khởi nghĩa.

Song mọi việc lại không diễn ra suôn sẻ, người phụ nữ tên Đường Trại Nhi này tung tích bí ẩn, xuất quỷ nhập thần, lại mang ảnh hưởng của tôn giáo, rất khó đối phó. Hết cách, Chu Đệ buộc phải cử ra cả đội quân dùng để đối phó với giặc Oa (quân Nhật Bản).

Nhờ ưu thế tuyệt đối về quân lực, quân đội triều đình cũng dần lấy lại thế chủ động, Đường Trại Nhi bắt đầu thất bại lui quân, Chu Đệ tiến hành đàn áp khốc liệt với quân khởi nghĩa.

Vì sao hoàng Đế Minh triều Chu Đệ bị gọi là bạo quân? - Ảnh 2.

Tranh vẽ minh họa.

Kéo dài ròng rã ba tháng, Đường Trại Nhi cuối cùng vì ít người không địch nổi quân triều đình, bị bao vây tứ phía mà rơi vào đường cùng, kết cục thất bại hoàn toàn. Nhưng, điều kỳ lạ là Đường Trại Nhi biến mất không dấu vết gì.

"Nghe nói là đi làm ni cô"

Đội quân phụ trách thảo phạt quân khởi nghĩa quay trở về báo cáo rằng Đường Trại Nhi không biết đã đi đâu, không tìm thấy tung tích, thậm chí, Hoàng đế còn phái cả Cẩm Y Vệ - cơ quan đặc vụ của triều đi điều tra nhưng vẫn không tìm được bất cứ tin tức gì.

Cẩm Y Vệ đã đưa ra kết luận, có thể Đường Trại Nhi đã xuất gia đi tu, cho nên không thể tìm thấy được.

Nhưng Chu Đệ muốn sống phải thấy người, chết phải thấy xác, nhất định phải tìm được người. Vì thế, ông đã cho bắt tất cả ni cô trong các chùa miếu ở khắp nơi, áp giải về Bắc Kinh để nghiệm tra thân phận.

Trong quá trình bắt giữ, nhiều ni cô bị sỉ nhục. Nhưng điều tra mãi vẫn không tìm được tung tích của người phụ nữ ấy, cũng giống như Kiến Văn Đế, một khi đã đi thì không thể tìm thấy được.Tới tận khi Chu Đệ qua đời vẫn không có tin tức gì, người phụ nữ tên Đường Trại Nhi đã trở thành bí ẩn trong lịch sử.

Vì sao hoàng Đế Minh triều Chu Đệ bị gọi là bạo quân? - Ảnh 3.

Vì một nhân vật tên Đường Trại Nhi mà biết bao ni cô đã phải chịu giày vò. Ảnh minh họa.

Liên quan đến vụ việc này, "Minh sử" ghi chép đơn giản như sau: "Tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 18, Đường Trại Nhi làm phản ở Bồ Đài Sơn Đông, Đường Trại Nhi trốn thoát, cho nên triều đình đã bắt giữ hàng vạn ni cô khắp đất nước. Cho dù Chu Đệ hành hạ, giày vò tàn ác các ni cô, song cuối cùng vẫn không đạt được mục đích gì".


Khánh An (Theo Tổ Quốc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem